Dù em bé phát triển trong bụng mẹ nhưng những thói quen của bố cũng có thể ảnh hưởng đến thai nhi.
Trong thời gian mang thai, mẹ bầu thường rất chú trọng đến chế độ dinh dưỡng, tập luyện, sinh hoạt của bản thân với mong muốn em bé trong bụng phát triển tốt, chào đời khỏe mạnh. Vậy nhưng nhiều cặp đôi lại quên rằng thói quen của người chồng cũng có thể ảnh hưởng đến em bé trong bụng. Dưới đây là những thói quen xấu có thể gây hại thai nhi trong bụng mẹ mà bố nên bỏ ngay.
Thói quen của bố cũng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của em bé trong bụng mẹ. (Ảnh minh họa)
1. Hút thuốc lá
Khói thuốc lá đã được chứng minh có ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển của thai nhi. Khói thuốc lá (còn gọi là hút thuốc lá thụ động) là sự kết hợp của khói từ một điếu thuốc đang cháy và khói thở ra từ người hút. Nếu phụ nữ đang mang thai hít phải khói thuốc lá sẽ làm tăng nguy cơ mắc hội chứng đột tử trẻ sơ sinh.
Khi phụ nữ mang thai hít phải khói thuốc lá, chất nicotine và các loại chất độc hại khác sẽ đi qua phổi vào trong máu và đi trực tiếp đến em bé. Điều này có thể gây ra các nguy cơ: Thai nhi chậm phát triển, gây ra các tổn thương não và phổi cho thai nhi, sảy thai, sinh non, thai chết lưu,...
Không chỉ vậy, phụ nữ mang thai thường có sức đề kháng yếu hơn bình thường. Dù là vô tình hay cố ý tiếp xúc với khói thuốc lá đều gây ra những ảnh hưởng nghiệm trọng như ảnh hưởng tới nhau thai, gặp các vấn đề về tuyến giáp, vỡ ối non,...
Vì những lý do trên nên ngay từ khi có kế hoạch sinh con, người đàn ông nên cai thuốc lá. Phụ nữ mang thai cũng cần tránh tiếp xúc với những người hút thuốc.
2. Uống rượu bia, sử dụng chất kinh thích
Cũng giống như việc hút thuốc, mọi ông chồng nên kiêng sử dụng rượu bia trong giai đoạn muốn thụ thai để loại bỏ ngay những bất thường có thể xảy ra khi trứng kết hợp với tinh trùng. Bố thường xuyên say xỉn, uống rượu bia, thai nhi ra đời nguy cơ cao bị dị tật bẩm sinh, rối loạn hành vi, chậm phát triển trí não.
Bên cạnh đó, chắc hẳn sẽ không có một bà bầu nào cảm thấy vui khi chồng không ở bên cạnh quan tâm chăm sóc mình mà lại trở về và trong tình trạng say xỉn, nồng nặc mùi rượu. Việc thường xuyên uống rượu bia có thể khiến chồng không kiểm soát được hành động và thái độ của chính mình khiến vợ bầu cảm thấy mệt mỏi, khó chịu.
3. Thường xuyên đòi hỏi "chuyện ấy"
Vợ chồng có thể làm "chuyện ấy" khi mang thai nhưng cần tôn trọng nhu cầu, tâm trạng của vợ bầu. (Ảnh minh họa)
Các chuyên gia sản khoa cho biết là các cặp đôi hoàn toàn có thể làm “chuyện ấy” bình thường trong giai đoạn mang thai nếu sức khỏe của mẹ bầu bình thường và khỏe mạnh. Tuy nhiên, trong giai đoạn thai kỳ, cơ thể phụ nữ thường có những biến đổi bất thường khiến chị em thường xuyên có cảm giác nặng nề, mệt mỏi. Lúc này, chồng hãy thông cảm và không nên đòi hỏi “chuyện ấy” quá nhiều để tránh tạo áp lực cho vợ bầu và gây nên những ảnh hưởng không tốt đến thai nhi.
Không những thế, nghiên cứu còn chứng minh rằng, hằng năm có khoảng 10 – 20% trường hợp bị sảy thai do “yêu” không đúng cách. Vì thế, các cặp đôi nên hạn chế làm “chuyện ấy” trong 3 tháng đầu cũng như vào tháng cuối thai kỳ, không “gần gũi” liên tục với những tư thế khó, mạnh bạo để tránh gây ra những tổn thương, kích thích chuyển dạ sớm, co thắt tử cung hoàn toàn không tốt cho thai nhi.
4. Tranh cãi với vợ
Vợ chồng cần tránh tranh cãi trong giai đoạn vợ mang thai. (Ảnh minh họa)
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những căng thẳng, trầm cảm và lo âu trong lúc mang thai sẽ khiến thai nhi rơi vào nguy cơ gặp phải các kết cục xấu như chậm phát triển trong tử cung, sinh non,...
Chính vì vậy, tạo cho vợ bầu một tinh thần thoải mái, vui vẻ và luôn tràn đầy năng lượng là điều các ông chồng rất nên làm khi vợ mang thai. Các chuyên gia đã khuyến cáo rằng, cảm xúc của mẹ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của con trong bụng nên trong giai đoạn mang thai, bà bầu nên tránh xa những điều tiêu cực khiến tâm trạng luôn trở nên bất ổn, giận dữ hoặc buồn bã.
Khi mang bầu, tâm tính các bà vợ thay đổi làm cho nhiều ông chồng cảm thấy bực bội dễ dẫn đến việc xảy ra tranh cãi, to tiếng. Điều này hoàn toàn không tốt cho con trong bụng vì khi mẹ stress, lượng hormone dolpamine và cortisol cũng tăng cao làm em bé ra đời có khả năng bị tự kỷ, chậm phát triển ngôn ngữ. Vì thế, bố hãy cố gắng nhường nhịn mẹ một chút để đảm bảo cho sự an toàn của con.
Vì những lý do trên, chồng phải học cách làm bố ngay từ khi vợ mang thai bằng cách điều chỉnh chế độ sinh hoạt, từ bỏ những thói quen xấu, luôn quan tâm, chăm sóc tốt cho vợ.