"Khi thất bại, tôi mới nhận ra lấy một người đừng nên chỉ nghe theo cảm xúc".
Cuộc sống chưa có cái gì như sung rụng
- Thanh Mai là một trong những nghệ sĩ có bằng MBA sớm nhất ở Việt Nam, một diễn viên gây ấn tượng, kiêm MC và là doanh nhân. Làm sao chị có thể kiêm nhiệm nhiều thứ thế cùng lúc?
- Có lẽ tôi học ballet từ nhỏ, những giọt mồ hôi trên sàn tập đã đổ xuống tạo cho mình thói quen cứng cáp trong mọi hoàn cảnh (cười). Sau này, khi tôi làm kinh doanh, thành quả đạt được đều do cần mẫn mà có. Cuộc sống đến hôm nay chưa có cái gì như "sung rụng" nên tôi đã quen lúc nào cũng phải làm hay học gì đó. Tôi là người không thể để thời gian của mình trống.
- Chị mở hàng kinh doanh từ năm lên 10, nhưng khi lớn lên lại chọn múa ballet để làm nghề. Trong chị có gì liên quan giữa hai con người đó?
- Ngày xưa bố tôi đi làm công chức, còn mẹ hiền lắm, không thạo kinh doanh. Tôi là chị cả nên nghĩ đến việc phải làm gì đó phụ giúp bố mẹ. 10 tuổi tôi tự mở một quán con con tại nhà bán cà phê, nhưng quán đó chỉ mở đến khi tôi lĩnh học bổng tại Nhạc viện TP.HCM là tôi đóng cửa (cười). Ngày thi vào trường, tôi là một trong 5 người có điểm cao nhất trong số hàng ngàn người dự thi.
Đến năm 18 tuổi, vừa đi học, vừa đi diễn ở đoàn Ca nhạc nhẹ Sài Gòn, tôi lại mở một tiệm làm đẹp gần nơi học. Làm nghệ thuật nhưng kinh doanh mới là nghề giúp tôi nuôi sống bản thân và giúp đỡ gia đình.
"Tôi làm kinh doanh năm lên 10 tuổi".
- Sau đó, vì sao chị không ở yên với kinh doanh hay nghệ thuật, lại xoay sang học Đại học Ngoại ngữ và quản trị kinh doanh?
- Ngay từ khi tôi học đại học, bố bảo: "Thôi đi học làm gì, con học ballet coi như cũng là đại học, 7 năm múa cũng như một cái nghề". Ngày xưa bố học Đại học Bách khoa mấy đứa con gái mặt mọc đầy mụn xấu lắm (cười). Cuối cùng là tôi vẫn đi học.
Trước tôi tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ và học quản trị kinh doanh nhưng thấy chưa đủ. Lúc mang bầu, tôi nghĩ bình thường mình vừa làm kinh doanh, vừa đóng phim, bây giờ chỉ có mỗi kinh doanh nên làm gì đó thế vào chỗ đóng phim, thế là đi học.
- Người xưa có câu "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh", giỏi cái gì tập trung vào một cái cũng đủ. Chị có bao giờ chị cảm thấy mệt mỏi vì ôm đồm nhiều việc?
- Tôi thấy cuộc đời như cầu thang dài không biết đâu là điểm dừng. Tôi chỉ biết hôm nay bước lên bậc thang thứ nhất, trước mắt hiện ra bậc thang tiếp theo lại bước tiếp và cứ thế đi thong thả, không phải chạy huỳnh huỵch để cảm thấy mệt mỏi.
Mọi người đều nghĩ, không lẽ cuộc đời cứ đi hoài như vậy, nhưng không, mỗi bước đi lên tôi lại thấy mình cao hơn, nhìn xuống dưới thấy cảnh vật càng đẹp hơn. Đó chính là phần thưởng cho mình. Tôi cũng may mắn là trong lĩnh vực nào cũng gặt hái được thành công nho nhỏ.
Thanh Mai: "Tôi thấy cuộc đời như cái cầu thang dài không biết đâu là điểm dừng".
- Với trí thông minh như vậy, chị có thể bằng lòng với những "thành công nho nhỏ" sao?
- Tôi làm quá nhiều việc nhưng đều cố gắng đi chuyên sâu, không theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa. Chẳng hạn làm MC cho chương trình Sức sống mới, tôi làm gần 5 năm liền với hàng ngàn chương trình phát sóng. Khi đóng phim, có những bộ phim dài cả trăm tập. Thời trang, tôi cũng là một trong những người được liệt vào lứa những người mẫu đầu tiên của Việt Nam. Diễn ballet, tôi cũng từng đi diễn trong và ngoài nước. Sau một thời gian tôi nhận thấy, hóa ra con người mình cũng nghiêm túc (cười).
- Khi nhìn lại hành trình đã qua, có bao giờ chị thấy tiếc vì hình như mình đã lỡ chọn một chặng đường nào đó?
- Có chứ. Chẳng hạn, ballet là con đường tôi lựa chọn để làm nghệ thuật, 7 năm tuổi trẻ ném vào sàn tập đầy vất vả cùng bao mồ hôi nhưng khi dừng lại cũng không thấy mình cao hơn được bao nhiêu. Nếu bây giờ với suy nghĩ như thế này, ở năm 11 tuổi, khi chuẩn bị vào Nhạc viện, tôi có thể đắn đo vì nghề múa cơ cực quá. Thế nhưng thực sự nghề múa đã cho tôi sức mạnh để sau này khi gặp khó khăn, tôi thấy mình đủ mạnh để đi tiếp, bước qua.
Thương những phụ nữ chỉ có đam mê duy nhất là gia đình
- Nếu coi cuộc sống tình cảm riêng của chị cũng giống những bậc thang, thành thật mà nói, có đoạn nào chị đã phải bước đi trong âm thầm, cô đơn?
- Tôi nghĩ trong đời ai cũng có những đoạn phải bước đi một mình, gọi là nốt trầm. Vậy nên tôi dặn bản thân đừng bao giờ nghĩ mình là công chúa, con đường đi phải trải đầy hoa hồng.
- Có bao giờ chị nghĩ ý chí, sự mạnh mẽ, quyết đoán của người phụ nữ đôi khi cũng trở thành điểm yếu?
- Tôi lại thấy ngược lại vì người đàn ông đã vất vả với sự nghiệp trên vai, nếu thêm một người phụ nữ không biết chia sẻ, thích mè nheo sẽ rất mệt mỏi. Đàn ông cũng cần tìm một người có thể nương tựa khi trở về gia đình. Phụ nữ và đàn ông như đôi đũa, nếu tựa vào nhau cả hai cùng đứng được, nhưng nếu một cây rớt, cây còn lại chắc chắn không thể trụ vững.
Tôi thấy rất thương những người phụ nữ chỉ có đam mê duy nhất là gia đình, chồng con. Điều này tốt nhưng nếu một ngày tình cảm người chồng thay đổi, họ sẽ thế nào. Tôi nhớ có một câu nói: "Đầu tiên người phụ nữ sẽ bỏ thế giới riêng để theo người đàn ông, nhưng cuối cùng đàn ông sẽ bỏ phụ nữ để tìm về thế giới riêng của họ. Phụ nữ hay nghĩ, dành cho người ta bao nhiêu sẽ được nhận lại như vậy. Điều đó không phải lúc nào cũng đúng".
Tôi thấy rất thương những người phụ nữ chỉ có đam mê duy nhất là gia đình, chồng con.
- Điều này chị nhận thấy sau những đổ vỡ hay đã sớm biết như vậy?
- Tôi tự cảm nhận được điều đó nên sớm nghĩ phụ nữ phải có đam mê. Điều đó giúp mình dễ cân bằng bản thân hơn và bớt áp lực cho người bạn đời.
Cảm ơn những quyết định dứt khoát trong quá khứ
- Bươn chải 20 năm, có lẽ, gây dựng thành công trung tâm thẩm mỹ viện ở hai miền Nam Bắc, tài sản đáng giá chị mua được bằng tiền mồ hôi nước mắt của mình là cái gì?
- Mỗi lần tích lũy được, mua thêm tài sản gì đó tôi lại tự động viên: "Mình lại có thêm một chút nữa rồi". Hồi xưa khi mua được nhà ở trung tâm, tôi nghĩ có cái nhà là đủ, nhưng cũng không biết tại cứ tích lũy thêm. Tôi có một đứa bạn đi học tài chính ngân hàng nói, nó học để làm... thống đốc (cười). Tôi không bao giờ có những mơ ước như thế.
- Chị còn nhớ cảm giác đầu tiên khi sắm được nhà riêng không? Khi đó chị bao nhiêu tuổi?
- Tôi mua được nhà sớm lắm, chỉ là những cái nhà bé bé và cứ thế tích tiểu thành đại. Năm ngoài 20 tuổi, tôi mua được căn biệt thự ở Văn Thánh (TP.HCM). Đêm ấy về nhà mới, tôi mặc một chiếc váy ngủ dài, đi trong căn nhà rộng thênh thang với cảm giác vô cùng ngạc nhiên và tự hỏi sao nhà to và đẹp thế. Trước đó, tôi từng ở những căn nhà nhỏ hơn rất nhiều. Đó là căn nhà tôi đã đưa cả gia đình ba mẹ về ở.
- Sau này có người nào mua một căn biệt thự và rước chị đến ở không?
- Tôi lập gia đình, về nhà chồng sống cũng là một căn biệt thự. Sau khi ly dị, mình lại xách quần áo ra đi (cười). Vì thế, tôi càng thấm thía, cái gì không phải của mình, vĩnh viễn không thuộc về mình nên chẳng đòi hỏi gì.
Tôi lập gia đình, về nhà chồng sống, cũng là một căn biệt thự.
- Chị nói sẽ có đám cưới lần hai nhưng hình như cuối cùng quyết định giữ kín. Xin hỏi, người cùng chị chia sẻ buồn vui là một người thế nào?
- Tôi hạnh phúc vì có một người để dựa vào. Công việc của tôi cần người phải hội tụ được hai yếu tố là am hiểu để có thể chỉ cho mình con đường đi đúng và phải thương mình. May mắn, tôi tìm được người như vậy và đi cùng nhau được hơn 10 năm.
- MC Kỳ Duyên có nói một câu về những cuộc chia tay của chính chị ấy: "Có những lúc nên ăn mừng ngày ly dị". Còn chị có khi nào định nói lời cảm ơn vì mình đã ly hôn?
- Có chứ. Tôi luôn cảm ơn vì hành động dứt khoát của mình trong quá khứ. Có thể sẽ tốt hơn nếu mình không có lỗi lầm để sửa, nhưng con người phải ở trong bóng tối mới biết ánh sáng quý giá chừng nào.
Tôi may mắn vì đã có sự nghiệp trước khi lấy chồng, vì thế khi chia tay sự nghiệp vẫn còn đó. Sau này khi đã trải qua thất bại, tôi mới nhận ra lấy một người đừng nên chỉ nghe theo cảm xúc, phải tính cả lý trí.
- Chị bận rộn thế, con gái do ai chăm sóc?
- Tôi có người thân giúp đỡ. Khi nào có điều kiện, tôi luôn nói chuyện và chơi cùng bé. Bình thường tôi để bé xem mẹ như một người bạn, có thể nói chuyện cùng nhau. Còn khi xa thì có webcam, điện thoại, cũng rất tiện.
Cảm ơi Thanh Mai về những chia sẻ!