Bố mẹ chồng cấm làm thụ tinh nhân tạo vì sợ cháu sinh ra không cùng máu mủ, nàng dâu trưởng liều “đánh cược”

Đan San - Ngày 25/05/2023 14:00 PM (GMT+7)

Trải qua thời gian dài thuyết phục, bố mẹ chồng chị Phương dần thay đổi định kiến, từ phản đối qua ủng hộ hai vợ chồng làm thụ tinh trong ống nghiệm IVF.

7 năm chạy chữa và 2 lần làm IUI thất bại

Năm 2015 chị Đào Thị Phương (SN 1993, ở Hà Nội) kết hôn nhưng mong mãi vẫn chưa có tin vui. Chị Phương ra bệnh viện Nam học và hiếm muộn khám, bác sĩ nói hai vợ chồng đều không có vấn đề gì về sức khoẻ. 

Vốn làm dâu trưởng, chị Phương áp lực một thì anh Phượng áp lực mười. Lần nào về quê, người thân, họ hàng cũng đều hỏi thăm. Tuy không nói ra nhưng bố mẹ chồng chị Phương rất mong có cháu trai nối dõi.  

Quãng thời gian đó, cả hai vợ chồng chạy ngược chạy xuôi uống đủ các loại thuốc Bắc, thuốc Nam nhưng không có kết quả. Kinh tế hồi mới cưới khó khăn, làm được đồng nào, chị Phương và chồng đều dành dụm để đi cắt thuốc. 

Năm 2017, chị Phương vào TP. HCM tiến hành phương pháp hỗ trợ bơm tinh trùng vào tử cung (IUI). Hạnh phúc mỉm cười chưa được bao lâu thì tới tuần thai thứ 8, chị Phương bất ngờ bị ra huyết đen. 

“Tức tốc tới bệnh viện, mình chết lặng trên bàn siêu âm khi bác sĩ thông báo thai chết lưu. Người mình lạnh toát, run rẩy bước ra ngoài. Nhìn thấy chồng bên ngoài phòng siêu âm hướng mắt về phía mình chờ đợi báo tin mình oà khóc và mếu máo nói về tình hình của đứa bé. Chồng nắm tay an ủi", chị Phương kể.

Bố mẹ chồng cấm làm thụ tinh nhân tạo vì sợ cháu sinh ra không cùng máu mủ, nàng dâu trưởng liều “đánh cược” - 1

Em bé trái ngọt sau nhiều năm tìm con của vợ chồng chị Phương.

Em bé trái ngọt sau nhiều năm tìm con của vợ chồng chị Phương.

Không nản chí, anh Phượng lại động viên vợ cố gắng, uống thuốc chạy chữa tiếp. Ai chỉ đâu, vợ chồng chị đều theo đó, có khi tiêu tốn tới hơn chục triệu. Uống thuốc thêm được 2 tháng không thấy gì, chị Phương lại làm IUI lần 2 ở một bác sĩ ngoài Hà Nội nhưng cũng không có kết quả.

Hai lần thất bại liên tiếp khiến bà mẹ rơi vào tuyệt vọng. “Đi ăn cưới, nhà có giỗ, hai vợ chồng đến gặp họ hàng lại bị hỏi hai đứa không có con à, không đi chạy chữa đi chỉ để tiền ăn chơi à? Vợ chồng mình chỉ biết cười thôi”, dẫu biết đó chỉ là lời quan tâm nhưng chị Phương vẫn buồn bã. 

Nhiều lúc anh Phượng bảo chị hay đi nhận con nuôi nhưng chị bảo: “Thôi, ở được với nhau thì ở, không thì thôi". 

Bé trai kháu khỉnh nặng 3,4kg.

Bé trai kháu khỉnh nặng 3,4kg.

Hạnh phúc tới muộn, bố mẹ chồng khao 30 mâm cỗ đón cháu 

Không bỏ cuộc, vợ chồng chị Phương quyết tâm làm thụ tinh nhân tạo (IVF). Ban đầu bố mẹ chồng chị Phương phản đối quyết liệt vì nghĩ nếu làm thụ tinh trong ống nghiệm đứa trẻ sinh ra sẽ không phải máu mủ, con cháu của mình nữa. Nhưng mưa dầm thấm lâu, chị Phương vẫn âm thầm chuẩn bị kinh tế. 

“Hai đứa áp lực quá nên xin ra ở riêng. Ông bà thi thoảng cũng lên rồi động viên nếu thiếu tiền thì ông bà cho vay mượn", chị Phương kể.

Nghĩ là làm, ngày vợ chồng chị Phương đóng gói hành trang lên Hà Nội điều trị cũng đến. May mắn trong lần đầu tiên, mẹ 9X làm được tận 27 phôi, sau khi lọc những phôi yếu thì còn 14 phôi. 

Ngày nào chị Phương cũng mua que thử thai về thử. Sau 7 ngày chuyển phôi thành công, hạnh phúc cũng mỉm cười với đôi vợ chồng trẻ. Thấy 2 vạch hiện lên, chị Phương báo tin ngay cho chồng và ông bà nội ngoại. 

Cả quãng thời gian mang bầu, chị Phương chuyên tâm dưỡng thai ở nhà. “Chồng mình không cho làm gì, cơm nước chồng lo hết. Không cho đi lại đâu hết, chỉ khi nào đi khám hai vợ chồng thuê taxi ra viện", chị Phương nói. 

 Cả thai kỳ của bà mẹ Hà Nội diễn ra suôn sẻ, thuận lợi.

 Cả thai kỳ của bà mẹ Hà Nội diễn ra suôn sẻ, thuận lợi.

Tháng 12/2022, chị hạ sinh thành công bé trai kháu khỉnh nặng 3,4kg. Ngày 2 mẹ con từ viện về nhà, hàng xóm hồ hởi chạy ra đón, bố mẹ ruột của chị Phương cũng bay từ Sài Gòn về ngay trong đêm để được ẵm cháu. Không chỉ vậy bố mẹ chồng đã làm chục mâm cỗ mời họ hàng trong họ. Đến khi đầy tháng làm thêm 30 mâm. 

  Hạnh phúc tới muộn sau 7 năm.

  Hạnh phúc tới muộn sau 7 năm.

Giờ đây mẹ bỉm hạnh phúc mỗi khi ngồi ngắm nụ cười thiên thần của con trai. Mọi sinh hoạt của hai mẹ con đều được gia đình nội ngoại và chồng hết sức hỗ trợ. Thậm chí ngay cả việc tắm cho bé, chị Phương cũng thuê hộ lý ở ngoài vì sợ bản thân chưa đủ kinh nghiệm. 

“Mình đã đánh cược với thời gian và ông trời đã không phụ lòng người kiên trì. Giờ nhìn con ăn ngoan, mạnh khoẻ mà hạnh phúc vô cùng. Mong tất cả các mẹ hiếm muộn khác cũng hãy cố gắng lên, đừng bỏ cuộc, hãy tin tưởng vào y học hiện đại vào các bác sĩ rồi tất cả phụ nữ chúng ta sẽ đạt được ước mơ làm mẹ”, bà mẹ Hà Nội nói.

Bác sĩ hiếm muộn tiết lộ chi phí làm thụ tinh ống nghiệm, có thực sự tốn kém như lời đồn?
Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) hết bao tiền? Đây luôn là câu hỏi thường trực của tất cả các cặp vợ chồng hiếm muộn đang mong có con trước khi bắt đầu...

Hỏi đáp với chuyên gia

Theo Đan San
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề IVF - Thụ tinh trong ống nghiệm