Làm mẹ đơn thân, Anh Thư stress với những sự thay đổi tâm sinh lý của con trai Minh Khoa ở tuổi dậy thì.
2 năm trở lại đây, siêu mẫu Anh Thư hoạt động tích cực trở lại trong showbiz Việt, từ xuất hiện trên sàn diễn tới các chương trình về người mẫu và đóng phim. Lần này, "đệ nhất vedette thập niên 2000" đã có thêm một điểm tựa vững chãi là quý tử 16 tuổi. Cô tâm sự, cuộc đời mình có nhiều cột mốc thay đổi xuất phát từ những câu hỏi tưởng chừng như ngô nghê của con trai.
XEM VIDEO: Anh Thư thay đổi cách dạy con ở tuổi dậy thì.
- Với những sự trở lại gần đây, chị cảm nhận cuộc sống của mình khác trước thế nào?
Nhịp sống của tôi thay đổi rất nhiều, quá bận rộn so với trước. Lúc trước, tôi sống rất lành mạnh, 10 giờ tối đã đi ngủ, sáng dậy sớm tập thể dục rồi đi làm. Cuộc sống khi ấy bình yên, còn bây giờ thì xáo trộn hoàn toàn.
Trước The Face Vietnam 2023, tôi tham gia bộ phim truyền hình Hoa vương và phải ghi hình 100 tập. Lúc đó, tôi làm việc hơn 15 tiếng/ngày, chưa kể thời gian di chuyển, học thoại và chuẩn bị cho ngày hôm sau. So với những lần hợp tác trước, vai diễn trở lại quá thử thách với Anh Thư. Xưa tôi đi đóng phim như "đi chơi", lên phim trường như đi giải trí còn lần này thì tôi stress, căng thẳng khi bắt đầu. Thoại trong phim của tôi nhiều kinh khủng khiếp, thời gian học thoại đã chiếm hết 1 ngày của mình. Tôi ít ngủ hơn hẳn, áp lực cũng nhiều hơn. Từ nhỏ tới lớn tôi chưa bao giờ chảy máu cam, nhưng vì quá căng thẳng nên nhiều lúc đang đứng thì máu chảy từng giọt.
Đóng phim đã là điều kinh khủng, nhưng không... kinh hoàng bằng lúc ghi hình The Face Vietnam (cười). Đóng phim 15 tiếng/ngày còn được về nghỉ ngơi, nhưng truyền hình thực tế khi nào xong thử thách mới được về, thậm chí làm việc liên tục 48 - 72 tiếng. Tập nào thua thì mentor còn được nghỉ, chứ nếu thắng thì phải tiếp tục thay layout, quần áo, nghĩ kịch bản ghi hình tiếp… Chúng tôi bắt buộc chợp mắt trong thời gian ít ỏi trên trường quay. Tôi sụt 4kg trong 2 tuần. Ekip phải xay đồ ăn thành sinh tố để tôi uống liên tục cho không bị mất sức, vì dù sao mình cũng là người lớn tuổi nhất nên cũng sợ (cười).
- Chị thích một Anh Thư thong thả với cuộc sống, 10 giờ tối đã đi ngủ hay thích hình ảnh bận rộn, được khán giả chú ý như lúc này?
Tôi là tuýp người thích cuộc sống bình yên. Trước đó ở nhà, tôi thấy thoải mái lắm, không có cảm giác nhớ nhung bạn bè trước đây hay những công việc của giới showbiz (cười). Nhưng thỉnh thoảng tôi cũng khá mâu thuẫn. Anh Thư hay nói với người thân rằng nhiều lúc thấy lười chỉ muốn nghỉ ngơi, có khi được book show cũng từ chối. Nhưng khi tôi đã tham gia hoạt động nào thì lại rất "máu me", lăn xả.
- Trên truyền hình, khán giả thấy hình ảnh một Anh Thư quyết liệt, "máu lửa". Đó là vì quá lâu rồi chị mới trở lại với công việc yêu thích, hay vì tính chất gameshow cần những drama, kịch tính?
Đó là tính cách của Anh Thư, chứ không có bất kỳ sự tính toán nào. Nếu đã nhận, tôi sẽ lao đầu vào làm hết sức, có bao nhiêu "chiến" bấy nhiêu, chỉ sợ làm chưa tròn trịa. Tôi nghĩ mình thành công lúc này một phần vì điều đó. Tôi không đến truyền hình thực tế để "chơi game" hay tìm cách làm nổi bật bản thân, thậm chí tôi từng từ chối chiếc ghế này vì thấy mình không phù hợp với những nơi đấu đá, tranh giành.
Sau mùa dịch COVID-19, tôi thay đổi góc nhìn rất nhiều và nhận lời vì muốn thử thách bản thân trước tiên. Khi dấn thân vào, tôi bắt đầu nghĩ về thí sinh nhiều hơn nên làm hết sức để bảo vệ các bạn. Thí sinh của Anh Thư đa số có hoàn cảnh đặc biệt, nên mình cần cho các bạn cơ hội để có thể kiếm sống với nghề sau chương trình.
Sau nhiều năm, Anh Thư xuất hiện trở lại trên sàn diễn và các chương trình về người mẫu.
- Nhiều người cho rằng các chương trình truyền hình thực tế giúp nghệ sĩ quảng bá tốt hình ảnh, nhưng mặt khác những kịch tính được xây cũng dễ khiến họ "mất điểm" trong lòng khán giả. Chị nghĩ sao ở trường hợp của bản thân?
Là người trong cuộc, tôi không thấy bất kỳ kịch bản drama nào. Nhưng sau khi ghi hình, mình vẫn có thể trở thành "nạn nhân" khi mọi thứ được biên tập. Tôi là người tôn trọng những giá trị thật, chuyện đúng sai phải rõ ràng, minh bạch.
Từ lúc nhận lời, tôi đã nói với nhà sản xuất và biên tập là có quyền "cắt dựng", đừng "cắt ghép" nhưng cuối cùng có những thứ vẫn xảy ra. Anh Thư vẫn trở thành nạn nhân và khán giả vẫn "chửi" tôi rất nhiều. Đó là việc mình phải chấp nhận, chỉ biết lên trang cá nhân viết: "Oan ức quá Bao đại nhân" (cười).
Tôi luôn dạy các học trò phải sống đúng, tôn trọng sự thật, muốn công tâm đánh giá thì bản thân phải gương mẫu. Dù sao, Anh Thư vẫn có những giới hạn. Nếu quá đáng, tôi sẽ "trốn" các chương trình truyền hình thực tế sau này. Đó là lời hứa của Anh Thư.
- Thời điểm Anh Thư xuất hiện dày đặc trong vai trò người mẫu, 2 danh xưng gắn liền với chị là "đệ nhất vedette" và "chị đại làng mẫu". Chị nghĩ sao về điều này?
Nghe thấy sợ hãi quá (cười). Tôi chưa từng tự xưng danh hiệu ấy hay khẳng định vai vế của bản thân trong nghề. Khán giả yêu thương gọi mình như vậy, nhưng cũng có thể mình bị ghét vì điều đó. Tôi thấy hạnh phúc và vui khi có được những giá trị để khán giả công nhận, cũng thấy được sự đóng góp bản thân trong nghề suốt nhiều năm.
Anh Thư chưa bao giờ lên tiếng cần vị trí vì tôi biết điều gì cũng phải có giá trị thực tế, nếu trong lòng họ không có mình thì "đòi hỏi" cũng vậy. Như drama hình hiệu ở The Face, nhiều người nói: "Vì sao Anh Thư phải chấp nhận bốc thăm?", bởi xét tuổi nghề tôi xứng đáng đứng ở giữa. Thực tế, tôi chơi công bằng. Với đàn em, muốn họ phục thì mình phải biết nhường. Nhưng nếu ảnh hưởng tới thí sinh của Anh Thư thì nhất định tôi không nhường.
- Giả sử một sân chơi khác gửi lời mời đến Anh Thư và chị mong muốn được làm việc, chị sẽ muốn chủ nhân của những chiếc "ghế nóng" còn lại là ai?
Tôi chưa hiểu cá tính của nhiều người nên hơi khó. Lần đầu khi có tin đồn Anh Thư - Vũ Thu Phương - Võ Hoàng Yến ngồi chung, tôi thấy cũng ok! Yến đang hot, chuyên nghiệp hơn và mình cũng chú ý. Võ Hoàng Yến bây giờ là phiên bản hoàn toàn khác, nên có thể tôi tò mò muốn tham gia một chương trình có cô ấy để xem còn gì để mình bất ngờ.
- Vậy nếu có Thanh Hằng thì sao? 2 "chị đại làng mẫu" khác nhau về cá tính và nhiều quan điểm khi "đụng độ" sẽ thế nào?
Chơi thôi, sợ gì! Năm nay, tôi đọc nhiều bình luận khán giả bảo: "Anh Thư sao 'chợ' quá!". Tôi là diễn viên nên hoàn toàn có thể đóng vai một người quyền lực, chảnh chọe… Tôi làm được, nhưng tôi không thích! Mỗi người đều có giá trị riêng, và Anh Thư không thích diễn ngoài những lần phải hoá thân thành nhân vật để đóng phim.
- Có lẽ giờ Anh Thư đã nhận thấy truyền hình thực tế không "màu hồng" như suy nghĩ. Chị có dự định tham gia một chương trình khác hay không?
Tôi không sẵn sàng lắm, vì hiện tại cũng bận rất nhiều việc. Chương trình nào phải đem cho tôi cảm giác thú vị thực sự thì mình mới suy nghĩ thêm. Lúc này, Anh Thư không cần phải lao đi kiếm danh tiếng mà chỉ đang tìm những sự thích thú mới, trải nghiệm mới để chấp nhận hy sinh thời gian của bản thân. Tôi thích tham gia những chương trình cho mình cảm giác vui, như vừa đi làm vừa được giải trí.
Tôi bây giờ làm việc quá nhiều, đến mức không có thời gian nói chuyện với con. Nhiều lúc thấy con trai cô đơn vì mẹ quá bận cũng thấy tội. Trong mùa dịch, 2 mẹ con lúc nào cũng ở cạnh nhau, từ nhỏ con cũng ở cạnh mẹ.
- Nhắc tới Minh Khoa, con trai Anh Thư suy nghĩ gì khi nhìn mẹ bận rộn với công việc, thậm chí có những lúc mang cảm xúc stress, áp lực và sự căng thẳng về nhà?
Có nhiều lúc tôi mệt tới mức khóc, con trai nhìn tôi hỏi: "Sao mẹ khóc vậy?". Rồi tôi kể cho Khoa những điều mình trải qua. Việc thấy mẹ trên truyền hình, con cũng chưa quen lắm. Chẳng hạn tập 1, bạn bè khen mẹ nên cậu khoái, nhưng đến khi tôi bị "chửi" thì Khoa cũng bắt đầu hỏi nhiều, bênh vực mẹ, tới mức còn lấy điện thoại đi bình luận.
Có lần, Khoa đọc thấy một trang tin viết điều không tốt về tôi liền liên lạc, trực tiếp đòi gỡ bài. Tôi phải giải thích cho con, vì khán giả bây giờ không phải là người lớn và có những bạn Gen Z, giống như bạn bè của Khoa đều có quyền phát ngôn điều mình thích. Nếu không bình tĩnh mà ăn nói không chủ ngữ, vị ngữ thì người ta càng có lý do bảo: "Con trai Anh Thư hỗn!" và sẽ bị đả kích tiếp.
Tôi biết Khoa tức lắm, vì thấy mẹ bị "chửi" (cười). Tôi nói: "Quan trọng mẹ không làm sai, con chỉ biết mẹ thôi. Mỗi khán giả đều có góc nhìn, con không thể đi giải thích hay chửi lại hết, ngược lại ảnh hưởng tới cảm xúc của mình".
- Vậy trước đó, những lúc mẹ có tâm trạng không tốt, Khoa đã làm gì để chia sẻ cảm xúc với chị?
Khoa hay hỏi: "Mẹ có chuyện gì?". Tôi chỉ bảo: "Con đợi mẹ giải quyết xong rồi sẽ kể!". Nhiều lúc tôi xử lý xong cũng quên chia sẻ với con, thấy Khoa tội lắm. Sau này nhìn lại, tôi thấy mình có lúc đã bỏ quên con trai, cứ vùi đầu vào công việc rồi mang cảm giác áy náy. Tôi nghĩ lúc này mình đang quá bận rộn, thời gian tới cần phải cân bằng lại. Thứ nhất là bảo vệ sức khỏe vì mình không còn ở tuổi 18-20 để xông pha. Còn lại là vì con.
- Chị có bao giờ hỏi trong mắt con trai, hình ảnh của mẹ thế nào?
Tôi không hỏi điều đó, nhưng có lẽ tôi "dữ" trong mắt của Khoa. Anh Thư hay nói đùa, tôi và con trai như 2 người bạn nhưng là bạn hay cãi nhau chứ không phải kiểu thân thiết. Nhất là từ lúc Khoa dậy thì, hay bướng bỉnh thì 2 mẹ con càng "khắc khẩu" nhiều. Tôi lúc đó khóc lên khóc xuống vì con lơ là việc học, nói không nghe, nhắc nhở hoài mình cũng thấy bất lực. Tôi không dùng roi vọt dạy con, chỉ hù: "Mẹ nói nhẹ nhàng không nghe thì con muốn mẹ ngược đãi hả?". Cứng đầu quá thì tôi chỉ bắt Khoa quỳ xuống. Tướng ổng to vậy mà quỳ xuống cũng tội lắm (cười).
Tôi nghĩ chẳng đứa con nào thấy ba mẹ mình hiền đâu. Có lúc, Khoa bảo với tôi: "Con là trưởng nhóm anti mẹ!" (cười) như một cách "cà khịa". Nhưng nếu ai nói nặng nhẹ gì mẹ là cậu bắt đầu… quạu lên.
- Ngược lại, con trai 16 tuổi trong mắt chị thế nào?
Dù có những lúc bướng nhưng mình vẫn thấy Khoa rất ngoan, đôi khi khá "tồ". Từ lúc dậy thì Khoa ít tâm sự hơn, bắt đầu có khoảng cách với mẹ, hay giấu giếm… rồi tự stress. Mọi người bảo điều đó bình thường. Khi có những thay đổi tâm sinh lý, Khoa chỉ hay tâm sự với bạn bè là chủ yếu hoặc ba ruột. Ba của Khoa liên lạc mỗi ngày nên con cũng dễ chia sẻ chuyện tuổi mới lớn với ba.
- Ở một nền tảng mạng xã hội khác, khán giả thấy Anh Thư chịu "quậy" với con trai. Có người bảo chị đang "teen hóa" để hợp thời. Chị nghĩ sao?
Tính cách tôi vui vẻ và "nhoi" vậy đó, chỉ là giờ khán giả mới bắt đầu thấy một Anh Thư như vậy nên chưa quen. Nhiều lúc tôi thích cùng quay clip với con mà phải tùy theo hứng của cậu, thích thì làm, không thích thì năn nỉ mãi cũng vậy. Có khi quay một clip vài phút xong thì 2 mẹ con gây lộn (cười).
- Nhưng để ý thấy con trai chị cũng có nhiều clip khá thần thái, có lẽ nhờ sự uốn nắn của mẹ?
Lúc trước cậu không chịu đâu. Tôi ủng hộ và muốn Khoa đi nhiều nơi để quan sát, học cách mọi người giao tiếp, cách ăn mặc cho bớt nhút nhát… Lúc trước con chỉ mê game nên không biết chăm sóc bản thân. Sau này gặp các anh chị học trò của mẹ thì Khoa cởi mở hơn vì dù sao cũng cùng thế hệ, hơn nhau vài tuổi. Giờ thì chỗ nào có mấy anh chị Khoa đều xin mẹ tham gia và bắt đầu để ý ngoại hình một xíu.
Nhưng "bụt chùa nhà không thiêng". Chẳng hạn như Khoa có một lỗi catwalk giống y hệt học trò mình, tôi chỉnh cho học trò xong nhưng tới giờ con vẫn không sửa được.
Anh Thư đưa con trai tới nhiều sự kiện cùng mình để giúp con dạn dĩ, tự tin hơn.
- Ở giai đoạn đang có sự thay đổi về tâm sinh lý, dễ bị môi trường bên ngoài tác động, chị có nghĩ việc con trai được chú ý nhiều sẽ không tốt?
Bé giống mẹ, tự ti chứ không tự cao. Mọi người trông Anh Thư vậy sẽ nghĩ tôi tự tin, nhưng ngược lại tôi thấy ai cũng giỏi hơn, bản thân mình còn thiếu nhiều kỹ năng. Nhiều lúc tôi nhìn đồng nghiệp tự tin làm nhiều thứ mà ngưỡng mộ. Khoa cũng như vậy, nên tôi muốn con đi cùng để cải thiện sự nhút nhát đó. Từ nhỏ, con lớn lên trong môi trường bình thường nên không có cảm giác là con của nghệ sĩ.
Tại họp báo The Face, con đòi tôi dẫn đi nhưng bé lúc đó tăng cân, tôi cũng cảnh báo vì sợ người ta chụp ảnh, dân mạng sẽ chê ngoại hình. Bé bảo sẽ mặc đồ đen, đeo khẩu trang để không bị quay chụp, nhưng cuối cùng vẫn cởi ra để chụp ảnh với anh chị. Y như rằng, dân mạng "chê nát", có clip lên triệu view… rồi con không dám xem. Tôi bảo: "Con phải xem để rút kinh nghiệm thực tế, vì sao người ta chê?", "Con nghĩ gì khi con xuất hiện mọi người phải khen con? Con là ai? Body xuất sắc chưa?"… Tôi khuyên con nên đối diện những điều này với tâm lý bình tĩnh để thay đổi nếu họ góp ý đúng.
- Khoa có điểm gì khiến chị cảm thấy con muốn nổi tiếng như mẹ?
Có đấy, con bảo hẹn 3 năm nữa, khi đủ 18 tuổi sẽ thi The Face (cười). Tôi cũng cảnh báo nếu bé không thay đổi ngoại hình thì chắn chắn sẽ bị chấm rớt. Tôi không quan trọng kết quả vì đó là môi trường để con bộc lộ khả năng, miễn sao thích và phù hợp.
- Anh Thư nói con trai ở tuổi dậy thì khó chia sẻ với mẹ. Chị có nghĩ đã đến lúc cần tìm một "bến đỗ" để vừa cho mình điểm tựa, vừa cho con trai một người bầu bạn?
Lúc trước tôi không nghĩ tới, nhưng sau này khi vào giai đoạn thay đổi thì tôi cũng thấy có những điều thiếu hụt. Xưa tôi chỉ cần con khỏe mạnh, là người tốt, tự lập, yêu gia đình, còn làm nghề gì cũng được. Nhưng không đứa trẻ nào tự nhiên được như vậy, mà phải cần được dạy dỗ. Là người mẹ không mạnh mẽ, có nhiều nỗi sợ, cộng thêm chứng rối loạn lo âu nên tôi biết con sẽ có lúc cần một người mà bé phải thần tượng, để nghe những lời góp ý thẳng thắn và mạnh mẽ hơn. Chứ con ở suốt với mẹ thì cũng sẽ trở nên yếu đuối.
- Trong tâm sự trước đây, chị nói Minh Khoa ủng hộ chuyện mẹ "đi bước nữa" và sẵn sàng về sống với ngoại để mẹ có một tổ ấm mới. Khi nghe điều đó, chị đã nghĩ gì?
Hồi bé, tôi mua cho Khoa một chiếc gối lót đầu. Lúc nói câu đó với tôi, con ôm nó vào lòng bảo: "Thôi ba đi lấy vợ rồi, mẹ đi lấy chồng đi, con đem cái gối nhỏ về sống với ngoại". Khi ấy, Khoa chỉ mới 9-10 tuổi và ba bé lấy vợ mới. Khi con nói ra, tôi đau lòng kinh khủng và rơi nước mắt. Tôi thấy con lúc đó trầm tư lắm, nghĩa là bé đang đấu tranh tâm lý. Tôi nghĩ con mình tội nghiệp, tự dưng có đủ ba mẹ nhưng lại trở thành trẻ mồ côi.
Trước đó Anh Thư sống trong cuộc hôn nhân không hạnh phúc, đã muốn bước đi nhưng khó xử vì có đứa con. Tôi từng nghĩ mình chấp nhận bỏ đi cuộc đời này, không vui cũng được nhưng phải vì con. Nhưng một ngày Khoa bảo: "Chưa bao giờ thấy mẹ cười?", và đó là câu nói giúp tôi mạnh mẽ bước ra khỏi cuộc hôn nhân.
- Từ đó đến nay đã 6-7 năm, chị có nghĩ mình độc thân đến giờ vì "lấn cấn" câu nói của con trai lúc đấy?
Tôi luôn nghĩ tích cực. Dù có căn bệnh rối loạn lo âu nhưng nhờ hay quên nên tôi được "cứu vớt" nhiều. Tôi từng nói với Khoa: "Sau này mẹ có lấy chồng mới hay làm gì, thì con luôn sống với mẹ. Chứ không bao giờ có chuyện con về ngoại. Và nếu có người nào tốt, yêu thương con thì mẹ mới sẵn sàng. Còn không mẹ sẽ không bao giờ kết hôn nữa".
Tôi thấy được Khoa yên tâm vì không bị bỏ rơi. Nhưng nó cũng không ảnh hưởng lắm. Tôi chưa đi bước nữa là vì cá tính chứ không hẳn vì con. Lúc đầu, tôi nghĩ yêu đương cho vui thôi chứ không muốn gắn bó. Hoặc nếu như có người thay đổi được những tư duy "cứng nhắc" của mình thì họ mới phù hợp. Tôi giờ có con rồi, cũng ổn định kinh tế và không cần dựa dẫm vào bất kỳ ai. Cá tính tôi tự do mà nghĩ chuyện giờ lấy chồng, lại đẻ con, phải gò bó thì cũng hơi ngại.
- Vậy hiện tại, Minh Khoa có hỏi về chuyện tình cảm của mẹ không?
Khoa biết hết, khi nào tôi hẹn hò hay có tình cảm với ai. Tôi không giấu mà muốn con tiếp xúc với họ. Lúc đầu xem nhau là bạn, rủ đi ăn, tôi đưa con theo cùng để cảm nhận. Hồi nhỏ thì bé bảo: "Khi nào con thích thì mẹ mới được có bồ". Còn giờ thì Khoa hồn nhiên lắm, nói với tôi: "Mẹ thích là được".
- Cảm ơn những chia sẻ của chị Anh Thư!