Từ lâu, nước mắt và những mâu thuẫn đã trở thành một thứ “đạo cụ” làm các cuộc thi trên sóng truyền hình thêm phần gay cấn, kịch tính.
Theo thống kê chưa đầy đủ, có khoảng gần 50 cuộc thi diễn ra trên sóng truyền hình hàng tuần. Các cuộc thi này đa số chỉ xoay quanh việc tìm kiếm tài năng ca hát, người mẫu, khiêu vũ, khả năng lạ… Sự nhàm chán trong hình thức cũng như “cạn kiệt” của các tài năng tham gia khiến cho nhà tổ chức phải tìm đủ mọi cách để gây sự chú ý của người xem.
Trong suốt những năm, các nhà sản xuất luôn tìm cách để lôi kéo khán giả bằng những yếu tố ngoài cuộc thi.
Hoàn cảnh thí sinh – yếu tố gợi sự đồng cảm
Trong vài năm trở lại đây, hoàn cảnh sống của thí sinh đang trở thành một yếu tố được các nhà sản xuất tập trung khai thác một cách triệt để.
Những thí sinh như Ya-Suy từng giành ngôi vị quán quân của Vietnam Idol với xuất thân từ một vùng quê nghèo, một chàng trai khốn khó với khá vọng vươn lên trong cuộc sống. Chàng trai trông xe Lê Tích Kỳ cũng từng lấy nước mắt của khán giả khi xem phóng sự mà nhà sản xuất The X-Factor thực hiện về hoàn cảnh của anh. Tuy vậy, chỉ sau đó ít lâu, khán giả lại nghi ngờ chương trình đã "làm màu" quá đà cuộc sống của nam thí sinh vì bản thân anh không quá nghèo túng, khổ sở.
Ngoài giọng hát, không thể phủ nhận hoàn cảnh sống của gia đình Hồ Văn Cường cũng là yếu tố quan trọng tạo nên thành công của "cậu bé hát đám cưới" này ở Vietnam Idol Kids.
Mới đây nhất, cậu bé hát đám cưới Hồ Văn Cường cũng giành được ngôi vị quán quân Vietnam Idol Kids 2016. Ngoài giọng hát hay, hoàn cảnh gia đình nghèo khó cũng là yếu tố quan trọng giúp “cậu bé hát đám cưới” lấy được cảm tình của người hâm mộ.
Rõ ràng, những hoàn cảnh khó khăn, những ý chí vươn lên trong cuộc sống luôn chiếm được cảm tình của người hâm mộ.
Nước mắt – Đạo cụ “dùng mãi không chán" của các show truyền hình
Một trong những yếu tố không thể thiếu trong các cuộc thi trên sóng truyền hình hiện nay là nước mắt. Hầu như chương trình truyền hình thực tế nào cũng có…nước mắt.
Người thắng cũng khóc và kẻ thua cũng...khóc
Thí sinh bị loại thì các thí sinh khác, giám khảo, huấn luyện viên... đều khóc; thí sinh được vào vòng trong cũng khóc vì xúc động, sung sướng. Thậm chí, người ngồi "ghế nóng" khóc vì thấy diễn viên diễn quá hay! Như Trấn Thành, Việt Hương đã không ít lần khóc khi xem thí sinh diễn... hài.
Nói cách khác, bất cứ lý do gì cũng có thể khiến cho những người tham gia chương trình khóc.
Việc sử dụng quá nhiều nước mắt khiến người xem có cảm giác các giám khảo (huấn luyện viên), thí sinh, khách mời… là những diễn viên trên sân khấu của gameshow. Và việc phải khóc lúc nào, khóc như thế nào đều đã được “định hình sẵn”. Hà Hồ, Thu Minh, Lan Khuê... đều đã từng bị cho là “diễn sâu” khi khóc trong các chương trình mà họ làm huấn luyện viên.
Khóc là "đạo cụ" độc đáo, dùng mãi không chán của các show truyền hình thực tế.
Mâu thuẫn – yếu tố tăng sự gay cấn, kịch tính
Những “chiêu bài” hút khách kiểu như hoàn cảnh thí sinh, nước mắt đã bắt đầu trở nên nhàm chán. Vì vậy, những người thực hiện chương trình truyền hình dường như lại bắt đầu tìm một chiêu thức mới để thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Và, một trong những yếu tố gây tò mò nhất chính là việc khai thác những mâu thuẫn giữa các thí sinh, các huấn luyện viên với nhau.
Mối quan hệ giữa Phạm Hương và Lan Khuê ở The Face từng làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực của báo chí. Việc Phạm Hương liên tục loại 3 thí sinh đội Lan Khuê càng khiến cho những mâu thuẫn của hai người đẹp quyền lực này được đẩy lên cao trào.
Mâu thuẫn của các giám khảo Nhân tố bí ẩn 2016 cũng được đẩy lên cao trào
Chương trình Tìm kiếm người mẫu Việt Nam 2016 (Vietnam Next Top Model) cũng khai thác một cách triệt để yếu tố mâu thuẫn ở mỗi tập. Cuộc sống ở nhà chung trong hai tập đầu phát sóng luôn “căng thẳng” bởi khúc mắc giữa các thí sinh với nhau.
Mới đây nhất, cuộc thi Nhân tố bí ẩn 2016 gây sự chú ý của người hâm mộ khi bùng nổ cuộc tranh cãi giữa các huấn luyện viên về ca khúc Không quan tâm của nhạc sỹ Dương Khắc Linh. Mâu thuẫn này nhanh chóng trở thành một sự vụ hot, một đề tài được bàn luận trên mặt báo và mạng xã hội. Cũng vì vậy, sau một thời gian chìm lấp, Nhân tố bí ẩn lại nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng mạng.
Vietnam Next Top Model luôn chú ý khai thác khúc mắc giữa các thí sinh ở ngôi nhà chung.
Tạm kết
Rõ ràng, việc khai thác hoàn cảnh của thí sinh là cách đánh vào lòng trắc ẩn của người xem trong các show truyền hình thực tế. Khán giả luôn thương và ủng hộ những người biết vươn lên trong cuộc sống và trong học tập. Vì vậy, một chương trình có nhiều thí sinh “hoàn cảnh” tham gia sẽ lợi cả đôi đường. Họ vừa nhận được “tiếng” dám giúp đỡ được những người khó khăn vươn lên trong cuộc sống, vừa nhận được sự ủng hộ của khán giả (ủng hộ thí sinh cũng có nghĩa là ủng hộ chương trình thông qua các tin nhắn bình chọn).
Ngoài ra, những mâu thuẫn và nước mắt của thí sinh hay giám khảo cũng tạo nên sự tò mò cho người xem. Tuy nhiên, đây là một “chiêu thức” nguy hiểm. Bởi nếu không giải quyết được mâu thuẫn một cách khéo léo, chương trình rất có thể sẽ bị tẩy chay.