Mẹ bầu này quá lo lắng khi thấy bụng tự dưng lại bé hơn hẳn so với tối hôm qua nên đã nhờ chồng đi chở đi khám.
Quan sát và vuốt ve bụng mỗi ngày chắc hẳn là thói quen và sở thích của hầu hết các mẹ bầu. Hành động này không chỉ đơn giản là việc xoa bụng, mà hơn thế nữa, đây còn là cách giao tiếp giữa mẹ và thai nhi, chạm vào bụng đồng nghĩa với việc mẹ bầu đã chạm được vào con.
Chính vì thế, mỗi tối trước khi đi ngủ, Lộ Khiết (29 tuổi, sống ở Phúc Châu, Trung Quốc) đều xoa xoa bụng bầu 7 tháng của mình để xem mỗi ngày con có lớn lên hay không. Cách đây vài hôm, sau khi thức dậy vào buổi sáng, Lộ Khiết đột nhiên phát hiện bụng của mình có gì đó không ổn. Rõ ràng tối hôm qua bụng vẫn còn to tròn mà sáng nay ngủ dậy đã thấy nhỏ đi trông thấy. Không lẽ bụng lại tự xẹp?
Lộ Khiết phát hiện bụng mình sáng nay tự dưng lại nhỏ hơn tối qua nên cô liền bảo chồng chở đi khám (Ảnh minh họa)
Quá lo lắng nên Lộ Khiết liền bảo chồng chở vào bệnh viện khám xem sao. Tại đây, bác sĩ thông báo sức khỏe của mẹ và em bé đều bình thường. Nhưng mẹ bầu này vẫn khăng khăng yêu cầu bác sĩ kiểm tra lại. Bác sĩ đành giải thích rõ nguyên nhân. Hóa ra vào buổi tối trước khi đi ngủ, bụng của cô có nhiều hơi nên trông to hơn. Nhưng sau vài lần xì hơi trong đêm, bụng của Lộ Khiết sẽ hết hơi và trở lại như bình thường. Nghe vậy, mẹ bầu này đỏ bừng cả mặt vì xấu hổ.
Trên thực tế, có không ít mẹ bầu phát hiện ra được hiện tượng bụng mình buổi sáng nhỏ hơn so với buổi tối. Nhưng khá hiếm bà bầu lo lắng đến mức phải đi khám như Lộ Khiết. Theo bác sĩ, đây là một hiện tượng bình thường. Ngoài tình trạng bụng buổi tối chứa nhiều hơi nên phình to hơn ra thì còn có những nguyên nhân khác ảnh hưởng đến kích thước bụng của mẹ bầu.
Ngoài việc bụng chứa nhiều hơi thì tư thế nằm của thai nhi và lượng nước ối cũng quyết định kích thước bụng của mẹ bầu (Ảnh minh họa).
1. Tư thế nằm của thai nhi
Trong giai đoạn giữa và cuối thai kỳ, thai nhi sẽ hoạt động nhiều. Tùy vào vị trí nằm của em bé mà bụng của mẹ sẽ có lúc to lúc nhỏ. Ngay cả khi thai nhi đã quay đầu xuống dưới thì vẫn có thể xoay chuyển lưng của mình. Vì thế, sẽ có lúc bạn thấy bụng đột ngột phình to ra, có khi lại trông nhỏ hẳn. Song, nếu bụng nhỏ đi mà không đi kèm các triệu chứng khác như đau bụng, chảy máu thì các mẹ bầu cứ yên tâm và theo dõi con thêm.
2. Lượng nước ối
Ngoài chuyện kích thước thai nhi quyết định kích thước bụng bầu của mẹ ra thì lượng nước ối cũng tham gia quyết định vấn đề này. Nếu mẹ bầu chỉ ăn uống bình thường, lượng nước ối bình thường thì bụng bầu sẽ trông bình thường. Nhưng mẹ bầu nào đa ối – nghĩa là lượng nước ối nhiều – thì sẽ có bụng bầu phình to hơn.
3. Vị trí của các cơ quan khác
Khi thai nhi lớn lên, các cơ quan nội tạng, nhất là ruột sẽ phải di chuyển qua chỗ khác nhường chỗ cho em bé. Nếu ruột di chuyển ra phía sau tử cung sẽ làm cho bụng bầu trông có vẻ nhỏ. Trong khi đó, nếu ruột di chuyển sang 2 bên tử cung thì sẽ làm cho bụng bầu của mẹ trông to hơn rất nhiều.
4. Kích thước của em bé
Trọng lượng của em bé thường có tỷ lệ thuận với kích thước bụng bầu của mẹ. Nghĩa là thai nhi càng nặng cân thì bụng của mẹ bầu càng to, và ngược lại.