Thời phong kiến, các hoàng đế Trung Quốc có tam cung lục viện với hàng ngàn phi tần, mỹ nữ sinh con cho nhà vua, thế nhưng dù có nhiều con cái song hiếm khi có cặp sinh đôi?
Rất nhiều người thắc mắc, trong cung có nhiều phi tần mỹ nữ như vậy nhưng rất hiếm khi họ sinh cho hoàng đế một cặp sinh đôi? Hơn nữa những trường hợp sinh đôi cũng không được ghi chép trong các sử liệu chính thức?
Thực tế, điều này được cho xuất phát từ quan niệm từ xa xưa của người Trung Quốc. Họ tin rằng sản phụ nào sinh đôi là điều không may mắn. Vì thế, một phụ nữ nếu sinh đôi sẽ được xem là mang đến vận xui cho gia đình.
Bởi thế để tránh những xui xẻo này, khi sinh đôi, các gia đình sẽ đem cho gia đình khác một trong 2 đứa trẻ sinh đôi. Nhiều gia đình còn không nuôi cặp sinh đôi.
Nếu hoàng hậu sinh được cặp sinh đôi và đều là con trai thì đó sẽ là một vấn đề lớn (Ảnh minh họa)
Trong hoàng cung, việc sinh đôi xuất phát từ quan niệm này càng được xem trọng hơn. Sau khi phi tần sinh đôi, hoàng đế sẽ cho thái y kiểm tra tình trạng sức khỏe của 2 người con đó và nhà vua chỉ giữ lại và nuôi nấng đứa trẻ khỏe mạnh hơn.
Một số tài liệu còn ghi chép nếu cặp song sinh đều là hoàng tử và đều khỏe mạnh như nhau thì sẽ được bảo toàn mạng sống song họ sẽ không có cơ hội trở thành người kế vị ngai vàng.
Bên cạnh đó, nếu hoàng hậu sinh được cặp sinh đôi và đều là con trai thì đó sẽ là một vấn đề lớn. Vì các vương triều phong kiến thường theo chế độ truyền ngôi cho con trai đích tôn (tức con của chính thất là hoàng hậu) hoặc con trai trưởng. Nếu sinh đôi thì ai trong 2 người con trai đó sẽ được sắc phong làm thái tử. Cặp sinh đôi này có thể xảy ra mâu thuẫn gay gắt trong cuộc chiến tranh đoạt ngai vàng.
Trong cuốn "Lịch sử Minh triều" có ghi chép về một trường hợp như vậy. Đó là Hồ Thị - phi tần của Sở Cung Vương (vị vua thứ 26 của nước Sở) sinh được cặp hoàng tử là Hoa Khuê và Hoa Bích. Dù thông minh và có tài nhưng họ không được xem xét trở thành người kế vị.
Lý do vì sao trước đây ít phụ nữ mang bầu song thai?
Trước đây khi y học chưa phát triển, các phụ nữ hiếm muộn chưa được sử dụng các loại thuốc kích trứng hoặc thụ tinh trong ống nghiệm. Bởi quá trình điều trị vô sinh sử dụng các loại thuốc kích trứng khiến nhiều trứng rụng trong một chu kỳ kinh, từ đó số lượng hợp tử hình thành nhiều hơn và có thể dẫn đến thai đôi, thai ba hoặc nhiều hơn.
Ngoài ra, thụ tinh trong ống nghiệm có thể dẫn đến tình trạng đa thai nếu nhiều hơn một phôi thai được chuyển vào buồng tử cung. Những thai đôi cùng trứng xuất hiện việc phân chia một trứng đã được thụ tinh trước đó.
Bên cạnh đó, rất ít phụ nữ thời xưa sinh đẻ sau tuổi 35. Còn hiện nay do kết hôn muộn, phụ nữ trên 35 tuổi vẫn sinh đẻ nhiều. Đối tượng phụ nữ 35 tuổi trở lên có khả năng mang thai đôi cao hơn vì có người rụng ít nhất 2 trứng trong mỗi lần hành kinh, đồng thời cơ thể tiết ra nhiều nội tiết tố estrogen làm tăng khả năng thụ tinh một cách bất thường.
Đặc biệt, những phụ nữ thời xưa không dùng thuốc tránh thai hàng ngày mà tránh thai bằng các biện pháp tự nhiên. Còn phụ nữ thời nay thường dùng thuốc tránh thai hàng ngày, theo nghiên cứu nếu dùng thuốc tránh thai hàng ngày từ 3 năm trở lên khi đột ngột dừng sẽ có cơ hội thụ thai song sinh nhiều hơn các cặp đôi khác. Nguyên nhân là bởi thời gian dùng thuốc dài làm “tắc nghẽn” thời điểm rụng trứng. Lúc này cơ thể sẽ trải qua một giai đoạn điều chỉnh nội tiết tố và giải phóng các hormone khiến cơ hội thụ thai đôi tăng lên.