Tác giả của ca khúc nổi tiếng "Ca dao em và tôi'" bất ngờ qua đời do nhồi máu cơ tim vào chiều nay.
Vào khoảng 17h20 chiều nay (3/7), nhạc sĩ An Thuyên qua đời ở tuổi 66 tại Bệnh viện 108. Trước đó, vào chiều ngày 2/7, nhạc sĩ An Thuyên vừa về đến Hà Nội. Sáng ngày 3/7, ông đến văn phòng Hiệp hội Văn hóa Doanh nhân làm việc như thường lệ. Buổi trưa, ông đã về nhà và sau đó bị choáng mệt. Ông đã được người nhà đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện 108 nhưng không qua khỏi do bị nhồi máu cơ tim cấp.
Sự ra đi đột ngột của ông khiến làng nhạc Việt thêm đau buồn ngay sau sự ra đi của GS.TS Trần Văn Khê, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, nhạc sĩ Phan Nhân, nhạc sĩ Thanh Bình.
Nhạc sĩ An Thuyên (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)
Nhạc sĩ An Thuyên sinh năm 1949 tại xã Quỳnh Thắng, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Năm 11 tuổi đã đàn hay, sáo giỏi và là người chơi các nhạc cụ dân tộc rất có duyên cho "gánh hát" của gia đình. Ca khúc đầu tiên đó chính là bài hát Nối gót anh hùng, nhân dịp vài người dân quê đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Năm 1967, An Thuyên bắt đầu công tác ở Ty Văn hoá Nghệ An. Năm 1975, ông vào bộ đội. Năm 1977, ông trở thành nhạc công của Đoàn Văn công Quân khu IV. Năm 1981, ông được cử đi học ở Nhạc viện Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, ông về Phòng Văn nghệ Quân đội, nay là Trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội, công tác ở đó cho đến tận lúc về hưu.
An Thuyên sáng tác khá sung sức và đều tay. Công chúng biết và yêu mến ông với rất nhiều bài hát như: Em chọn lối này, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Hành quân lên Tây Bắc, Khi xe tăng qua miền quan họ, Thơ tình của núi, Chín bậc tình yêu, Huế thương, Neo đậu bến quê, Mẹ Việt Nam anh hùng, Ca dao em và tôi...
Tuy nhiên, An Thuyên chiếm trọn được trái tim của mọi người yêu nhạc Việt Nam là nhờ vào những bài viết nặng lòng với quê hương như Neo đậu bến quê, Ca dao em và tôi. Tình yêu quê hương đập rộn ràng trong các ca khúc của ông, và dường như nó cũng hóa thân vào những xúc cảm thẩm mỹ khi ông viết về những vùng quê khác, những đề tài khác.
Sự ra đi của ông khiến làng nhạc Việt thêm đau buồn
Ngoài sáng tác ca khúc, nhạc sĩ An Thuyên còn viết một số kịch hát đã được dàn dựng ở nhiều đoàn văn công như Trương Chi, Đôi đũa kim giao, Biển tình cay đắng, sáng tác cho khí nhạc như Concerto cho flute và dàn nhạc giao hưởng. Ông còn viết nhạc cho phim, nhạc cho múa và viết phần âm nhạc cho khoảng 60 vở kịch nói, tuồng, chèo...
Với những sáng tác đi vào lòng người, nhạc sĩ An Thuyên vinh dự nhận được nhiều giải thưởng: Giải Nhất cuộc thi ca khúc toàn quốc năm 1985: Tiếng đàn balalaica trên sông Đà (phỏng thơ Quang Huy); Giải thưởng chính thức của Bộ Quốc phòng: Hành quân lên Tây Bắc (1984), Thơ tình của núi (1994). Giải Nhất của Bộ Văn hoá - Thông tin và Hội Nhạc sĩ Việt Nam: Khi xe tăng qua miền Quan họ (1985), Mẹ Việt Nam anh hùng (1995).
Ông đoạt nhiều giải của Hội Nhạc sĩ Việt Nam: Giải Nhì với bài Chín bậc tình yêu (1992), giải Nhất với bài Bài ca người tình báo (2000), Giải Nhất với bài Đi tìm bóng núi (2004), giải Nhì hợp xướng Chào Việt Nam thênh thang mùa xuân (2004). Đặc biệt, năm 2007 ông được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật với chùm tác phẩm: Em chọn lối này, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Hành quân lên Tây Bắc.
Nhạc sĩ An Thuyên có hai người con cũng theo âm nhạc và đều rất thành công đó là nhạc sĩ An Hiếu (hiện công tác tại ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội) và ca sĩ Bông Mai (trước là thành viên nhóm tam ca Con Gái, hiện công tác tại Đài truyền hình Việt Nam).