Đau lưng là một trong những vấn đề thường gặp ở phụ nữ mang thai.
Đau lưng khi mang thai là tình trạng rất phổ biến, xảy ra ở khoảng 50-70% bà bầu, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày trong thai kỳ. Với một số mẹ bầu, biểu hiện đau lưng chỉ thoáng qua, không đáng kể. Tuy nhiên, nhiều trường hợp phụ nữ mang thai bị đau lưng dai dẳng và khó chịu. Vậy nguyên nhân gây đau lưng ở bà bầu là gì và cách khắc phục ra sao?
Nguyên nhân khiến bà bầu bị đau lưng?
Đau lưng là tình trạng có thể xảy ra trong bất kỳ thời điểm nào của thai kỳ. Ở mỗi thời điểm, nguyên nhân gây đau lưng có thể khác nhau.
Đau lưng là tình trạng phổ biến ở phụ nữ mang thai. (Ảnh minh họa)
Sự thay đổi hormone
Trong thời điểm mang thai, cơ thể mẹ đã bắt đầu có những thay đổi dần dần để tập làm quen với sự xuất hiện của thai nhi cũng như chuẩn bị cho công cuộc vượt cạn sau này. Sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể dễ dẫn đến việc mẹ bầu có thể gặp phải những tình trạng phiền toái và đau lưng là một trong những số đó.
Cụ thể, khi mang thai, cơ thể người mẹ sẽ liên tục sản sinh ra một loại hormone tên relaxin có công dụng kích thích làm giãn nở khung xương chậu để chuẩn bị cho quá trình sinh nở. Vậy nhưng sự gia tăng hormone này cũng khiến cho khu vực các khớp, dây chằng trở nên lỏng lẻo, căng giãn nhiều và dẫn đến tình trạng đau lưng.
Cân nặng tăng nhanh
Cân nặng thay đổi khi mang thai cũng là một lý do quen thuộc khiến mẹ bầu dễ bị đau lưng. Cân nặng tăng nhanh gây ra những áp lực đối với khu vực cột sống làm cho vị trí này dễ bị tổn thương và gây ra tình trạng đau mỏi, khiến mẹ bầu bị tê bì tay chân.
Bên cạnh đó, kích thước của thai nhi cũng dần tăng trong quá trình ở trong bụng mẹ. Sự phát triển của con khiến các khu vực xung quanh bị chèn ép. Theo đó, càng về những chặng cuối của thai kỳ, khi thai nhi càng trở nên lớn hơn thì mẹ sẽ dễ bị đau lưng nhiều hơn.
Do căng cơ lưng
Căng cơ lưng là nguyên nhân chính gây ra đau lưng khi mang thai. Khi thai nhi càng lớn dần, tử cung của mẹ càng trở nên nặng hơn. Bởi vì phần trọng lượng tăng lên này tập trung ở phía trước bụng, nên đa số các bà bầu theo phản xạ tự nhiên sẽ có xu hướng uốn cong người về phía trước.
Để giữ thăng bằng, mẹ buộc phải thay đổi tư thế bằng cách nghiêng mình ngược về phía sau. Điều này khiến cho cơ lưng hoạt động nặng hơn, dẫn đến bị căng cơ lưng. Hậu quả gây ra tình trạng nhức mỏi, co cứng, đau lưng khi mang thai ở các tháng cuối của thai kỳ, khi thai nhi đã bắt đầu trở nên rất to.
Do yếu cơ bụng
Cơ bụng có nhiệm vụ hỗ trợ cột sống và đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe của vùng lưng. Khi mang thai, các cơ ở vùng bụng trở nên căng ra và bị yếu đi. Điều này làm tăng nguy cơ bà bầu bị đau lưng, nhất là khi vận động, tập thể dục.
Căng thẳng trong thai kỳ
Có thể ít ai ngờ, nhưng tình trạng căng thẳng, mệt mỏi cũng là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng đau lưng khi mang thai. Trong giai đoạn mang thai, thai phụ có thể phải đối diện với nhiều lo lắng, nhất là với những mẹ đang mang thai lần đầu. Nhưng mẹ hãy cố gắng thư giãn tinh thần vì stress khi mang thai có thể ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe của cả mẹ và con.
Căng thẳng, mệt mỏi và stress kéo dài khiến trình trạng đau lưng trở nên nặng hơn do chúng làm gia tăng hiện tượng co thắt lưng, căng cơ. Vì thế, chị em khi mang thai nên loại bỏ tâm lý sợ hãi, cũng không nên làm việc quá sức mà cần có thời gian nghỉ ngơi hợp lý.
Nhiều mẹ bầu không biết rằng việc căng thẳng trong thai kỳ cũng có thể dẫn đến đau lưng. (Ảnh minh họa)
Cách giảm đau lưng cho bà bầu
- Mang loại giày có phần đế phù hợp cho phụ nữ mang thai: Loại giày đế bằng thường không thể hỗ trợ tốt nhất cho tư thế đi đứng của mẹ bầu, trừ khi nó được chêm thêm một miếng lót với bề dày thích hợp. Giày cao gót có thể làm bạn bị mất cân bằng và dễ ngã về phía trước, rất nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi.
- Cân nhắc lựa chọn một tấm nệm phù hợp: Nếu tấm nệm ở nhà đã trở nên cũ kỹ và xuống cấp, bạn nên cân nhắc thay mới và lựa chọn một tấm nệm phù hợp cho phụ nữ mang thai. Nệm nằm thoải mái và chất lượng tốt có thể giúp mẹ bầu hạn chế bị đau lưng khi mang thai.
- Đừng cúi người xuống quá phần thắt lưng: Để nhặt món đồ làm rơi rớt dưới đất, bạn nên ngồi xổm xuống, uốn cong đầu gối nhưng vẫn giữ thẳng cột sống lưng.
- Lựa chọn ghế ngồi thích hợp: Việc thường xuyên ngồi lên một chiếc ghế gỗ lưng thẳng thông thường có thể gây ra biểu hiện đau lưng khi mang thai. Để khắc phục, mẹ bầu nên chọn loại ghế có phần tựa lưng uốn cong để hỗ trợ tốt cho phần lưng, hoặc có thể sử dụng một chiếc gối nhỏ đặt phía sau phần thắt lưng. Bên cạnh đó, có một số thiết bị đặc biệt, giúp hỗ trợ phần thắt lưng cho phụ nữ mang thai, đang được bày bán tại các cửa hàng cung cấp thiết bị y tế.
- Chú ý tư thế ngủ: Khi ngủ cố gắng nằm nghiêng về một bên. Dùng 1 đến 2 chiếc gối để kẹp giữa hai chân hoặc đặt dưới bụng hỗ trợ tốt nhất cho tư thế ngủ, tránh ảnh hưởng đến cột sống lưng.
Một chiếc gối dành riêng cho bà bầu có thể giúp mẹ có tư thế ngủ thoải mái, giảm đau lưng. (Ảnh minh họa)
- Vận động đều đặn: Tuy không nên vận động mạnh, làm việc nặng, chị em vẫn phải duy trì vận động nhẹ nhàng, phù hợp. Điều này vừa giúp cơ thể thêm dẻo dai, khỏe mạnh, có lợi cho công cuộc vượt cạn sau này, vừa là cách phòng ngừa, giảm thiểu cảm giác đau lưng hiệu quả.
Luyện tập đúng cách khi mang thai không gây hại, ngược lại, điều này giúp tăng sức khỏe cơ bắp, xương chậu, lưng cũng thêm cứng cáp, dẻo dai, co giãn tốt. Vận động phù hợp còn hỗ trợ thúc đẩy máu huyết lưu thông ở khu vực lưng và chân, làm cho mẹ giảm cảm giác đau lưng rõ rệt.