Từ một nghệ sĩ miệt mài cống hiến, ít khi lên bình phẩm ai, Tùng Dương bất ngờ làm nóng dư luận khi bày tỏ suy nghĩ về sự ngông cuồng, tiêu cực của Sơn Tùng. Trong cuộc tranh luận không hồi kết của hai “phe” Tùng Dương và Sơn Tùng, liệu ai sẽ là người “mất điểm” trong mắt công chúng?
Có “cổ hủ” quá không?
Trong vai trò khách mời đêm Chung kết Giọng hát Việt 2015 vào tối 13/9, đoạn rap của Sơn Tùng khiến Tùng Dương và nhiều khán giả phải giật mình vì những ca từ được cho phản cảm: “Lãng tử hào hoa/ It’s me, Sơn Tùng/ Cái tên được săn lùng với phong cách điên khùng/ Lấy bút làm khẩu súng/ Nét mực và nòng súng khai hỏa cất cánh dứt bỏ mọi xiềng xích không nao núng/ Xoáy vào trong tâm anh tỏa sáng như sao trời/ Ở trên đây cười nhếch mép luôn rạng ngời/ Đừng bám đuôi không thôi sẽ bị đánh tơi bời”.
Với bài chia sẻ khá dài, Tùng Dương cho biết, anh rất trăn trở về những thế hệ ca sĩ trẻ mới nổi của Việt Nam hiện tại. Cụ thể, ca khúc mà Sơn Tùng thể hiện trên sân khấu đã cho thấy một thái độ, tính cách tiêu cực, suy nghĩ ngông cuồng thông qua ca từ trịch thượng, gây hấn.
Đụng vào giọng ca 9X có sức ảnh hưởng lớn đối với khán giả trẻ, lời cảnh tỉnh của Tùng Dương khiến nhiều fan “nhảy dựng” lên và không tiếc lời chỉ trích nhằm vào giọng hát “Con cò”. “Xét về tuổi đời, tuổi nghề lẫn chuyên môn, Tùng Dương có thể làm thầy của Sơn Tùng. Nhưng trong cách hành xử của ca sĩ này với đàn em, có gì đó bất ổn. Thay vì góp ý, đối thoại trực tiếp thì Tùng Dương đã tung đòn “răn đe”, “phủ đầu” Sơn Tùng để truyền thông vào cuộc. Vậy có thái quá không? Có nên chỉ trích một người chỉ vì họ còn trẻ và có thể có sai lầm? ”, một khán giả bình luận.
Ca sĩ Sơn Tùng M-TP trong tiết mục gây tranh cãi . Ảnh: TL.
Blogger truyền thông xã hội Nguyễn Ngọc Long cũng nhận xét: “Rap là nghệ thuật đường phố, chất chứa những tâm sự đời thường. Rap luôn đứng trước làn đạn, bị chê trách bởi những người có yêu cầu cao về mặt ngôn từ văn hóa. Tuy nhiên, rap vẫn là dòng chảy âm thầm có đóng góp lớn vào âm nhạc thế giới. Mỗi thể loại âm nhạc có một sân khấu của nó. Cá nhân tôi ủng hộ những thử nghiệm mới. Nghệ sĩ có thể đem nhạc đường phố lên sân khấu hoặc đem nhạc cổ điển ra đường phố. Nếu Sơn Tùng khiến khán giả của cậu ấy khó chịu, cậu ấy sẽ chịu hậu quả. Cũng có thể thử nghiệm này thành công và khiến Sơn Tùng được yêu mến hơn thì sao?”.
Bên cạnh những ý kiến bênh vực Sơn Tùng, nhiều khán giả cũng bày tỏ sự đồng tình với Tùng Dương và không hiểu sao một tiết mục nhí nhố, nông cạn như vậy lại được kiểm duyệt để biểu diễn trong chương trình phát sóng trực tiếp thay vì diễn ra ở… đường phố theo đúng tinh thần nhạc rap.
Nhạc sĩ Anh Quân cho biết: “Tôi nghĩ mỗi quốc gia đều có nền văn hóa riêng. Cái hay của văn hóa Việt, đó là sự khiêm nhường. Vì vậy, với trường hợp của Sơn Tùng, tôi nghĩ chưa thực sự phù hợp với phông văn hóa nước nhà. Tôi đánh giá, đây là một tiết mục rất trẻ con”.
Trong cuộc gặp gỡ báo chí gần đây, nói về hiện tượng Sơn Tùng, danh ca Khánh Ly chia sẻ, những khoảnh khắc đời thường, bà vẫn nghe nhạc Sơn Tùng, hát vui vui cùng những vị khách trẻ tuổi đến chơi nhà và yêu mến giọng ca 9x bởi sự cá tính, trẻ trung. Nhưng cũng như nhiều nghệ sĩ chân chính khác, ca sĩ Khánh Ly mong Sơn Tùng đừng vì lý do thị hiếu hay sự xô đẩy nào để khác đi.
“Ngủ quên” trong kiêu hãnh
Được đánh giá là một trong những nghệ sĩ mới và tài năng của V-Pop. Sơn Tùng vừa đại diện cho Việt Nam tham dự vòng loại khu vực Đông Nam Á cho hạng mục Best Worldwide Act tại Lễ trao giải MTV EMAs 2015. Tuy nhiên, với những sự cố liên tục trong suốt quãng thời gian hoạt động V-Pop, nam ca sĩ cũng lọt vào top “lắm tài, nhiều tật” của showbiz Việt.
Nam ca sĩ Tùng Dương
Đây không phải là lần đầu tiên Sơn Tùng bị chỉ trích về thái độ ngông cuồng trong âm nhạc. Trước đó, MV “Không phải dạng vừa đâu”, ca sĩ 9x này đã mượn tác phẩm để “chửi xéo” những tiền bối trong nghề - những người từng lên án Sơn Tùng đạo nhạc nước ngoài. Và lần này, Tùng Dương cũng bị “vạ lây” vì thái độ thẳng thắn.
Rất khó để kết luận là có sự ghét bỏ đằng sau những lý lẽ chặt chẽ, thuyết phục của Tùng Dương trong bài viết. Nhiều người trong giới chuyên môn cho rằng, cần thiết phải có những “liều thuốc giải mê” như vậy để ca sĩ trẻ thể hiện đúng mực cái tôi phù hợp với phông nền văn hóa. Ở một chương trình truyền hình trực tiếp, đa dạng về đối tượng khán giả thì việc tiết chế trong ca từ là cần thiết nhằm tôn trọng khán giả và nghệ sĩ dù ở độ tuổi nào cũng đều phải ý thức nghiêm túc.
Về phần ca sĩ Tùng Dương, khán giả yêu mến vẫn lo anh vạ miệng khi lên tiếng về Sơn Tùng, nhưng trên con đường sự nghiệp của mình, chưa bao giờ người ta thấy Tùng Dương cổ hủ, đố kị hay thèm khát sự nổi tiếng phù phiếm. Chính vì thế, lời chia sẻ cặn kẽ, khách quan với Sơn Tùng có thể hiểu là trăn trở của một nghệ sĩ chân chính trước xu hướng thưởng thức của giới trẻ. Nhất là trước tình trạng ngày càng có thêm nhiều người phát cuồng vì độ ngông của các ca sĩ trẻ.
Nhiều khán giả đã trở thành fan Sơn Tùng nhờ những ca từ trong sáng: “Có những ngày mùa đông lạnh thấu nhưng cha vẫn chưa về/ Mẹ cười nhưng con biết mẹ lo lắm cha ơi/ Xuân chỉ về khi con nghe thấy tiếng xe quen thuộc/ Tuổi thơ ơi nhớ lắm bánh cáy theo tôi lớn khôn”… nhưng Sơn Tùng của những buổi ban đầu ấy so với bây giờ đã có thêm nhiều khoảng cách. Đáng nói hơn là sau ca khúc mở màn Giọng hát Việt 2015 gây tranh cãi, Sơn Tùng chúc các thí sinh “luôn là những nghệ sĩ chân chính”, trong khi bản thân nam ca sĩ này đang là một dấu hỏi về sự "chân chính" trong sự nghiệp âm nhạc của mình.
Đại diện của ca sĩ Sơn Tùng, nhạc sĩ Quang Huy cho rằng: “Quan điểm của tôi là không bao giờ công kích, xúc phạm hay làm tổn thương bất kỳ cá nhân nào. Sơn Tùng vốn dĩ không có nhiều người thích nên cái gì gắn với Tùng đều bị suy diễn theo kiểu ác ý. Nhưng, rõ ràng Tùng vô tội”. |