Đếm cử động thai từ lâu được xem là phương tiện duy nhất giúp các mẹ bầu có thể tự theo dõi sức khỏe em bé trong bụng mình khi ở nhà.
Bác sĩ Đặng Tiến Long - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, rất nhiều mẹ bầu khi đi khám thai kỳ được bác sĩ hỏi cử động thai nhưng nhiều chị em thú nhận không biết cách đếm.
Thực tế, trông thì đơn giản nhưng đếm cử động thai là phương tiện duy nhất giúp các mẹ bầu có thể theo dõi sức khỏe em bé của mình khi ở nhà. Vì thế, các mẹ bầu phải tự đếm cử động thai thường xuyên và hàng ngày.
Nhiều mẹ bầu thú nhận không biết đếm cử động thai. (Ảnh minh họa)
Theo bác sĩ Long chia sẻ, cử động thai (hay còn gọi là thai máy) là những cử động như xoay trở mình, tay chân hay toàn thân của thai nhi mà người mẹ cảm nhận được. Thông thường em bé sẽ cử động tay, chân và thân mình liên tục sau đó dừng lại thì được tính là một đợt cử động thai. Các mẹ sẽ cảm nhận được cử động thai của em bé từ tuần 18-20 tùy vào cảm nhận mỗi mẹ.
Thời điểm đếm cử động thai tốt nhất của các mẹ bầu:
- Đếm cử động thai sau ăn no.
- Nên đếm cử động thai 2- 3 lần trong ngày vào 1 giờ cố định.
- Khi thai ngủ, cử động thai sẽ giảm và không rõ ràng nhưng thời gian ngủ của thai nhi thường 20-40 phút và không quá 90 phút.
- Các mẹ bầu lưu ý nên nằm trong phòng yên tĩnh, không xem ti vi hay sử dụng điện thoại để có thể chú ý sát sao cử động của em bé chính xác nhất. Mẹ bầu có thể nằm nghiêng trái cho thoải mái hơn.
Đếm cử động thai, mẹ bầu nên nằm trong phòng yên tĩnh. (Ảnh minh họa)
Cách đếm cử động thai:
- Đầu tiên mẹ bầu đi tiểu trước khi nằm đếm cử động thai, đặt tay lên bụng để cảm nhận.
- Đếm số đợt cử động thai nhi trong vòng 1 giờ.
- Thai nhi khỏe mạnh thường có ít nhất 4 đợt cử động thai trong 1 giờ.
- Nếu có ít hơn 4 đợt cử động thai trong 1 giờ, mẹ bầu cần nằm nghỉ và đếm cử động thai trong 1 giờ tiếp theo. Nếu có nhiều hơn 4 đợt cử động thai thì mẹ bầu có thể yên tâm, còn nếu tiếp tục ít hơn 4 đợt cử động thai thì đây là dấu hiệu báo động cần nghi ngờ thai nhi bị yếu nên đi khám và nhập viện. Nếu cần thiết sẽ được theo dõi sức khỏe thai bằng máy Monitor hoặc người mẹ có thể tiếp tục đếm cử động nếu cử động <10 đợt cử động/2 giờ thì cần nhập viện ngay để được xử lý tích cực.
"Giảm số lần thai máy có thể gặp trong các trường hợp mẹ bầu sau: Lượng nước ối quá nhiều hay quá ít, thai quá ngày sinh hay thai chậm phát triển trong tử cung, đa thai, các bệnh lý của mẹ như huyết áp cao hay đái tháo đường... Trong những trường hợp này, các bác sĩ chuyên khoa sẽ đánh giá tình trạng thai qua các thăm dò sâu hơn ví dụ tạo và theo dõi hồ sơ sinh lý của thai", bác sĩ Long nói.