Dù không gây hại cho sức khỏe nhưng làn da vốn mịn màng lại xuất hiện những vết rạn xấu xí khiến nhiều bà mẹ sau sinh phiền lòng. Vậy có cách nào để làm mờ các vết rạn da sau sinh?
1. Tại sao vết rạn da xuất hiện sau sinh?
Các bà mẹ sau sinh thường phàn nàn: Có người khi mang thai không bôi bất cứ thứ gì mà không hề có một vết rạn da nào. Còn nhiều người bôi kem dưỡng, dầu massage đúng giờ mỗi ngày nhưng bụng vẫn bị rạn. Tại sao một số người bị rạn da sau sinh trong khi những người khác thì không?
Việc hình thành các vết rạn da chủ yếu là do ảnh hưởng của hormone thai kỳ, kết hợp với tình trạng bụng phình to, các sợi đàn hồi và sợi collagen của da bị tổn thương hoặc đứt gãy ở các mức độ khác nhau, khiến da trở nên mỏng hơn, kém săn chắc hơn. Vết rạn da thường gặp nhất ở vùng bụng, ngực, mông, hai bên đùi. Các bộ phận khác trên cơ thể cũng có thể bị rạn da.
Những vết rạn xấu xí khiến nhiều bà mẹ phiền lòng.
Rạn da sau sinh có liên quan đến thể chất cá nhân. Nói chung, phụ nữ mang thai lâu ngày thiếu vận động, cơ vùng eo và bụng yếu, da kém đàn hồi sẽ dễ bị rạn da. Ngoài ra, khả năng phục hồi da của mỗi người là khác nhau.
2. Vết rạn da có thể loại bỏ được không?
Khi vết rạn đã xuất hiện thì gần như không thể loại bỏ chúng hoàn toàn. Bác sĩ da liễu hoặc bác sĩ thẩm mỹ sẽ sử dụng các phương pháp để làm mờ vết rạn. Ví dụ, chiếu xạ xung ánh sáng hoặc laser, phẫu thuật mài mòn da vi điểm bằng laser, lột da bằng acid trái cây và các phương pháp khác có thể giúp giảm vết rạn da. Cần lưu ý rằng việc loại bỏ vết rạn da rất tốn kém và không phải lúc nào cũng hiệu quả.
Sử dụng các sản phẩm xóa rạn da như kem, gel, thuốc bôi, tập thể dục và giảm cân sau sinh cũng có thể được sử dụng như một phương pháp phụ trợ để điều trị rạn da.
3. Cách chọn sản phẩm giảm rạn da
Trên thị trường có rất nhiều sản phẩm chăm sóc da được quảng cáo là có khả năng loại bỏ vết rạn da nên người tiêu dùng phải hết sức chú ý khi lựa chọn. Một sản phẩm điều trị rạn da có hiệu quả hay không phụ thuộc vào thành phần của sản phẩm và da có thể hấp thụ các thành phần của sản phẩm hay không.
Các thành phần có tác dụng tốt với rạn da bao gồm acid hyaluronic, acid folic, chiết xuất centella asiatica, acid lactobionic, squalane, glycerin, butylene glycol, panthenol, các loại lipid, các chiết xuất thực vật... Đặc biệt thành phần acid amin là thành phần cơ bản của protein, có các phân tử nhỏ và dễ dàng hấp thụ, có đặc tính dưỡng ẩm mạnh mẽ, duy trì độ đàn hồi của da và cải thiện khả năng thẩm thấu.
Chiết xuất dầu hạnh nhân đắng, dầu ô liu, cám yến mạch và các thành phần khác cũng đã được chứng minh là có tác dụng phục hồi nhất định. Về mặt lý thuyết, những thành phần này rất khó hấp thụ. Sự vỡ rạn da xảy ra ở lớp hạ bì và hầu hết tác dụng của các sản phẩm chăm sóc da chỉ có thể tồn tại ở lớp biểu bì. Mặc dù một lượng nhỏ hoạt chất có thể thâm nhập vào lớp sừng nhưng đối với phụ nữ mang thai và bà mẹ đang cho con bú, hoạt chất lại có vấn đề về độ an toàn.
Các sản phẩm xóa rạn da như kem, gel, thuốc bôi có thể được sử dụng như một phương pháp phụ trợ để điều trị rạn da.
4. Cách ngăn ngừa rạn da
Mặc dù khó có thể loại bỏ hoàn toàn vết rạn da nhưng việc phòng ngừa đúng cách sẽ làm giảm mức độ nghiêm trọng của vết rạn da sau sinh.
Dưới đây là một số gợi ý dành cho mẹ bầu:
- Ăn uống hợp lý: Bổ sung đủ lượng vitamin, ăn nhiều trái cây và rau quả, tránh xa đồ ngọt và đồ chiên rán.
- Tập thể dục vừa phải giúp duy trì cân nặng khỏe mạnh và phục hồi độ đàn hồi của da. Bạn có thể thực hiện một số bài tập phù hợp như đi bộ, bơi lội...
- Tránh tăng cân quá mức và nhanh chóng.
- Chăm sóc tốt làn da khi mang thai (sử dụng kem dưỡng ẩm phù hợp có thể làm giảm các triệu chứng ngứa khi da căng ra và giúp giảm sự xuất hiện của các vết rạn da), chú ý giữ nước cho cơ thể (uống đủ nước mỗi ngày để tăng độ đàn hồi cho da...
Mời xem thêm video được quan tâm:
Những vấn đề về da có thể gặp phải khi mang thai