Quy trình thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, vợ chồng hiếm muộn phải xác định mất bao lâu thời gian?

Thảo Nguyên - Ngày 13/06/2023 09:13 AM (GMT+7)

Đây là thắc mắc và câu hỏi của rất nhiều vợ chồng hiếm muộn thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

Hiện nay, thụ tinh trong ống nghiệm - IVF là một phương pháp hỗ trợ sinh sản được nhiều vợ chồng hiếm muộn và vô sinh sử dụng. Thực chất, IVF là phương pháp hỗ trợ sinh sản mà tinh trùng và trứng được kết hợp với nhau trong ống nghiệm thay vì trong tử cung của người phụ nữ.

Nếu hiện tượng thụ tinh xảy ra sẽ tạo thành phôi, sau đó phôi được chuyển vào buồng tử cung. Phôi làm tổ và phát triển thành thai nhi như trong thụ thai tự nhiên.

Theo các bác sĩ chuyên khoa bệnh viện Bưu Điện, phương pháp IVF thường được chỉ định tiến hành cho những trường hợp bơm tinh trùng nhiều lần thất bại hoặc tinh trùng ít, yếu, dị dạng không thể thực hiện bơm tinh trùng vào tử cung; người vợ bị tắc vòi trứng hoặc lớn tuổi (≥ 40 tuổi).

Quy trình thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, vợ chồng hiếm muộn phải xác định mất bao lâu thời gian? - 1

Thông thường, một ca thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) sẽ mất khoảng thời gian tối thiểu là 1 tháng. Thời gian tối thiểu này được xác định như sau:

Thứ nhất, người vợ sẽ kiểm tra tổng quát về sức khỏe, thăm khám sàng lọc, siêu âm để chuẩn bị điều trị vào ngày thứ 2 hoặc 3 của chu kỳ kinh.

Thứ 2, nếu không có các bệnh lý cần điều trị bệnh nhân nữ được tiêm thuốc kích thích buồng trứng trong vòng 10-12 ngày.

Thứ 3, khi trứng đạt yêu cầu, việc chọc hút trứng được tiến hành. Mất khoảng 34-36 giờ kể từ mũi tiêm kích rụng để tiến hành thủ thuật chọc trứng. Sau khi chọc hút trứng, người vợ nằm theo dõi tình trạng sức khỏe tại bệnh viện 2-3 giờ. Cùng lúc, người chồng lấy tinh trùng để chuẩn bị cấy phôi.

Thứ 4, trứng và tinh trùng sẽ được thụ tinh và tạo phôi. Phôi cấy xong sẽ được theo dõi trong phòng Lab. Phôi được nuôi cấy trong thời gian 3 đến 5 ngày, tùy theo phác đồ điều trị phù hợp với từng cặp đôi trước khi được chuyển vào tử cung của người phụ nữ.

Thứ 5, dưới sự đồng ý của cả 2 vợ chồng, bệnh viện sẽ trữ đông những phôi đạt chất lượng còn dư để sử dụng cho lần chuyển phôi sau (người vợ không phải trải qua giai đọa kích thích buồng trứng nữa). Khi chuyển phôi xong, người vợ nằm nghỉ khoảng 2- 4h tại bệnh viện. Khi về nhà đi lại bình thường.

Thứ 6, trong trường hợp người vợ không đủ điều kiện sức khỏe để được chuyển phôi tươi, toàn bộ số phôi đạt chất lượng sẽ được trữ đông và người vợ sẽ được chuyển phôi trữ vào chu kỳ tiếp theo.

Thứ 7, tại nhà bệnh nhân sẽ tiếp tục uống và đặt thuốc để hỗ trợ sự làm tổ, phát triển của phôi thai.

Thứ 8, khoảng 14 ngày sau chuyển phôi bệnh nhân được yêu cầu xét nghiệm beta-hCG nhằm xác định tình trạng mang thai.

Kể từ thời điểm bắt đầu tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm đến khi biết kết quả có thai tối thiểu là khoảng một tháng. (Ảnh minh họa)

Kể từ thời điểm bắt đầu tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm đến khi biết kết quả có thai tối thiểu là khoảng một tháng. (Ảnh minh họa)

Như vậy, kể từ thời điểm bắt đầu tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm đến khi biết kết quả có thai tối thiểu là khoảng một tháng. Song thực tế, không phải bệnh nhân cũng có thể thành công ngay từ chu kỳ đầu tiên và lần chuyển phôi tươi đầu tiên.

Thông thường, mỗi trường hợp sẽ có những yếu tố tác động khác nhau như: Quá trình kích trứng chưa thể mang lại hiệu quả ngay trong lần đầu tiên, hay số phôi thu được không cho kết quả mong muốn, tình trạng niêm mạc tử cung của người mẹ chưa sẵn sàng tiếp nhận phôi tươi nên phải chuyển phôi trữ đông, hoặc khi chuyển phôi trữ thì mất nhiều lần mới thành công…

Bên cạnh đó, tình trạng bệnh lý của bệnh nhân cũng ảnh hưởng lớn đến thời gian điều trị hiếm muộn nói chung và quá trình thụ tinh trong ống nghiệm nói riêng. Những bệnh nhân nữ gặp khó khăn trong việc thụ thai tự nhiên do các bệnh lý như buồng trứng đa nang, lạc nội mạc tử cung, suy buồng trứng sớm,… bệnh nhân cần thêm thời gian điều trị trước khi tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm.

Bác sĩ Nhã, Bệnh viện Bưu Điện đang tư vấn và thăm khám cho bệnh nhân hiếm muộn. (Ảnh: BVBĐ)

Bác sĩ Nhã, Bệnh viện Bưu Điện đang tư vấn và thăm khám cho bệnh nhân hiếm muộn. (Ảnh: BVBĐ)

Tương tự, thời gian của quy trình điều trị cũng dài hơn nếu bệnh nhân nam được chỉ định vi phẫu lấy tinh trùng từ mào tinh do không có tinh trùng trong tinh dịch…

Do đó có thể nói, thời gian thụ tinh trong ống nghiệm dài ngắn khác nhau đối với từng vợ chồng hiếm muộn.

Quy trình thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, vợ chồng hiếm muộn phải xác định mất bao lâu thời gian? - 4

Bác sĩ hiếm muộn tiết lộ chi phí làm thụ tinh ống nghiệm, có thực sự tốn kém như lời đồn?
Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) hết bao tiền? Đây luôn là câu hỏi thường trực của tất cả các cặp vợ chồng hiếm muộn đang mong có con trước khi bắt đầu...

Hỏi đáp với chuyên gia

Theo Thảo Nguyên
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Hỏi đáp với chuyên gia