Truyền hình giải trí ngày càng lố lăng

Ngày 18/06/2016 11:26 AM (GMT+7)

17/06/2016 22:02Sau “hài nhảm”, “hát nhái” nay còn có cả những chương trình thi hát nhép, cổ xúy cho hành vi đang bị cấm trong hoạt động biểu diễn.

Trùng lặp về định dạng, ý tưởng, nội dung có màu sắc giống nhau, “xào nấu”, sao chép lẫn nhau…, chương trình truyền hình giải trí đang thi nhau lên sóng truyền hình, tìm mọi cách để thu hút khán giả nhưng ngày càng trở nên nhố nhăng, khiến người xem ngán ngẩm.

Thừa mứa giải trí

Tính đến nay, chỉ riêng trên các kênh truyền hình có đông người xem đã có hàng chục cuộc thi hát: “Vietnam Idol - Thần tượng âm nhạc” (VTV3), “The Voice - Giọng hát Việt” (VTV3), “The X-Factor - Nhân tố bí ẩn” (VTV3), “The Voice Kids - Giọng hát Việt nhí” (VTV3), “Vietnam Idol Kids - Thần tượng âm nhạc nhí” (VTV3), “Tôi là người chiến thắng” (HTV7), “Solo cùng bolero” (THVL), “Thần tượng bolero” (VTV3), “Tình bolero” (THVL), “Người hát tình ca” (THVL)...Trai giả gái là hình ảnh rất phổ biến trong các chương trình truyền hình giải trí hiện nay.

Truyền hình giải trí ngày càng lố lăng - 1

Trai giả gái là hình ảnh rất phổ biến trong các chương trình truyền hình giải trí hiện nay. Trong ảnh: Thanh Duy giả gái hát song ca với Quang Lê trong chương trình “Gương mặt thân quen” (Ảnh: LÝ VÕ PHÚ HƯNG)

Chương trình truyền hình hài cũng có đến hàng chục: “Ơn Giời, cậu đây rồi!” (VTV3), “Đấu trường tiếu lâm” (HTV7), “Bí mật đêm chủ nhật” (HTV7), “Hội quán tiếu lâm” (THVL1), “Xả xì trét” (VTV9), “Diêm vương xử án” (THVL1), “Danh hài đất Việt” (THVL1), “Thách thức danh hài” (HTV7), “Cười xuyên Việt” (THVL1), “Gặp nhau để cười” (VTV9), “Hội ngộ danh hài” (HTV7), “Gặp nhau để cười” (VTV9)...

Đặc biệt, chương trình thi hát nhái giọng, bắt chước phong cách nghệ sĩ nổi tiếng phát triển rầm rộ nhất gần đây: “Gương mặt thân quen” (VTV3), “Gương mặt thân quen nhí” (VTV3), “Biến đổi hoàn hảo” (HTV7), “Ca sĩ giấu mặt” (THVL1), “Ai tỏa sáng” (VTV9), “Lip Sync Ultimate - Tuyệt chiêu siêu diễn” (HTV7), “Lip Sync Battle - Kỳ phùng địch thủ” (HTV)… Chưa kể còn các chương trình thi nhảy múa, vận động trường, thi thời trang, thi ẩm thực…

Trong đó, đáng nói nhất là những chương trình hài, thi hát nhái phong cách trình diễn, nhép giọng thật của ca sĩ thần tượng. Hài trong những chương trình truyền hình ngày càng kém duyên, cũng chỉ mấy gương mặt ăn khách ấy lui tới, qua lại từ chương trình này đến chương trình khác, không vai trò này cũng vai trò khác. Kịch bản không mới, mảng miếng hài có bấy nhiêu nên cứ xào qua nấu lại. Vì vậy, để gây cười, từ nghệ sĩ đến thí sinh cứ bung mảng miếng hài tục, hài dơ thay cho những tiểu phẩm có chất lượng.

Nếu “Gương mặt thân quen”, “Biến đổi hoàn hảo”, “Ai tỏa sáng” hay “Ca sĩ giấu mặt” tìm cách thu hút người xem bằng cách tạo điều kiện cho thí sinh bắt chước giống nhất, ngoại hình, giọng hát và phong cách trình diễn của ca sĩ thần tượng thì với “Lip Sync Ultimate” hay “Lip Sync Battle”, thí sinh chỉ cần kỹ năng nhép cho đúng với khẩu hình của ca sĩ là được. Nhưng tất nhiên, chỉ vậy thôi không đủ “ép phê” với người xem nên cách gây chú ý cho người xem của hầu hết thí sinh là “diễn” những trò lố bịch.

Với những chương trình nặng yếu tố hài hước, phiên bản nhái càng bị lỗi càng tốt vì có thể khiến khán giả ôm bụng cười. Tình trạng trai giả gái, gái giả trai trong những chương trình này được dịp lây lan. Có khán giả đã không quá lời khi bình luận: “Xem chương trình “Biến đổi hoàn hảo” có cảm giác như đang xem buổi nhạc hội lô tô của “tập đoàn” ca sĩ nghiệp dư chuyển giới còn chương trình “Lip Sync Battle” hay “Lip Sync Ultimate” như sô diễn của đồng tính nam lớn nhất nước”. Màn giả gái cũng thường xuyên có trong “Gương mặt thân quen”. Chương trình “Tuyệt chiêu siêu diễn” gây choáng vì lượng thí sinh nam giả nữ tràn ngập, trong đó kiểu giả nữ thô kệch, lố lăng tỏ ra áp đảo. Dường như các thí sinh và cả ban tổ chức cho rằng phải như vậy mới hài hước. Câu nhận định “Tui chưa thấy ai giả gái xấu như bạn” của giám khảo ở trường quay không chỉ là câu đùa gây cười mà nó còn là sự thật bởi sự thô kệch của đa số thí sinh nam giả gái xuất hiện trong chương trình.

Cổ xúy cái sai

“Vui cũng phải có giới hạn”, điều này hoàn toàn đúng khi đối chiếu các chương trình truyền hình giải trí hiện nay. Nếu hát nhép là vi phạm quy định, bị cấm khi trình diễn trước công chúng thì không ít chương trình giải trí trên sóng truyền hình dường như đang cổ xúy cho hành vi sai trái này. Điều đáng tiếc nhất là các nghệ sĩ chuyên nghiệp trong vai trò giám khảo đang hùa với một bộ phận công chúng tung hô cho những thói xấu lười sáng tạo, xem đó như là tài năng. Kiểu tung hô quá đà của những người làm nghề có chuyên môn và công chúng khiến cho không ít bạn trẻ ngộ nhận rằng cứ bắt chước giỏi là trở thành ngôi sao, rằng bắt chước cũng là một dạng tài năng nghệ thuật như ở “Gương mặt thân quen”, “Biến đổi hoàn hảo”, “Ca sĩ giấu mặt”, “Ai tỏa sáng”… đang diễn ra.

Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng loạn truyền hình giải trí hiện nay là do các nhà đài “khoán sóng” cho các công ty. Việc tổ chức sản xuất chương trình để lên sóng là do các công ty quyết định. Các nhà đài chỉ quản lý về nội dung chương trình thông qua kiểm duyệt trước khi lên sóng. Vì vậy, hễ có một chương trình ăn khách là lập tức có nhiều chương trình tương tự được sản xuất đưa lên sóng nhiều kênh. Tình trạng khai thác trẻ con cho các chương trình giải trí trên truyền hình, chương trình hài phủ sóng màn ảnh nhỏ hay những định dạng thi bắt chước phong cách, hát nhép cho giống thần tượng phát triển tràn lan trên sóng truyền hình cũng vì các công ty tranh nhau làm. “Thấy người ăn khoai, mình vác mai đi đào” là hiện trạng của giới kinh doanh truyền hình giải trí hiện nay. Vì muốn có nhiều “khoai” nên ai cũng tìm đủ chiêu trò để giành cơ hội cho mình. Yếu tố giải trí là điều cần thiết cho các chương trình truyền hình. Tuy nhiên, việc lạm dụng tính giải trí đến mức để những trò lố lăng, phản văn hóa xuất hiện ngày càng nhiều trên sóng truyền hình, làm ô nhiễm đời sống văn hóa là điều cần báo động.

Nghệ sĩ cũng góp phần

Góp phần trong sự nhố nhăng của nhiều chương trình giải trí là các nghệ sĩ. Vì danh tiếng được ngồi ghế giám khảo và vì khoản thù lao lên đến tiền tỉ, các nghệ sĩ được bảo chứng bằng trình độ chuyên môn và kinh nghiệm làm nghề đã sẵn sàng biến mình thành một diễn viên trong các chương trình, làm theo sự điều khiển của người khác dù ai nấy đều nói và hành động không như mình nghĩ. Không ít những phàn nàn từ các nhà chuyên môn và khán giả về những giám khảo xuất hiện chưa thuyết phục trong nhiều chương trình. Sự lựa chọn nghệ sĩ vào vị trí giám khảo trong các chương trình giải trí của các đơn vị sản xuất theo mức độ ăn khách của họ trên thị trường giải trí. Thống kê của một công ty truyền thông thực hiện hằng tháng cho thấy tốp 10 những cái tên có lượng thảo luận và bài viết cao nhất (tức thu hút sự chú ý của công chúng) trong tháng 4 gồm: Khởi My, Trấn Thành, người mẫu Ngọc Trinh, Sơn Tùng M-TP, Noo Phước Thịnh, Hari Won, Chi Pu, Nhã Phương, Ngọc Thảo, Trường Giang. Chỉ cần “hot” là mặc nhiên được mời làm giám khảo cho chương trình giải trí truyền hình!

Theo Thùy Trang
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Chương trình truyền hình