Quỳnh Bích - Thanh Diệu tất bật với công việc riêng của chính mình, Đăk Lăk mùa xuân này chưa bao giờ đẹp đến thế. Hai người mẹ thừa nhận viên mãn hạnh phúc vì thiên thần nhỏ đã “hạ cánh” nơi này.
Bé trai được ra đời từ phương pháp thụ tinh ống nghiệm (IVF) hiện đã 5 tháng tuổi, xinh xắn, kháu khỉnh, ai cũng muốn cưng nựng.
Hồi tưởng lại những ngày tháng đã qua Bích và Diệu mỉm cười mãn nguyện vì họ đã đấu tranh để được sống thật với chính mình, dám xây một gia đình không giống số đông, nhưng hạnh phúc thì chân thực tuyệt đối.
“Con muốn làm mẹ, nhưng không thể lấy chồng”
Gia đình nhỏ ấm áp của Quỳnh Bích, Thanh Diệu. Ảnh: NVCC
Thanh Diệu tâm sự cô từng trầm cảm vì 10 năm gia đình không chấp nhận giới tính thật của mình. Khi Diệu lấy hết dũng cảm nhắn tin cho ba mẹ: “Con thích con gái”, mẹ cô chỉ nhắn ba chữ 'Đừng đua đòi', còn ba thì chối bỏ, sau đó cắt liên lạc. Suốt thời gian đó, Diệu nhiều đêm thức trắng, vì cứ chợp mắt là mơ bị mắng chửi, chì chiết “bê đê”, “thần kinh”, “tội đồ”...
Thương ba mẹ, Diệu “yêu thử” song không thể gần gũi, thậm chí thấy sợ hãi khi yêu đàn ông. Đỉnh điểm, bị gia đình giục “lấy chồng”, Diệu trầm cảm nặng, nhiều lần nghĩ đến cái chết. Những vết sẹo trên cổ tay là kết quả sau những cơn khủng hoảng tâm thần.
Khi cuộc chiến với bệnh trầm cảm ngày càng dai dẳng, Diệu gặp Quỳnh Bích - người sau này trở thành bạn đời, là chỗ dựa để lắng nghe và giúp Diệu vượt qua những bất ổn tâm lý. Càng trưởng thành, cô càng tự nhắc bản thân phải sống mạnh mẽ, tự chủ kinh tế. Cuối năm 2023, cô thẳng thắn nói với cha mẹ “con muốn làm mẹ, nhưng không thể lấy chồng”.
Khác với Thanh Diệu, Quỳnh Bích mạnh mẽ hơn, là nữ võ sĩ trẻ môn Kickboxing và võ cổ truyền Việt Nam, từng nhận nhiều giải thưởng trong và ngoài nước. “Come out” nhiều năm trước, Bích may mắn có gia đình tôn trọng và đồng hành. Cô chọn cách suy nghĩ sống vì chính mình, không quá quan tâm đến dư luận.
Năm 2020, Bích và Diệu gặp gỡ và có tình cảm với nhau. Từ khi có Bích, Diệu tìm thấy niềm vui, động lực sống, cười nhiều hơn. Cả hai đã phải trải qua rất nhiều khó khăn với hành trình chông gai để đến bên nhau.
Năm 2023, họ đi đến một quyết định táo bạo nhưng cực kỳ chín chắn: xây dựng gia đình và thực hiện thụ tinh ống nghiệm, hiện thực hóa giấc mơ đời mình.
Phương pháp thụ tinh ống nghiệm đã giúp cặp đôi hiện thực hóa giấc mơ làm mẹ. Ảnh: NVCC
ThS.BS.CKI Phạm Thị Bảo Yến (Trung tâm hỗ trợ sinh sản, BVĐK Tâm Anh TP.HCM) cho biết, để sinh con nhờ thụ tinh ống nghiệm cần tinh trùng của người nam, trứng của người nữ và tử cung để mang thai. Với trường hợp đặc biệt như cặp đôi Bích và Diệu người định mang thai có thể xin mẫu tinh trùng từ ngân hàng, thụ tinh ống nghiệm và mang thai với tư cách mẹ đơn thân. Diệu chủ động vai trò thiên chức làm mẹ để Bích an tâm lo cho sự nghiệp. Họ nhờ bạn thân hoán đổi tinh trùng để lấy mẫu từ ngân hàng dự trữ.
Sau 4 tháng, người bạn được thực hiện kiểm tra đạt đủ điều kiện hoán đổi tinh trùng. Sức khỏe tổng thể (trên 20 tuổi, không mắc các bệnh di truyền, tâm thần, viêm gan siêu vi B/C, lậu, giang mai, HIV…), xét nghiệm tinh dịch (tinh dịch đồ tiêu chuẩn thể tích tinh dịch 2-5 ml/lần xuất tinh, mật độ từ 15 triệu tinh trùng/ml trở lên, tỷ lệ di động trên 40%).
Sau khi tham vấn tâm lý với chuyên viên để loại trừ nguy cơ mắc các bệnh lý di truyền hoặc tâm thần cho trẻ sinh ra sau này, người đủ điều kiện lấy tinh dịch tráo mẫu. Khi đảm bảo chất lượng, số lượng tinh binh đủ tiêu chuẩn “nhập kho", Diệu được bệnh viện đổi mẫu tinh trùng ẩn danh để làm IVF.
Với thể trạng gầy yếu, có u tuyến giáp, Diệu được bác sĩ thăm khám kỹ lưỡng, yêu cầu tăng cân đảm bảo sức khỏe khi mang thai. Thời gian này, gia đình Diệu tiếp tục phản ứng. Nhưng thay vì trách móc, cô cho bản thân và gia đình thời gian để đón nhận con người thật của mình.
Hiện thực hóa giấc mơ tưởng hoang đường
Đầu năm 2023, Diệu một mình từ Đăk Lăk đến TP HCM tiêm thuốc nội tiết kích thích buồng trứng. Do tuổi còn trẻ nên bác sĩ chọc hút được 17 trứng và tạo phôi thuận lợi. Khi chuẩn bị niêm mạc tốt, chuyển một phôi chất lượng, kết quả đã thành công ngay lần chuyển phôi đầu tiên.
“Lúc que thử thai hiện hai vạch, mình khóc òa vì hạnh phúc. Điều mình mong ước có người thương, có con, vốn trước đây là không tưởng giờ đã sắp thành hiện thực rồi”, Diệu xúc động nói.
Cuối tháng 10/2023, Bích đứng ngồi không yên khi Diệu trong phòng sinh. Cô thương Diệu có hành trình mang thai vất vả do thể trạng yếu, dọa sinh non 2 lần. Lúc con trai được đặt lên ngực mẹ, da kề da, Bích chảy nước mắt: “Nghe tiếng con khóc, mình hạnh phúc và biết ơn Diệu đã mang đến cho chúng mình một tổ ấm thực sự".
Cậu bé nặng 2,6kg khỏe mạnh là giấc mơ mà cả hai đã phải đấu tranh kiên trường mới có được. Bích và Diệu tâm sự cả hai cũng cảm ơn sự kỳ diệu của y học, sự tận tâm của y bác sĩ đã giúp họ biến giấc mơ tưởng không thể thành có thể.
Dù rất nhiều người ủng hộ và chúc phúc cho cặp đôi nhưng những bình luận tiêu cực cũng luôn xuất hiện, họ chọn cách im lặng. Lần này cả hai hiểu hạnh phúc là của chính mình, chỉ có họ mới biết mình đang có gì, đã vất vả như thế nào để biến giấc mơ thành hiện thực.
Trước đây lúc yêu nhau, gia đình đình cấm cản, dù chưa lúc nào có ý định buông tay nhau, nhưng họ luôn thấy còn một “nút rối” trong mối quan hệ chưa được gỡ. Nhưng từ ngày có cháu, bố mẹ Diệu đã chính thức chấp nhận mối quan hệ này. Cậu bé như sợi dây kết nối kỳ diệu, làm động lòng bố mẹ Diệu, để ông bà chấp nhận sự lựa chọn của con gái và yêu thương Bích như con trong nhà.
“Giới tính là điều không thể thay thay đổi, đồng hành là cách không phá đi hạnh phúc mà con mình xứng đáng được hưởng”, mẹ Diệu nói.
Từ khi có con, Bích và Diệu cùng nhau chăm sóc, yêu thương và hạnh phúc nhìn con lớn lên mỗi ngày, được cha mẹ đôi bên ủng hộ họ thấy trọn vẹn hơn.
Hàng ngày, họ vẫn tất bật với công việc của mình, Diệu niềm nở tiếp khách, Bích thay tã cho con rất khéo. Con cứng cáp hơn chút nữa Bích sẽ quay lại với giải quốc gia, an tâm chinh phục những giải thưởng mới vì đã có hậu phương vững chắc ở đó. Bích muốn con trai sau này sẽ tự hào về hai người mẹ.
Có con, có bạn đời thấu hiểu là giấc mơ của nhiều cặp đôi LGBT. Ảnh: NVCC
Họ đồng lòng dựng xây tổ ấm đặc biệt này. Dù không giống như khuôn mẫu nhiều gia đình nhưng sẽ luôn đầy ắp ấm áp, yêu thương và là nơi chốn bình an cho con trai phát triển, trưởng thành, tự tin.
Bác sĩ tâm thần Ths.BS Phạm Văn Dương chia sẻ: “Cặp đôi LGBT có nhu cầu như bất kỳ ai khác được quan tâm và yêu thương; được làm cha, làm mẹ. Chính vì vậy, gia đình xã hội cần có cái nhìn cởi mở, tránh lời nói, hành động gây đau khổ không đáng có cho chính người thân yêu, bạn bè và những người xung quanh khi họ thuộc về giới tính thứ ba”.
Một cái kết có hậu không phải bỗng dưng mà tới, nhiều khi phải đánh đổi bằng nước mắt, sự kiên trì và lòng quyết tâm như thế. Đường thẳng cứ đi, kiên nhẫn với ước mơ, đích đến đang chờ!
Taraneh Nazem, bác sĩ nội tiết sinh sản và chuyên gia vô sinh tại New York (Mỹ) cho biết: "Cần rất nhiều chu kỳ và thời gian, sự quyết tâm về mặt tinh thần, sự bền bỉ và sức mạnh để có được một kết quả thành công trên hành trình có con của những cặp đôi đồng giới".
Trò chuyện với chuyên gia tâm lý về lĩnh vực sinh sản có thể là một trong những cách hợp lý mà các đôi đồng tính nên làm trước khi bắt đầu hành trình có con.