Khi cổ tử cung ngắn, hở, mẹ bầu có thể phải đối mặt với nguy cơ sinh non hoặc sảy thai to, khi ấy bác sĩ sản khoa thường chỉ định khâu cổ tử cung hoặc đặt vòng nâng Arabin dự phòng sinh non.
Sinh non là một hội chứng nguy hiểm ở nhiều mẹ bầu, trong đó cổ tử cung (CTC) ngắn và hở, là nguyên nhân chính gây ra sảy thai to hoặc sinh non. Qua siêu âm ngã âm đạo, các bác sĩ sản khoa có thể chẩn đoán tình trạng này, từ đó chỉ định phương pháp điều trị phù hợp cho các trường hợp mẹ bầu có CTC ngắn hoặc hở.
Theo nam bác sĩ sản khoa Nguyễn Trung Đạo, Khoa Sản bệnh A4, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, hiện nay có 2 phương pháp điều trị cho những mẹ bầu bị CTC ngắn hoặc hở là khâu cổ tử cung và đặt vòng nâng Arabin.
Phương pháp khâu cổ tử cung
Bác sĩ Đạo cho biết, khâu cổ tử cung là thủ thuật xâm lấn, thường thực hiện ở tuần 14-16 của thai kỳ nhằm dự phòng sinh non cho thai phụ có nguy cơ sảy thai, sinh non, chuyển dạ sớm.
Theo đó bác sĩ sẽ dùng chỉ khâu đặc biệt, khâu và thắt chặt, nhằm giữ cổ tử cung đóng kín. Sau thủ thuật, thai nhi phát triển khỏe mạnh và sẽ được cắt chỉ khâu ở tuần thai 37 trước khi mẹ bầu có dấu hiệu chuyển dạ.
Đặt vòng nâng Arabin hiện đang được coi là một phương pháp mới trong dự phòng sinh non ở thai phụ có CTC ngắn hoặc hở.
Khâu eo cổ tử cung là giải pháp mang tính cơ học và tốt nhất, giúp sản phụ giữ thai. Sau thủ thuật, thai phụ thường phải theo dõi tại viện 2-3 ngày. Nghỉ ngơi tại nhà, tránh làm việc nặng hoặc hoạt động mạnh, kiêng quan hệ tình dục 4-6 tuần.
Nam bác sĩ sản khoa cũng cho biết, trước đó nhiều nghiên cứu đánh giá hiệu quả khâu vòng cổ tử cung trong điều trị dự phòng sinh non cho các thai phụ có tiền sử sảy thai, sinh non có tỷ lệ thành công rất cao. Hầu hết tất cả các ca khâu eo cổ tử cung đều sinh con khỏe mạnh ở tuần thai 35-37, chỉ một số ít trường hợp thất bại do rỉ ối, sinh cực non, chết lưu…
“Khâu cổ tử cung dù là một kỹ thuật xâm lấn có thể làm tăng nguy cơ chảy máu, nhiễm trùng hoặc sảy thai cho thai phụ và thai nhi khi so sánh giữa khâu CTC và vòng nâng thì khâu CTC vẫn là phương pháp điều trị ưu việt hơn hẳn”, bác sĩ sản khoa nhìn nhận.
Khâu eo cổ tử cung là giải pháp mang tính cơ học và tốt nhất, giúp sản phụ giữ thai.
Phương pháp đặt vòng nâng Arabin
Đặt vòng nâng Arabin hiện đang được coi là một phương pháp mới trong dự phòng sinh non ở thai phụ có CTC ngắn hoặc hở.
Chiếc vòng này được thiết kế dạng vòm, khi đặt vào trong âm đạo, giúp giảm sức ép của tử cung lên CTC và có thể giúp xoay CTC hướng về xương cùng. Từ đó giúp CTC không bị hở hoặc ngắn thêm.
Khi mẹ bầu được chỉ định đặt vòng nâng Arabin dự phòng sinh non không cần phải gây mê. Ngoài ra, việc đặt vào và lấy ra dễ dàng bởi bác sĩ chuyên khoa, thai phụ có thể về nhà ngay trong ngày.
Tuy nhiên hạn chế của phương pháp mới này là sau khi đặt vòng nâng Arabin khiến dịch tiết âm đạo nhiều hơn, dễ gây viêm nhiễm âm đạo nặng nếu không vệ sinh sạch sẽ và đúng cách, nhiều trường hợp phải lấy vòng ra.
Vòng nâng Arabin sẽ được lấy ra khi mẹ bầu mang thai khoảng 37 tuần trước khi có dấu hiệu chuyển dạ.
Khi mẹ bầu được chỉ định đặt vòng nâng Arabin dự phòng sinh non không cần phải gây mê.
“Đặt vòng nâng cổ tử cung thường được chỉ định ở thai phụ mang đơn thai 14 đến 32 tuần có cổ tử cung ngắn; tiền căn sảy thai muộn hoặc sinh non tự nhiên nhưng không đạt điều kiện khâu (nhau tiền đạo, nhau bám thấp, từ chối phẫu thuật, tuổi thai lớn hơn 20 tuần). Dù tỉ lệ đặt thành công cao nhưng lại có thể gây biến chứng viêm nhiễm phụ khoa, xuất huyết âm đạo, đi tiểu khó… nên mẹ bầu cần cân nhắc chọn phương pháp phù hợp”, bác sĩ Đạo chia sẻ.
Bác sĩ Đạo cũng khuyến cáo, khi có chỉ định đặt vòng hay khâu cổ tử cung, mẹ bầu cần phải đến các cơ sở y tế uy tín, có chuyên khoa sản phụ để được tư vấn phương án phù hợp với điều kiện và sức khỏe của bản thân.