Ca đẻ non Khôi - Nguyên và lời xin lỗi của vị bác sĩ đến từ Hà Lan

Ngày 18/09/2024 16:00 PM (GMT+7)

Hai bé Khôi - Nguyên đẻ non khi mới 27 tuần thai, vị bác sĩ người Hà Lan là tia hy vọng duy nhất giúp 2 bệnh nhi nhìn thấy ánh sáng. Nhưng sau 5 năm kiên trì, ông đã nói lời xin lỗi gia đình trong niềm tiếc nuối.

Chị Trương Thị Hồng Phượng (31 tuổi, trú tại thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, Gia Lai) được các bà mẹ trẻ gọi thân thương là "Mẹ Phượng ba con". Người phụ nữ này có 3 con trai là Nguyễn Bảo Nam, Nguyễn Đăng Khôi và Nguyễn Cao Nguyên. Trong đó, cặp song sinh Khôi - Nguyên, hiện 7 tuổi, bị bại não nặng, hỏng thị giác. Mỗi lần chia sẻ hình ảnh cuộc sống của các con trên trang cá nhân, chị Phượng nhận được nhiều đồng cảm, sẻ chia.

Từng muốn ôm 2 con kết thúc

Chia sẻ với VietNamNet, người phụ nữ trẻ cho biết năm 2015 vừa tốt nghiệp đại học, chị kết hôn và sinh bé trai đầu lòng đặt tên Bảo Nam. Sáu tháng sau, chị có song thai. Khác với lần mang bầu trước, chị Phượng nghén rất nặng, không ăn uống được nhiều. Hai bên nội ngoại đồng hành hỗ trợ chị dưỡng thai.

Đến tuần thai thứ 27, người mẹ trẻ có dấu hiệu gò cứng bụng và tụt thai. Đi siêu âm, bác sĩ báo chị chuyển dạ cần vào viện ngay.

"Nằm trên bàn sinh, bác sĩ hỏi tôi thai được bao nhiêu tuần.

- Tôi báo: 27 tuần thôi ạ.

- Bác sĩ thốt lên: Thế làm sao nuôi được.

Khi ấy, tôi đã òa khóc. Hai con của tôi chào đời chỉ nặng 1kg. Tôi còn chưa kịp sắm cho con quần áo sơ sinh, 2 bé được quấn khăn rồi chuyển lên phòng cấp cứu sơ sinh", chị Phượng nhớ lại.

Bốn mẹ con chị Phượng. Ảnh: GĐCC.

Bốn mẹ con chị Phượng. Ảnh: GĐCC.

Ba ngày sau sinh, chị Phượng mới được vào thăm con. Nhìn 2 đứa trẻ chỉ bằng cổ tay, dây rợ chằng chịt quanh cơ thể, người mẹ đứng chết lặng, nỗi đau như cắt từng khúc ruột. "Tôi ngã quỵ ngay trước lồng kính của 2 con", chị Phượng kể.

Một tuần sau, 2 bé được đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM). Bác sĩ gọi người nhà thông báo 2 bé nhiễm trùng sơ sinh, gan ứ mật, xuất huyết não, xơ gan, xơ phổi, nặng nhất là bong võng mạc…

"Khi thấy con mình như vậy, tôi như người trên mây. Đứng trên tầng 5 của bệnh viện, tôi không chấp nhận được sự thật và luôn dằn vặt đó là lỗi của mình", người mẹ trầm giọng kể.

Họ ở trọ gần bệnh viện và đi xin các bà mẹ khác sữa gửi vào viện cho con. Hơn 2 tháng sau, hai bé mới được đưa ra khỏi lồng kính và xuống cấp cứu sơ sinh để tập thở và bú. "Những ngày đó, vợ chồng tôi mỗi người bế 1 bé và quan sát liên tục ngày hay đêm. Nếu môi con tím tái, chúng tôi sẽ đập vào bàn chân cho con khóc ê ê mới yên tâm", người mẹ trẻ vẫn còn sợ hãi khi nhớ lại.

Gần 5 tháng, 2 bệnh nhi ra viện và được ba mẹ đưa về nhà trọ, các bé khóc suốt ngày đêm. Trong những lúc nghĩ quẩn, chị Phương muốn bế 2 con ra cầu Sài Gòn để kết thúc mọi nỗi khổ.

"Con lớn dần lên và bắt đầu có phản xạ. Chắc chắn Khôi - Nguyên không muốn bất hạnh này nên tôi muốn bù đắp cho con thật nhiều", chị Phượng nói.

5 năm kiên trì tìm ánh sáng cho con

Hai bé sinh non, biến chứng nặng nề nhất là mắt và thần kinh. Chị Phượng và chồng đưa các con đi khắp các bệnh viện lớn ở TPHCM và Hà Nội hy vọng chữa được mắt nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu. Các bác sĩ đề xuất đưa 2 bé sang Singapore điều trị, chi phí dự đoán khoảng 1,6 tỷ đồng nhưng thời gian quá gấp, gia đình không kịp chuẩn bị tài chính.

Thay vì tự ti, thu mình, bà mẹ 3 con đã có thay đổi tích cực trong cuộc sống. Ảnh: GĐCC.

Thay vì tự ti, thu mình, bà mẹ 3 con đã có thay đổi tích cực trong cuộc sống. Ảnh: GĐCC.

Bác sĩ đã giới thiệu 1 chuyên gia về nhãn khoa nổi tiếng người Hà Lan đang phối hợp với một bệnh viện ở Sài Gòn có thể mổ được cho Khôi - Nguyên. Trong vòng 8 tháng, 2 bé trải qua 2 lần mổ ép giác mạc.

Suốt 5 năm, vợ chồng Phượng đưa con xuống TPHCM tái khám mắt hằng tháng.

"Một lần khám xong, bác sĩ gọi chúng tôi vào phòng. Tôi nhớ mãi ánh mắt buồn bã của người bác sĩ đó. Ông chùng giọng và nói lời xin lỗi gia đình. Qua phiên dịch, tôi biết họ đã cố gắng nhưng không cứu được mắt của Khôi - Nguyên", bà mẹ này kể.

Không chỉ hỏng mắt, hai con của chị Phượng còn bị bại não nặng, không có khả năng nghe nói, nhận biết người xung quanh. Đến 6 tuổi, các con mới tập những bước đi đầu tiên.

Chị Phượng đã chấp nhận số phận, không còn than trách và nhìn mọi việc tích cực hơn. "Gần đây, Khôi - Nguyên đã biết ôm lại nếu có ai ôm con. Đây là tín hiệu tích cực các bé đã tốt lên" - bà mẹ trẻ hồ hởi khoe.

Chồng chị Phượng làm lái xe, khi về nhà, anh lại đỡ đần công việc cho vợ. Ngoài ra, bà ngoại cũng hỗ trợ chăm sóc 2 cháu.

Khoảnh khắc hạnh phúc của bà mẹ này là hai con biết ôm lại. Ảnh: GĐCC.

Khoảnh khắc hạnh phúc của bà mẹ này là hai con biết ôm lại. Ảnh: GĐCC.

"Gần đây, tôi xem được clip 2 người già đã gần đất xa trời nhưng vẫn nhặt ve chai nuôi các con bị bệnh Down. Lúc đó, tôi ý thức được rằng nếu tôi cứ thu mình, không bước ra thế giới bên ngoài, 2 con sẽ thiệt thòi hơn", chị Phượng nói.

Bà mẹ này bắt đầu lên mạng xã hội, tham gia vào các hội có con sinh non để chia sẻ câu chuyện của Khôi - Nguyên và bán hàng online. Chị chỉ mong mỏi có đủ tiền mua thuốc cho con và 2 đứa trẻ bất hạnh sẽ bình yên trong gia đình nhỏ của mình.

Cụ bà 91 tuổi mang thai, con trai khóc nghẹn: Cha tôi đã ra đi lâu rồi, chuyện này là không thể
Nghe thấy kết quả này, cả gia đình không tin vào tai mình. Con trai bà gần như sụp đổ, khóc nghẹn trước mặt bác sĩ: "Mẹ tôi đã 90 tuổi, cha tôi mất...

Câu chuyện mang thai

Theo Phương Thuý
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Câu chuyện mang thai