Quán quân Got Talent từng làm nghề “mạt hạng”

Ngày 06/06/2013 17:33 PM (GMT+7)

"Tôi từng bắt xe ra Hà Nội bán kẹo cao su, tẩm quất ở các quán bia để kiếm tiền".

Mê hoặc khán giả bằng giọng Opera cao vút, khó có thể ngờ rằng, đến cả một nốt nhạc bẻ đôi, Trần Hữu Kiên, quán quân Vietnam’s Got Talent 2013, cũng không biết. Chàng luật sư tập sự sinh năm 1986 này còn phải đi thi ba lần mới đậu đại học và từng trải qua những nghề “mạt hạng” nhất để kiếm tiền...

Trần Hữu Kiên sinh ngày 17/4/1986 tại Thanh Hóa. Anh tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội và đang là luật sư tập sự. Trần Hữu Kiên đoạt giải quán quân Vietnam’s Got Talent 2013 bởi chất giọng Opera cao ngút được nhạc sĩ Đức Trí nhận xét: “Nốt cao của Kiên thể hiện ngang tầm với diva Mỹ Linh”. Sau cuộc thi Vietnam’s Got Talent, anh cho biết mình có dự định lấn sân vào showbiz.

Tất bật nhận show sau đêm đăng quang nên để có một cái hẹn với quán quân Vienam’s Got Talent thật chẳng phải dễ. Dù vậy, Kiên vẫn dành chút thời gian eo hẹp của mình để trò chuyện riêng 2 tiếng đồng hồ với tôi lúc nghỉ trưa.

Quán quân Got Talent từng làm nghề “mạt hạng” - 1
Chàng luật sư tập sự sinh năm 1986 này còn phải đi thi ba lần mới đậu đại học và từng trải qua những nghề “mạt hạng” nhất để kiếm tiền...

Vừa gặp Kiên, tôi bị thu hút bởi dáng người nhỏ, cặp mắt kính thư sinh, cái miệng rất có duyên dù khuôn mặt chẳng được mấy bảnh trai cho lắm. Đặc biệt, giọng nói Kiên thoăn thoắt, to, rõ, đúng chất của một vị luật sư tương lai.

Anh bật mí, hồi trước, thầy cô khuyên anh nên thi báo chí, bởi xem một trận bóng đá, anh có thể bình luận mạch lạc, chính xác không thua kém gì các bình luận viên trên ti vi...

Đi bán kẹo dạo, không ít lần bị chửi

- Chẳng khó gì để nhận ra giọng đậm chất Thanh Hóa của anh. Ở miền quê đó, cuộc sống gia đình anh như thế nào?

Nhà tôi ở Quảng Xương, Thanh Hóa, vùng quê nghèo quanh năm gió bão. Bố tôi là ngư dân đánh cá, nhưng chỉ đánh bắt gần bờ. Sáng đi, trưa về, ngày nào may mắn thì kiếm được 100.000 - 200.000 đồng tiền cá, ngày nào xui rủi thì trắng tay, lại còn bị lỗ tiền xăng, vì bố đánh cá bằng thuyền chạy máy nổ.

Đó là chưa kể có những tháng mưa bão, biển động, bố không đi đánh cá được, cả tháng coi như không có thu nhập. Mẹ thì làm ruộng, nhưng ruộng chỉ có một sào của ông ngoại để lại, chỉ vừa đủ có gạo ăn cho cả nhà.

Gia đình tôi có sáu anh em, bố mẹ phải dành dụm mãi mới đủ tiền cho chúng tôi ăn học. Học lớp 6, chị gái lớn bỏ học ở nhà chăm em để phụ giúp bố mẹ. Còn lại, bố mẹ vẫn phải nuôi bốn anh em tôi học đại học và một anh khác học cao đẳng. Giờ các anh lớn ra trường đi làm cả rồi, bố mẹ mới đỡ vất vả được phần nào.

Quán quân Got Talent từng làm nghề “mạt hạng” - 2
Trần Hữu Kiên tỏa sáng trên sân khấu Vietnam's Got Talent.

- Gia đình khó khăn thế, đã bao giờ anh trải qua cảnh ăn cơm độn, uống nước lã như người ta chưa?

Hồi nhỏ bị ăn cơm độn hoài. Lúc đó khó khăn nhưng bố mẹ tôi không bắt con mình phải ra đi kiếm sống, vì nghĩ đó là trách nhiệm của bố mẹ, đã sinh ra con thì phải cho con ăn học tới nơi tới chốn. Nhưng anh em tôi thì luôn tìm cách phụ giúp gia đình.

Ngay từ năm lớp 6, cứ đến hè, tôi lại bắt xe ra Hà Nội đi bán kẹo cao su, tẩm quất ở các quán bia để kiếm tiền rồi. Năm lớp 8, tôi vào Sài Gòn đi bán sách dạo, đi đánh giày. Ngày đó, tôi chỉ có đủ tiền xe thôi, nên phải nhịn đói suốt 2 ngày.

Đi được nửa đoạn đường, vào đến Quảng Ngãi thì bị sang xe và suýt nữa bị bỏ rơi. Tôi chạy theo khóc nức nở, xe mới dừng lại. Vào Sài Gòn tôi ở cùng các bạn và cùng đi đánh giày.

Hết hè tôi lại về quê. Cứ mỗi lần về cầm được 1 triệu đồng. Tiền đó để mua sách học, không thì đỡ đần chi phí cơm gạo cho bố mẹ.

- Mới học lớp 6 mà anh đã chịu khó, chịu khổ, chịu xa nhà để đi làm kiếm tiền thế sao?

Lần đầu ra Hà Nội ngày nào cũng khóc vì nhớ nhà, thấy tủi cho cảnh cầm rổ kẹo cao su đi nài nỉ người ta và không ít lần bị chửi vì làm phiền người ta. Nhưng tôi vẫn làm cật lực từ sáng đến tối, miễn sao có tiền và nghề đó không vi phạm pháp luật là được.

Tôi tự an ủi, có thể người ta coi mình là đứa mạt hạng thật, nhưng tôi thấy tôi lao động bằng sức, bằng mồ hôi nước mắt của tôi, chẳng có gì phải hổ thẹn cả. Bây giờ bạn bè hỏi, tôi luôn tự hào kể với họ về quãng thời gian đó. Sau này có con, tôi sẽ kể cho chúng nghe chuyện bố nó, chú bác nó từng đi làm những nghề như thế để tụi nó biết trân quý cuộc sống.

Đến lần thứ ba mới thi đậu đại học

- Cũng có nhiều người viện lý do nghèo để không đi học, rồi lao vào cuộc sống sớm đến sinh ra hư hỏng. Còn anh thì sao?

Ở quê tôi không có điều kiện học nhiều, so với bạn bè cùng tuổi tôi được đi học đã là may rồi. Tôi học không quá giỏi nhưng thông minh thì có.

Năm học nào cũng được tiên tiến hoặc giỏi. So với các bạn khác, tôi học trễ một năm, thi đại học cũng đến lần thứ ba mới đậu. Nhưng tôi là sinh viên khá.

- Anh bảo mình có tố chất thông minh mà đến lần thứ ba mới đậu đại học?

Hai năm đầu tôi thi Đại học Nhân văn vì thích làm báo. Năm đầu tiên, tôi được 19 điểm. Với khối C, nếu đạt số điểm đó là có thể đậu được vào rất nhiều trường khác. Nhưng tôi chỉ thích làm báo và muốn thi vào báo chí nên rớt.

Lúc đó, thấy xấu hổ vô cùng, vì lực học của mình không kém, trong khi các bạn học kém hơn thì đậu. Tôi quên nó bằng cách vào Sài Gòn, rồi xuống Cần Thơ, lên Đà Lạt đi đánh giày, bưng bê cà phê, xin hát ở phòng trà.

Một thời gian sau, tôi ra Hà Nội ôn thi tiếp lần 2. Năm đó có bóng đá, tôi lại nghiện “món” này nên học không vô và lại thi rớt. Đến lúc này tôi mới nhận ra năm thứ 2 rồi mà thi rớt thì nguy hiểm vô cùng. Bố mẹ động viên đi học cao đẳng, nhưng tôi không thích nên xin thi thêm năm nữa, nếu không đậu sẽ làm như lời bố mẹ mong muốn.

Năm đó, tôi cũng vào Sài Gòn làm mấy tháng rồi lại ra Hà Nội tập trung ôn luyện. Cuối cùng, tôi đậu với số điểm khá cao, 23 điểm. Bố mẹ tôi mừng, lúc biết tin, cả đời bố chưa bao giờ uống bia rượu mà hôm đó uống say khướt (cười lớn).

Quán quân Got Talent từng làm nghề “mạt hạng” - 3
"Nhà tôi có truyền thống người trước nuôi người sau, vì thế, khi tôi học đại học, các anh chị là người chu cấp kinh phí cho tôi".

- Gia đình khó khăn, lại đông con, bố mẹ làm sao xoay xở nổi học phí để chu cấp cho anh đàng hoàng?

Nhà tôi có truyền thống người trước nuôi người sau, vì thế, khi tôi học đại học, các anh chị là người chu cấp kinh phí cho tôi. Những tháng tôi đi làm, đủ tiền thì không xin thêm anh. Tháng nào bận học thi, không đi làm được, thiếu thì xin.

Mỗi tháng, tôi chi tiêu khoảng 1 triệu đồng thôi. Tiền trọ 300.000 đồng, tiền ăn uống và chi phí còn lại là 700.000 đồng. Bây giờ tôi là luật sư tập sự nhưng vẫn làm sinh viên tư vấn cho một công ty luật. Mỗi tháng được khoảng 5 - 6 triệu đồng, lo được cho 2 đứa em sau nữa. Lúc thi Vietnam’s Got Talent tôi mới xin nghỉ việc ở công ty.

Bạn gái lo sợ tôi thay đổi

- Số tiền đoạt giải sau cuộc thi, anh dùng để làm gì?

Hôm đó báo chí nghe nhầm là tôi khao cả xã. Nhưng ý tôi là sẽ tổ chức buổi liên hoan nhẹ nhàng thôi. Ở quê người ta quý nhau, đến uống trà trò chuyện là được rồi, chứ để mà khao cả xã phải 3 - 4 tỉ đồng cũng chưa đủ.

Còn tôi sẽ dành số tiền đó đầu tư vào học thanh nhạc để mình trở thành ca sĩ thực thụ. Tôi có trích 10 triệu đồng tặng nhóm Hoa Mẫu Đơn. Tôi cũng trích tiền ra trả nợ giúp gia đình. Để các anh em tôi ăn học, bố mẹ vay nợ gần 100 triệu đồng. Tôi không muốn bố mẹ mình cứ lo nghĩ về số nợ ấy.

- Trước đây, hễ ai hỏi về việc có bước chân vào showbiz không thì anh đều lưỡng lự không trả lời. Đến bây giờ anh đã có quyết định dứt khoát chưa?

Đấy là một dự định trong tương lai. Nhưng tôi chưa làm được gì nên chưa dám khẳng định trước. Người ta bảo showbiz phức tạp. Tuy nhiên, tôi quan niệm khi chưa khám phá thì mình chỉ ngồi đó lo sợ thôi.

Trong cuộc sống tôi đã dám làm nhiều điều rồi, kể cả những nghề bị cho là “mạt hạng”, vậy thì sao mình không dám làm để khám phá tiếp khi đang có điều kiện thuận lợi. Đường đi có hoa hồng thì cũng có nhiều gai. Cái gai sẽ làm mình đau nhưng lại cho nhiều kinh nghiệm quý báu.

Tôi hay kể cho bạn bè nghe một câu chuyện thế này, có hai cái cốc nếu đặt nó thẳng hàng thì chỉ thấy cái cốc đằng trước, không thấy cái cốc đằng sau. Nếu những người luôn cho cái cốc đằng trước là vật cản to lớn và không đi tiếp thì không bao giờ thấy được cái cốc đằng sau đựng cả một ly mật ngọt cả. Tôi luôn cho cái cốc trước mặt là vấn đề nhỏ bé.

- Cái cốc trước mặt là vấn đề nhỏ, nhưng có nhiều vấn đề “nhỏ” cùng lúc khi lấn sân showbiz, anh đối phó nổi không?

Tôi không phải là nhà kinh tế, nhưng tôi học luật nên luôn nhìn vấn đề ở hai khía cạnh được và mất. Vì thế nếu vào showbiz, tôi đã tính đến những chuyện đó rồi. Tôi không có nhiều tiền, cũng không hoàn toàn mù tịt về showbiz.

Nhưng cứ để phía trước trả lời. Hiện tại, tôi chỉ biết ngày nay, ngày mai và ngày sau nữa, chứ hỏi tháng sau, năm sau thì tôi chưa tính tới.

- Không có nhiều tiền mà anh còn chọn thể loại Opera kén người nghe, e rằng anh sẽ phải vất vả hơn người khác đó?

Đúng là Opera kén người nghe. Nhưng tôi tin mình có thể làm mới mọi thứ được. Có thể tôi không hát Opera cổ điển, nhưng từ một bản nhạc Pop, Rock tôi chuyển thành Opera và bài hát đó sẽ rất mới lạ.

Quán quân Got Talent từng làm nghề “mạt hạng” - 4
"Ca sĩ nổi tiếng vẫn còn bị người này người kia ghét thì người nghiệp dư như tôi sao làm được".

Tôi hát bằng trái tim, bằng hồn, bởi vậy, tôi đủ tự tin để nói nếu tôi đi hát thì sẽ có người hâm mộ của riêng mình. Chứ để thu hút khán giả cả nước thì tôi không làm nổi đâu. Ca sĩ nổi tiếng vẫn còn bị người này người kia ghét thì người nghiệp dư như tôi sao làm được.

- Ba lần đi thi mới đậu được đại học, nếu giờ theo ca hát, bỏ luật sư anh có thấy phí không?

Tôi vừa hoạt động showbiz nhưng không từ bỏ luật. Tôi sẽ trau dồi trong quá trình mình đi hát. Thời gian tới đây, tôi đi diễn nhiều nhưng vẫn đọc sách và tài liệu về luật để kiến thức không bị mai một.

Dĩ nhiên, thành công hai nghề thì khó, nhưng cứ thử hết sức có thể, nếu không được thì cái nào có duyên với mình mình sẽ chọn.

- Anh có sợ mình sẽ bị showbiz làm thay đổi con người hiện tại không?

Tôi sống bằng cái tâm. Khi tôi giành giải bạn gái tôi cũng vui nhưng cô ấy lại lo sợ tôi thay dổi. Tôi bảo, tôi vẫn là tôi, dù ở đâu, làm gì thì vẫn vậy, không thay đổi đâu. Không biết là tôi có duyên để đến với bạn gái không nhưng chắc tôi sẽ không để bạn gái mình phải buồn.

Cảm ơn Trần Hữu Kiên đã chia sẻ!

Một nốt nhạc bẻ đôi tôi cũng không biết

- Kinh phí từ Bắc vào Nam để tham gia cuộc thi là do anh tự túc hay sao?

Ở vòng bán kết, Ban tổ chức hỗ trợ cho tôi 2,5 triệu đồng để lo chi phí tàu xe từ Bắc vào Nam gồm cả đi lẫn về. Vào đây tôi được hỗ trợ chỗ ăn ở nên không phải tốn nhiều chi phí. Nhưng món ăn ở đây tôi ăn không quen nên bị sút mất 3 - 4kg (cười lớn).

- Có một giọng hát đặc biệt, ngoài Got Talent, anh đã từng tham gia thi các cuộc thi khác chưa?

Thú thật, chưa bao giờ tôi có ý định thi một cuộc thi nào cả.

- Anh đã tập luyện, tìm hiểu về opera bao giờ chưa mà biết hát Opera?

Lúc tôi hát được một bài Opera là năm em trai tôi thi vào Nhạc viện Hà Nội. Lúc đó em trai tôi thi hát bài Opera. Tôi thấy nó hát nên hát theo cho vui. Lúc đó, tôi nghĩ mình biết hát loại nhạc đó chứ cũng không nghĩ giọng mình lạ hoặc thu hút gì cả.

Dù đạt giải quán quân, nhưng tôi xác định, mình chỉ là một người nghiệp dư thôi. Để học Opera người ta phải qua khổ luyện, mất cả 7-8 năm mới sành sỏi. Còn tôi, một nốt nhạc bẻ đôi tôi cũng không biết. Bởi vậy, tôi sẽ học thanh nhạc để hát tốt và đúng kỹ thuật hơn.

Theo Mỹ Linh (Mốt & cuộc sống)
Nguồn:

Tin liên quan