Sức khỏe của trẻ luôn là một trong những mối quan tâm lớn nhất của các bậc phụ huynh. Việc đảm bảo sức khỏe cho trẻ không chỉ đơn giản là chăm sóc khi trẻ ốm đau, mà còn là quá trình tăng cường sức đề kháng, xây dựng hệ miễn dịch vững mạnh ngay từ khi trẻ còn nhỏ.
Trong hành trình nuôi dạy con, sức khỏe con trẻ luôn là ưu tiên hàng đầu của các ông bố bà mẹ. Ai cũng mong muốn con mình khỏe mạnh, phát triển toàn diện và ít bị ốm vặt. Tuy nhiên, đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, hệ miễn dịch của các bé chưa được phát triển hoàn thiện, rất dễ bị tổn thương bởi những tác nhân gây bệnh từ môi trường bên ngoài như: vi khuẩn, virus hay các yếu tố ô nhiễm khác.
Bảo vệ sức khỏe cho con luôn là ưu tiên hàng đầu của bố mẹ. (Ảnh minh họa).
Do đó, việc xây dựng hệ miễn dịch vững chắc cho trẻ ngay từ nhỏ là vô cùng quan trọng vì nó không chỉ giúp trẻ giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng mà còn tạo nền tảng sức khỏe vững chắc về lâu dài. Trẻ có hệ miễn dịch tốt sẽ ít bị ốm vặt, hấp thu dinh dưỡng tốt hơn, từ đó phát triển thể chất và trí tuệ toàn diện.
Quan trọng hơn, việc tăng cường hệ miễn dịch từ nhỏ còn giúp cơ thể trẻ hình thành khả năng tự bảo vệ, giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính khi trưởng thành. Dưới đây là một số thói quen tốt mà các bật phụ huynh có thể áp dụng để xây dựng hệ miễn dịch khỏe mạnh cho con.
Nuôi con bằng sữa mẹ
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, giúp củng cố hệ miễn dịch ngay từ những ngày đầu đời. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo mẹ nên cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời và tiếp tục kết hợp với ăn dặm đến ít nhất 2 tuổi.
Trong sữa mẹ có chứa kháng thể, đặc biệt là IgA, giúp bảo vệ niêm mạc đường ruột và đường hô hấp, ngăn ngừa sự xâm nhập của vi khuẩn, virus. Ngoài ra, các yếu tố miễn dịch khác như: lactoferrin, lysozyme, oligosaccharides giúp tăng cường sức đề kháng tự nhiên, hỗ trợ hệ vi sinh đường ruột phát triển khỏe mạnh.
Tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch
Tiêm chủng là cách hiệu quả nhất để bảo vệ trẻ khỏi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Khi trẻ được tiêm vắc-xin, cơ thể sẽ tạo ra kháng thể giúp chống lại bệnh tật, giảm nguy cơ mắc bệnh và hạn chế các biến chứng nặng nếu nhiễm bệnh.
Bố mẹ cần đảm bảo con được tiêm đủ các mũi vắc-xin quan trọng theo chương trình tiêm chủng quốc gia, bao gồm: vắc-xin phòng lao, viêm gan B, bạch hầu - ho gà - uốn ván, bại liệt, sởi, rubella, thủy đậu, viêm phổi do phế cầu, cúm, viêm não Nhật Bản,... Ngoài ra, các vắc-xin khuyến nghị như: vắc-xin rota phòng tiêu chảy, vắc-xin HPV phòng ung thư cổ tử cung cho bé gái lớn cũng rất quan trọng.
Vắc-xin tạo nên tường rào miễn dịch vững chắc bảo vệ trẻ khỏi các tác nhân gây bệnh. (Ảnh minh họa).
Việc tiêm chủng đầy đủ không chỉ bảo vệ con mà còn góp phần tạo miễn dịch cộng đồng, giúp ngăn ngừa sự lây lan của các dịch bệnh nguy hiểm. Nếu trẻ bị hoãn tiêm vì lý do sức khỏe, bố mẹ cần đưa con đi tiêm bù ngay khi có thể để đảm bảo sự bảo vệ tốt nhất.
Ăn đủ chất
Trẻ cần được cung cấp đủ bốn nhóm chất dinh dưỡng chính: chất đạm (protein), chất béo, tinh bột (carbohydrate), vitamin và khoáng chất. Mỗi nhóm thực phẩm bổ sung các chất dinh dưỡng thiết yếu giúp cung cấp năng lượng cho hệ thống miễn dịch, mang lại cho hệ thống sức mạnh cần thiết để hoạt động tối ưu.
Ví dụ, trái cây, rau quả giàu vitamin và khoáng chất như vitamin C, có thể giúp tăng sản xuất tế bào bạch cầu, cải thiện khả năng miễn dịch tổng thể. Ngũ cốc nguyên hạt cung cấp chất xơ, hỗ trợ đường ruột khỏe mạnh. Protein chẳng hạn như: thịt gà, cá hay đậu, cung cấp các axit amin cần thiết để xây dựng các tế bào miễn dịch.
Trong khi đó, chất béo lành mạnh có trong các loại hạt, hạt giống và quả bơ chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp giảm viêm. Trẻ cũng cần tinh bột từ gạo, khoai, ngũ cốc nguyên cám để cung cấp năng lượng cho các hoạt động của cơ thể. Việc đa dạng thực phẩm và đảm bảo đủ dưỡng chất sẽ giúp cơ thể trẻ có đủ nguyên liệu để xây dựng một hệ miễn dịch vững chắc.
Uống đủ nước
Nước là thành phần quan trọng giúp cơ thể hoạt động hiệu quả, bao gồm cả hệ miễn dịch. Khi cơ thể thiếu nước, các quá trình trao đổi chất bị ảnh hưởng, làm giảm khả năng loại bỏ độc tố và vi khuẩn có hại. Nước cũng giúp duy trì độ ẩm cho niêm mạc đường hô hấp, tạo hàng rào bảo vệ khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn và virus.
Trẻ em thường không tự cảm thấy khát nước, vì vậy bố mẹ cần nhắc nhở và tạo thói quen uống nước đều đặn. Ngoài nước lọc, bố mẹ có thể bổ sung nước từ canh, súp, nước ép trái cây nguyên chất (không đường) để tăng thêm dưỡng chất cho trẻ.
Cung cấp đủ nước giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn. (Ảnh minh họa).
Thực phẩm bổ sung
Trong một số trường hợp do kén ăn, biếng ăn,… khiến trẻ không nhận đủ dưỡng chất từ thực phẩm hằng ngày, khi đó bố mẹ có thể bổ sung thêm sữa ngoài hoặc thực phẩm chức năng phù hợp. Sữa ngoài như sữa công thức dành cho trẻ nhỏ chứa nhiều dưỡng chất quan trọng như: DHA, vitamin D, kẽm, sắt, probiotic, hỗ trợ hệ miễn dịch và phát triển trí não. Khi trẻ lớn hơn, sữa tươi cũng là nguồn canxi và protein quan trọng giúp duy trì sức khỏe xương và tăng cường miễn dịch.
Ngoài sữa, một số loại vitamin và khoáng chất như :vitamin D, vitamin C, kẽm, sắt cũng có vai trò quan trọng trong việc tăng cường sức đề kháng. Vitamin D giúp cơ thể sản xuất peptide kháng khuẩn, ngăn chặn sự phát triển của virus. Kẽm hỗ trợ sản xuất bạch cầu và tăng tốc độ lành vết thương. Sắt giúp vận chuyển oxy đến tế bào, duy trì hoạt động của hệ miễn dịch. Tuy nhiên, việc bổ sung thực phẩm chức năng cần có sự tư vấn của bác sĩ để tránh tình trạng dư thừa hoặc thiếu hụt không mong muốn.
Lối sống khoa học
Một lối sống khoa học giúp trẻ duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh và phòng tránh bệnh tật. Những thói quen quan trọng bố mẹ nên rèn luyện cho con gồm:
- Hoạt động thể chất thường xuyên: Tập thể dục giúp cơ thể sản sinh tế bào miễn dịch, cải thiện tuần hoàn máu và tăng cường sức đề kháng. Trẻ nhỏ có thể tham gia các hoạt động ngoài trời như: chạy nhảy, bơi lội, đá bóng để phát triển thể chất toàn diện.
- Ngủ đủ giấc: Giấc ngủ có vai trò quan trọng trong việc phục hồi cơ thể và sản sinh tế bào miễn dịch. Trẻ sơ sinh cần ngủ từ 14-17 giờ mỗi ngày, trẻ nhỏ từ 10-13 giờ và trẻ lớn từ 8-10 giờ. Bố mẹ nên duy trì thói quen ngủ đúng giờ để giúp con có giấc ngủ chất lượng.
- Quản lý căng thẳng: Căng thẳng kéo dài có thể ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của trẻ. Bố mẹ nên tạo môi trường vui vẻ, khuyến khích con tham gia các hoạt động sáng tạo như: vẽ tranh, nghe nhạc, đọc sách để giảm căng thẳng.
Vận động và tiếp xúc với môi trường tự nhiên nhiều giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ. (Ảnh minh họa).
Môi trường sống lành mạnh
Môi trường sống cũng ảnh hưởng lớn đến khả năng miễn dịch của trẻ. Để đảm bảo con có không gian phát triển khỏe mạnh, bố mẹ nên:
- Giảm tiếp xúc với chất độc: Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá, ô nhiễm không khí, hóa chất độc hại trong thực phẩm và sản phẩm sinh hoạt hàng ngày.
- Thói quen vệ sinh: Dạy trẻ rửa tay thường xuyên, giữ vệ sinh cá nhân và vệ sinh đồ chơi, vật dụng để ngăn ngừa vi khuẩn gây bệnh.
- Cho trẻ tiếp xúc với môi trường tự nhiên: Trẻ em cần được chơi ngoài trời, tiếp xúc với ánh nắng và thiên nhiên để hấp thụ vitamin D tự nhiên và tăng cường hệ miễn dịch. Việc để trẻ tiếp xúc với môi trường lành mạnh cũng giúp hệ miễn dịch học cách thích nghi và phát triển bền vững.
Nutifood Sweden GrowPLUS+ Sữa non Immunel với công thức đột phá được phát triển bởi Nutifood Thụy Điển, xây dựng nền tảng FDI hỗ trợ đề kháng khỏe, tiêu hóa tốt giúp chuyển hóa tốt các dưỡng chất. Công thức bộ ba dưỡng chất bảo vệ với Immunel từ Mỹ giúp hoạt hóa, tăng sinh tế bào miễn dịch chủ động kết hợp 100% sữa non 24h chứa kháng thể IgG và 2’-FL HMO, hỗ trợ tăng cường đề kháng nhanh và phát triển toàn diện cho bé. |