Dị tật bẩm sinh sứt môi - hở hàm ếch xảy ra ở giai đoạn nào của thai kỳ?

Ngày 25/11/2023 11:00 AM (GMT+7)

Dị tật khe hở môi - vòm miệng (hay còn gọi là sứt môi - hở hàm ếch) là một dị tật bẩm sinh vùng mặt làm biến dạng khuôn mặt của trẻ và làm rối loạn trầm trọng các chức năng cơ bản cũng như tâm lý của trẻ và gia đình. Vậy cách can thiệp điều trị như thế nào?

1. Thế nào là dị tật sứt môi - hở hàm ếch?

Theo Trung tâm Quốc gia về Dị tật bẩm sinh và Khuyết tật phát triển, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, dị tật bẩm sinh là những thay đổi về cấu trúc xuất hiện khi sinh và có thể ảnh hưởng đến hầu hết mọi bộ phận hoặc một bộ phận của cơ thể trẻ.

Dị tật bẩm sinh có thể được phát hiện trước khi sinh, khi sinh hoặc bất kỳ thời điểm nào sau khi sinh. Hầu hết các dị tật bẩm sinh được phát hiện trong năm đầu đời. Một số dị tật bẩm sinh (như sứt môi - hở hàm ếch) rất dễ nhìn thấy, nhưng những dị tật khác (như dị tật tim hoặc mất thính giác) chỉ được phát hiện bằng các xét nghiệm đặc biệt như siêu âm tim, chụp X-quang hoặc kiểm tra thính giác.

Sứt môi và hở hàm ếch là những dị tật bẩm sinh xảy ra khi môi hoặc miệng của em bé không hình thành đúng cách trong thai kỳ. Trẻ bị sứt môi có hoặc không có hở hàm ếch hoặc chỉ hở hàm ếch thường gặp khó khăn khi bú, khi ăn, khó thở, nói rõ ràng và có thể bị nhiễm trùng tai. Các bé cũng có thể gặp vấn đề về mắt, thính giác và răng…

Hình ảnh mô tả trẻ bị dị tật bẩm sinh sứt môi - hở hàm ếch.

Hình ảnh mô tả trẻ bị dị tật bẩm sinh sứt môi - hở hàm ếch.

2. Sứt môi - hở hàm ếch xảy ra khi nào?

Dị tật bẩm sinh có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ. Hầu hết các dị tật bẩm sinh xảy ra trong 3 tháng đầu của thai kỳ, khi các cơ quan của em bé đang hình thành. Đây là một giai đoạn phát triển rất quan trọng. Tuy nhiên, một số dị tật bẩm sinh xảy ra muộn hơn trong thai kỳ. Trong sáu tháng cuối của thai kỳ, các mô và cơ quan tiếp tục tăng trưởng và phát triển.

Môi hình thành từ tuần thứ tư đến tuần thứ bảy của thai kỳ. Khi em bé phát triển trong thai kỳ, mô cơ thể và các tế bào đặc biệt từ mỗi bên đầu sẽ phát triển về phía giữa khuôn mặt và kết hợp với nhau để tạo thành khuôn mặt. Sự kết hợp của các mô này tạo thành các đặc điểm trên khuôn mặt như môi và miệng.

Sứt môi xảy ra nếu mô tạo nên môi không khớp hoàn toàn trước khi sinh. Điều này dẫn đến một lỗ hở ở môi trên. Lỗ ở môi có thể là một khe nhỏ hoặc cũng có thể là một lỗ lớn xuyên qua môi vào mũi. Sứt môi có thể ở một hoặc cả hai bên môi hoặc ở giữa môi.

Đối với vòm miệng, vòm miệng được hình thành từ tuần thứ sáu đến tuần thứ chín của thai kỳ. Hở hàm ếch xảy ra nếu các mô tạo nên vòm miệng không liên kết hoàn toàn với nhau trong thời kỳ mang thai. Đối với một số bé, cả phần trước và phần sau của vòm miệng đều mở. Đối với những em bé khác, chỉ một phần vòm miệng được mở.

3. Làm gì khi trẻ bị dị tật bẩm sinh sứt môi - hở hàm ếch?

Theo các chuyên gia về lĩnh vực phẫu thuật dị tật khe hở môi - vòm miệng, những ảnh hưởng của dị tật bẩm sinh sứt môi - hở hàm ếch rất nghiêm trọng. Nó không chỉ làm biến dạng khuôn mặt của trẻ và còn gây rối loạn trầm trọng về các chức năng cơ bản như: hô hấp, nhai cắn, phát âm, các bệnh lý về tai mũi họng...

Một em bé bị sứt môi hở vòm, mũi và miệng thông thương nhau, không có vòm họng ngăn cách cho nên tất cả vi khuẩn trong miệng đều dễ dàng lên mũi, xuống phổi khiến trẻ thường xuyên mắc bệnh đường hô hấp, viêm phế quản, viêm phổi, viêm tai giữa, em bé có thể không nghe được, không nói được...

Đặc biệt vấn đề này sẽ gây ảnh hưởng tâm lý cực kỳ nghiêm trọng cho bản thân đứa trẻ cũng như gia đình trong suốt cuộc đời nếu không được can thiệp sớm và điều trị toàn diện.

Do đó trong trường hợp trẻ bị dị tật sứt môi - hở hàm ếch, cha mẹ cần phải cố gắng thực hiện các phương pháp điều trị sớm cho trẻ. Các can thiệp điều trị sớm không chỉ giúp tái tạo lại cấu trúc khuôn mặt, đảm bảo chức năng cơ bản mà còn giúp trấn an tinh thần cho cả trẻ và cả cha mẹ và người thân.

Một ca phẫu thuật cho trẻ bị dị tật khe hở môi - vòm miệng . Ảnh: Lê Phương

Một ca phẫu thuật cho trẻ bị dị tật khe hở môi - vòm miệng . Ảnh: Lê Phương

Theo BSCKII. Lê Trung Nghĩa, chuyên gia điều trị khe hở môi - vòm miệng toàn diện của Tổ chức Phẫu thuật Nụ cười (Operation Smile Việt Nam), những khiếm khuyết khe hở môi - vòm miệng ở trẻ đòi hỏi cần có sự tham gia điều trị của nhiều chuyên khoa khác nhau như: phẫu thuật, chỉnh nha, tai mũi họng, phát âm, tâm lý học…

Khi trẻ được can thiệp điều trị toàn diện sẽ làm giảm đi số lần phẫu thuật, có nghĩa là làm sự đau đớn cho trẻ, tăng hiệu quả điều trị và giảm chi phí điều trị. Đồng thời nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhi về mặt chức năng cũng như thẩm mỹ, giúp trẻ tự tin hòa nhập cộng đồng.

Dấu hiệu cảnh báo mẹ bầu có nguy cơ sinh con dị tật
12 việc dưới đây có nhiều mẹ bầu hay làm sẽ tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh ở thai nhi mà không hề hay biết.

Cẩm nang mang bầu

Theo Hà Anh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bà bầu cần biết