Đứa trẻ đã sinh non sau khi người mẹ nhận thấy dấu hiệu bất thường.
Một em bé chào đời nặng chưa đến 500 gram đã có sự hồi sinh kỳ diệu làm người mẹ vui mừng và hạnh phúc. Tờ People đưa tin, bé Nathan Zarate đã trải qua gần 300 ngày tại phòng chăm sóc tích cực dành cho trẻ sơ sinh (NICU) ở Bệnh viện Nhi Advocate thuộc Park Ridge, tiểu bang Illinois, Hoa Kỳ, sau khi chào đời ở tuần thứ 25 vào tháng 11/2023.
Mặc dù trong suốt hành trình chiến đấu ấy có những giai đoạn rất khó khăn nhưng cuối cùng cậu bé Nathan cũng được xuất viện vào cuối tháng 8 vừa qua. Cô Alicia Zarate, mẹ của đứa trẻ chia sẻ với tạp chí People: “Chúng tôi rất biết ơn vì tất cả đã diễn ra theo đúng như mong đợi”.
Dấu hiệu bất thường trong thai kì
Cô Alicia (34 tuổi) và chồng, anh Jonathan Zarate (36 tuổi) đã rất vui mừng khi biết rằng họ chuẩn bị được làm bố mẹ vào cuối tháng 6/2023. Ban đầu, người mẹ này trải qua thai kỳ khá bình yên, suôn sẻ nhưng rồi vào một ngày tháng 11 năm ngoái, khi đang lái xe, cô Alicia không thấy con trai chuyển động trong bụng mình như bình thường. Thậm chí, cô còn cho thai nhi nghe bài hát quen thuộc thường ngày nhưng em bé trong bụng không hề nhúc nhích.
Lo lắng có chuyện chẳng lành, Alicia đến tìm gặp bác sĩ rồi sau đó cô được đưa đến thẳng phòng cấp cứu. Theo các bác sĩ, Alicia đang gặp phải các triệu chứng của tiền sản giật và thai nhi có dấu hiệu chậm phát triển, đe dọa đến tính mạng của đứa trẻ.
Bé trai chào đời chỉ nặng chưa đầy 500 gram.
Ngay ngày hôm sau, cậu bé Nathan được chào đời bằng phương pháp mổ lấy thai khẩn cấp, nặng chưa đầy 500 gram và được đặt nội khí quản ngay lập tức rồi đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt.
Cuộc hồi phục thần kỳ
Bác sĩ nhi Michael Cappello, phó khoa tại Bệnh viện Nhi Advocate, cho biết Nathan “là em bé ốm yếu nhất tại phòng chăm sóc đặc biệt”. Ngoài việc bị tổn thương mắt và phải chống chọi với bệnh viêm phổi, bé trai này còn phải phẫu thuật để chữa bệnh tim và đặt ống thông khí quản để hỗ trợ hô hấp.
Theo bệnh viện, vợ chồng cô Alicia và Jonathan đã phải xa Nathan trong hai ngày đầu tiên sau khi đứa trẻ mới sinh chào đời. Trong thời gian đó và cả những tuần tiếp theo, cặp đôi này không ngừng cầu nguyện để mong con được bình an. Họ luôn tin rằng sẽ có một phép màu cứu sống đứa trẻ.
Và cuối cùng, cậu bé Nathan đã chiến thắng được nghịch cảnh và được xuất viện về nhà. Lúc này, đứa trẻ đã nặng 6,3kg. Người mẹ cho biết cô cảm ơn tất cả các bác sĩ, y tá và nhân viên bệnh viện vì đã nỗ lực hết mình để con trai cô sống sót và phát triển mỗi ngày.
Cha mẹ hạnh phúc khi đưa con trai xuất viện.
Hiện tại, gia đình cô Alicia đang ổn định cuộc sống thường nhật bên cạnh Nathan, hiện cậu bé vẫn phải dùng “hỗ trợ thở máy”. Với cặp đôi này, mọi thứ dường như mới chỉ bắt đầu, họ còn có một thời gian dài ở phía trước để giúp con trai hòa nhập với cuộc sống mới.
Alicia hy vọng câu chuyện của họ “có thể mang lại hy vọng cho nhiều gia đình có con sinh non khác. Theo người mẹ này, bất kỳ đứa trẻ sinh non nào cũng đều không bị bỏ rơi, các bác sĩ đang từng ngày nỗ lực để tái sinh các em một lần nữa. Do đó, các bậc cha mẹ đừng bỏ cuộc hoặc nhụt chí, điều tươi đẹp đang chờ đợi ở phía trước.
Bé sơ sinh sau khi sinh non sẽ trông như thế nào?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đẻ non được định nghĩa là xảy ra từ tuần 20 đến 36 của thai kỳ. Đáng chú ý, trong các trường hợp đẻ non, chỉ 20-25% là kết quả của những can thiệp y tế. Trong khi đó, tới 75-80% trường hợp xảy ra một cách tự nhiên, sau khi chuyển dạ sinh non hoặc vỡ ối non tháng.
Những em bé sinh non sẽ rất nhỏ, có thể chỉ vừa vặn trong lòng bàn tay của người lớn, và rất yếu:
- Tóc: đầu bé sẽ có rất ít tóc nhưng lại có nhiều lông tơ mềm mại.
- Da: bị khô, bong tróc, bóng do chưa phát triển hoàn thiện, hoặc có thể thậm chí còn không có chất béo nào dưới da để giữ ấm cơ thể.
- Bộ phận sinh dục: nhỏ và chưa phát triển.
- Mắt: em bé sẽ không thể mở được mắt trong giai đoạn đầu sau khi đẻ non. Sau khoảng 30 tuần thì mới có thể mở mắt và nhìn xung quanh.
- Phát triển chưa đầy đủ: em bé không thể tự điều chỉnh nhịp thở, nhịp tim đập và nhiệt độ cơ thể. Bé có thể trở nên cứng, không tỉnh táo, khập khiễng và co giật.