Tuần qua, các chương trình thực tế đã để lộ nhiều mặt trái.
Khẩu chiến: Giám khảo - thí sinh
Cuối tuần trước, liveshow 6 của Cặp đôi hoàn hảo 2012 đã châm lửa cho một cuộc tranh cãi lớn về vị trí của ban giám khảo trong các chương trình thực tế. Bắt nguồn từ việc giám khảo Lưu Thiên Hương nhận xét cặp đôi ca sĩ Mỹ Lệ hát Jazz không đúng, cả 2 nghệ sĩ này đã lên báo và có rất nhiều lời phản pháo. Cuộc khẩu chiến này đã khiến cho người ta buộc phải nhìn nhận lại vị trí ban giám khảo và cả mối quan hệ giữa những người cầm cân này với các thí sinh dự thi.
Mỹ Lệ và những lời lẽ khá gay gắt của mình
Thực tế, việc không hài lòng của các thí sinh về ban giám khảo trong bất kỳ cuộc thi nào cũng là lẽ thường. Đặc biệt là những đội thi không đạt được kết quả cao. Nghệ sĩ cũng vậy! Dù tham gia sau khi đã trở thành người nổi tiếng thì việc họ bất mãn với người chấm cũng không quá xa lạ. Nhất là khi giữa thí sinh và ban giám khảo không có sự chênh lệch rõ ràng nào về chuyên môn. Khác với nhiều cuộc đấu khẩu trên báo chí trước đây, lần này Lưu Thiên Hương và Mỹ Lệ không ngại chỉ đích danh đồng nghiệp trong các nhận xét cá nhân. Việc này khiến cuộc tranh cãi trở nên gay gắt và nghiêm trọng hơn. Và cuộc vui – theo như khái niệm ban đầu của các chương trình thực tế - đã không còn!
Lưu Thiên Hương và ý kiến của mình trên mạng xã hội
Vấn đề khẩu chiến giữa ban giám khảo và thí sinh khiến những người làm chương trình cần cân nhắc lại một điều rằng họ nên chọn ai để đặt vào vị trí của các ban giám khảo. Đặc biệt là với các chương trình mà thí sinh là các nghệ sĩ. Điều này đáng được cân nhắc thực sự nghiêm túc. Bởi với cái tôi lớn trong nghệ thuật, các thí sinh nghệ sĩ chắc chắn sẽ khó chấp nhận được những người ngang hàng nhau nhận xét về mình hay chê bai mình. Nhưng ngược lại, khán giả cũng nên khó tính hơn, khắt khe hơn với nghệ sĩ để họ hiểu rằng, dù mình là ai, khi tham gia một cuộc thi, họ sẽ đều chỉ là thí sinh. Bởi nếu khán giả quá dễ dãi, không ít nghệ sĩ sẽ vin vào người hâm mộ mà tỏ ra thiếu tôn trọng luật chơi.
Chương trình truyền hình là một sân chơi, một cơ hội. Nơi mà các nghệ sĩ được giao lưu với các đồng nghiệp đồng thời đến gần hơn với công chúng. Nhưng nó sẽ không còn là một cuộc vui nữa nếu cả thí sinh và giám khảo thiếu đi sự tinh tế trong cư xử. Và hậu quả tất yếu của việc này là sự chán chường của khán giả.
Các chương trình truyền hình thực tế tụt dốc
Ngoài những lời qua tiếng lại về vấn đề ban giám khảo, bản thân các gameshow cũng bắt đầu trở nên mờ nhạt hơn. Có vẻ như hầu hết các chương trình giải trí tại Việt Nam chỉ thực sự lôi cuốn ở những mùa đầu tiên. Điều này một phần có lẽ là từ khán giả khi đa phần công chúng đều thích những điều mới lạ và thờ ơ khi chương trình bước sang mùa 2, 3… Đặc biệt, trong lúc ngày càng nhiều các chương trình khác về Việt Nam với sự đầu tư mỗi năm lại tăng thì việc khán giả yêu thích một chương trình khác là lẽ đương nhiên. Rất ít các chương trình duy trì được lượng xem đài cao ngất ngưởng như mùa đầu.
Cặp đôi hoàn hảo đa phần là nghệ sĩ trẻ
Bên cạnh sự thay đổi trong thị hiếu khán giả, ban tổ chức của các chương trình cũng trở nên lạnh nhạt hơn với những “đứa con” lớn tuổi. Có thể dễ dàng nhận ra các cuộc thi thường được đầu tư mạnh nhất vào năm đầu tiên. Như ở thời điểm hiện tại, cả Cặp đôi hoàn hảo, Bước nhảy hoàn vũ đều không đạt được sự quan tâm như ngày xưa. Một phần là vì hầu hết các gương mặt sáng giá tại showbiz và phù hợp với cuộc chơi đều đã được mời dự thi ở mùa đầu tiên. Vì thế ở thời điểm hiện tại, các chương trình trên đều thiếu sức hút do không có sự tham gia của một gương mặt quen thuộc với khán giả truyền hình.
Mùa 4 của Bước nhảy hoàn vũ thiếu những nghệ sĩ tên tuổi
Đồng thời, việc các gameshow bị tụt dốc còn có nguyên nhân bắt nguồn từ tính thương mại. Như gần đây, cuộc thi The Voice ngay sau đêm chung kết cũng đã bắt đầu ngay chương trình tiếp theo. Có vẻ như những người làm chương trình đang muốn tận dụng sức nóng của cuộc thi để thu hút thí sinh và sự quan tâm của dư luận. Nghiễm nhiên, chất lượng sẽ khó lòng được bảo toàn với thời gian gấp gáp như vậy. Nhưng ngược lại, khả năng cao là ban tổ chức sẽ không khó để tạo ra lợi nhuận từ sức hút của chương trình.
MC công bố vòng loại mùa 2 ngay khi kết thúc đêm chung kết mùa 1
Đại sứ du lịch vẫn nhùng nhằng
Lại một tuần nữa, showbiz vẫn khá sôi động với cuộc chạy đua tới vị trí Đại sứ du lịch. Ngay sau khi Lý Nhã Kỳ xin rút vì lý do sức khỏe và thị phi, đã có không ít những gương mặt khác ngay lập tức tỏ ý muốn đứng vào vị trí này. Một trong số đó là diễn viên Lan Phương, Hoa hậu Đông Nam Á Lê Thị Diệu Hân, người đẹp du lịch Huỳnh Thị Ngọc Hân. Những gương mặt này đều tỏ ra tiềm năng khi mỗi người đều có những kinh nghiệm và lợi thế riêng để giúp Việt Nam quảng bá hình ảnh. Thế nhưng các cơ quan có thẩm quyền đều có vẻ khá lưỡng lự trong quyết định này. Kết quả là nếu Lý Nhã Kỳ vẫn tiếp tục xin rút thì cuộc bình bầu cho vị trí Đại sứ du lịch sẽ phải dời lại đến tháng 6.
Đại sứ du lịch là vị trí mà người ngồi trên đó phải bỏ tiền túi để quảng bá du lịch
Lan Phương là ứng viên tiềm năng nếu Lý Nhã Kỳ rút khỏi vị trí
Việc này khiến cho nhiều cư dân mạng cảm thấy khó hiểu. Vì rõ ràng, trong thời gian giữ danh hiệu đó, Lý Nhã Kỳ đã vướng phải không ít scandal. Trong khi đó, tiêu chí tuyển chọn Đại sứ du lịch có một điểm là “không scandal”. Có vẻ như các cơ quan đã khá ưu ái cho Lý Nhã Kỳ. Đành rằng trong suốt thời gian làm việc tại vị trí này, Lý Nhã Kỳ đã rất nhiệt tình trong việc đưa hình ảnh đất nước đến nhiều quốc gia, bỏ tiền túi để kêu gọi sự ủng hộ cho Vịnh Hạ Long hay góp phần đưa nhiều dự án quốc tế về Việt Nam. Nhưng trên hết, hình ảnh của chính Lý Nhã Kỳ trong số đông công chúng chưa thực sự thuyết phục. Nó chỉ mang tính lý thuyết về sự hiệu quả mà thôi. Tất nhiên, chúng ta vẫn công nhận những đóng góp của chị trong việc xây dựng hình ảnh Việt Nam. Nhưng liệu việc giữ Lý Nhã Kỳ vốn nhiều scandal lại có khiến cho công việc của Đại sứ du lịch trở nên tốt hơn hay ko?