Tuy là triệu chứng thường gặp ở các bà bầu nhưng nếu không khắc phục sớm có thể gây ảnh hưởng sức khỏe của mẹ khi mang thai và quá trình phát triển của thai nhi.
Nguyên nhân nhiều mẹ bầu bị táo bón
Khi mang thai, nhiều mẹ bầu sẽ phải đối mặt với tình trạng táo bón. Tuy nhiên, theo bác sĩ Đinh Huy Hoàng, khoa Sản 2, Bệnh viện Thanh Nhàn, nhiều chị em có thể thiếu hiểu biết về căn bệnh này khi mang thai nên có thể dẫn tới việc điều trị sai cách. Điều này làm tình trạng táo bón thêm trầm trọng.
Thực tế, có một số nguyên nhân gây táo bón ở bà bầu:
- Sự gia tăng hormone progesterone khi mang thai gây ra sự giãn cơ, bao gồm cả ruột, việc làm giảm nhu động ruột sẽ gây táo bón.
- Tử cung phát triển, chèn ép một số dây thần kinh, tĩnh mạch vùng chậu tĩnh mạch dưới. Mặt khác, thai nhi cũng càng ngày càng lớn chiếm chỗ trong ổ bụng, chèn ép thu hẹp không gian đường tiêu hóa, làm thức ăn di chuyển chậm hơn.
Mang thai, nhiều mẹ bầu phải đối mặt với tình trạng táo bón. (Ảnh minh họa)
- Thai phụ bị mất nước do nôn nghén trong ba tháng đầu, gây chứng táo bón.
- Bà bầu rất dễ lười vận động, đặc biệt là khi gần vào cuối thai kỳ vì bụng đã nặng và chân sưng đau. Điều này dẫn đến táo bón khi mang thai.
- Rất nhiều bà bầu cần bổ sung canxi và sắt cho sự phát triển xương của thai nhi. Tuy nhiên, việc nạp quá nhiều 2 yếu tố vi lượng này này cũng sẽ gây táo bón.
- Thai phụ đã hoặc đang lạm dụng thuốc nhuận tràng liều lượng cao.
- Bệnh tiểu đường thai kỳ hoặc nhược giáp cũng là nguyên nhân dẫn đến táo bón ở bà bầu.
- Thói quen nhịn đi vệ sinh cũng gây rối loạn tiêu hóa, táo bón. Ngoài ra việc ăn uống quá nhiều, cơ thể không hấp thụ và tiêu hóa kịp cũng dẫn đến táo bón.
Cách chữa trị và phòng bệnh táo bón tại nhà cho mẹ bầu
Nếu bị táo bón cần trong thai kỳ, bà bầu có thể và áp dụng một vài cách chữa trị tạm thời tại nhà và phòng bệnh an toàn sau:
- Uống nhiều nước hơn. Mỗi ngày uống đủ lượng 2,5 - 3 lít để dễ đi ngoài hơn.
- Bổ sung probiotic và prebiotic để tăng sức đề kháng với vi khuẩn đường ruột, hỗ trợ quá trình lên men tại ruột già.
- Ngưng sử dụng thuốc, đồ ăn nhuận tràng, dầu khoáng.
- Ăn nhiều trái cây, rau xanh.
- Thay đổi tư thế ngồi khi đi ngoài: Nghiêng người về phía trước và chống khuỷu tay trên đầu gối.
- Sử dụng dung dịch thụt tháo, nhét hậu môn hay dầu bôi trơn theo chỉ định của bác sĩ.
- Vận động nhẹ nhàng như đi bơi, đi bộ, yoga trong thời gian có thai.
Đừng ngại đến gặp bác sĩ sản khoa để thăm khám và nhận được những lời khuyên, cách chữa trị đúng cách nhất. (Ảnh minh họa)
- Tập cho mình thói quen đi vệ sinh đúng giờ để không bị rối loạn tiêu hóa, gây táo bón.
- Giảm căng thẳng, bởi tâm trạng căng thẳng có thể khiến bệnh thêm trầm trọng.
- Ngoài ra, các bác sĩ cũng khuyên bà bầu nên tránh một số loại thực phẩm có hàm lượng canxi cao như phô mai, ngũ cốc, nước ép... và thực phẩm có hạt trong thời gian bị táo bón.
Áp dụng những biện pháp trên sẽ giúp các mẹ bầu nhanh chóng vượt qua căn bệnh khó chịu và ám ảnh này. Rất ít người quan tâm hoặc cảm thấy ngại nói ra khi mắc bệnh này trong thai kỳ nhưng nếu tình trạng không cải thiện, đừng ngại đến gặp bác sĩ sản khoa để thăm khám, nhận được những lời khuyên, cách chữa trị đúng cách nhằm đảm bảo một thai kỳ khoẻ mạnh nhất.