Do mang thai lần đầu nên mẹ bầu Sài thành này đã không tránh khỏi những sai lầm.
Chị Trần Thị Huyền Trân, 29 tuổi hiện sống tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, lần đầu mang thai, bản thân chị không tránh khỏi những sai lầm. Trong đó có một số sai lầm do chị tự trải nghiệm và rút ra được. Một số sai lầm khác nhờ học từ sai lầm của người đi trước mà chị "né" được.
Chị Trần Thị Huyền Trân khi mang bầu. (Ảnh: NVCC)
1. Uống vitamin bầu khi bụng đói
Lúc mới có bầu, chị Trân thường tranh thủ uống thuốc bổ trước khi ra khỏi nhà để khỏi sợ quên. Nhưng uống vào là chị bị ói vì các loại vitamin có mùi hơi khó chịu. Cộng thêm bao tử đang rỗng khiến chị bị ợ chua rất khó chịu.
Sau đó rút kinh nghiệm, chị để thuốc bổ ở công ty, chỉ chừa một ít ở nhà cho thứ 7 chủ nhật. Ăn sáng xong mới uống thì không có các triệu chứng khó chịu nữa.
2. Uống canxi chung với sắt
Ban đầu mẹ bầu không để ý chuyện uống canxi và sắt. Một hôm tình cờ đọc thông tin em bé uống quá nhiều sữa bị thiếu máu thì chị mới có ý thức về việc canxi làm cản trở hấp thụ của sắt.
Ngoài ra, canxi không nên uống vào buổi chiều, buổi tối dễ gây lắng đọng. Còn sắt thì uống tốt nhất vào buổi sáng, trưa. Do đó chị đã uống vitamin bầu như sau:
- Sau ăn sáng 1 tiếng: uống 1 viên vitamin tổng hợp, 1 viên canxi.
- Trước ăn trưa 30 phút: uống sắt
Trong sữa tươi cũng có nhiều canxi nên chị cách thời gian uống sắt ra tầm 2 tiếng.
Dù mang bầu 14 tuần nhưng chị Trân phải đổi sang loại nội y chuyên cho bà bầu. (Ảnh: NVCC)
3. Mặc nội y chật
Dưới 20 tuần, chị Trân vẫn chưa tăng cân nên ban đầu vẫn mặc nội y như trước dù đi làm cứ có cảm giác không được thoải mái. Khoảng vài tuần sau mới phát hiện ra là hôm nào ở nhà không mặc nội y thì người nhẹ nhàng hơn hẳn.
Vì vậy chị mới biết dù không tăng cân nhưng vòng 1 và vòng 3 của mẹ bầu đã có sự thay đổi. Mẹ bầu cần đổi loại nội y mới dành riêng cho phụ nữ mang thai sao cho mặc loại nào thấy thoải mái nhất.
4. Có bệnh nhưng cương quyết không uống thuốc
Dĩ nhiên lý tưởng nhất là thai kỳ của mẹ bầu không dùng đến thuốc. Tuy nhiên cũng có những loại thuốc an toàn cho bà bầu.
Có đợt chị Trân bị sổ mũi, nghẹt cứng cả hai mũi không thở được. Suốt cả tuần chị ngủ không ngon giấc vì nghẹt mũi, sổ mũi mà không uống thuốc.
Sau đó chịu hết nổi mới nói với bác sĩ khám thai, bác cho vài viên thuốc uống là hết ngay. Điều này khiến mẹ bầu biết vậy uống từ sớm đỡ phải khổ sở. Vì thế nếu mẹ bầu có bệnh vẫn có thể uống thuốc nhưng tuyệt đối không tự ý uống mà phải đi thăm khám và có chỉ định của bác sĩ.
5. Ăn quá nhiều trái cây “xịn”
Ăn trái cây thì luôn tốt cho sức khoẻ nên nhiều mẹ bầu đã đầu tư mua nhiều trái cây đắt tiền để ăn. Tuy nhiên nho, lê, lựu, mãng cầu, dưa lưới,… đều chứa rất nhiều đường. Nếu ăn ít thì bổ dưỡng nhưng ăn nhiều quá thì dư thừa sẽ phản tác dụng. Do đó, mẹ bầu dù thèm cũng chỉ nên ăn mỗi thứ một ít thôi.
6. Thoa dầu rạn da sai chỗ
Mặc dù biết rạn da hay không phụ thuộc vào cơ địa nhưng mẹ bầu này luôn chăm chỉ thoa dầu dưỡng ẩm từ khi biết mang thai.
Nhờ vậy tới khi sắp sinh, trộm vía da bụng chị Trân cũng không đến nỗi. Tuy nhiên đến khi vết rạn đầu tiên xuất hiện, mẹ bầu mới biết mình thoa sai vị trí.
Do bỏ quên phần bụng dưới khi thoa dầu dưỡng ẩm nên bụng bầu có những vết rạn li ti. (Ảnh: NVCC)
“Mình toàn thoa ở ngang rốn vì nghĩ chỗ đó sẽ căng nhất. Nhưng thật ra vị trí ngay lưng quần lót mới là chỗ cần thoa nhiều hơn vì sức nặng sẽ đè lên vùng da đó nhất. Vậy mà mình đã bỏ qua, làm da chỗ đó thiếu độ ẩm và xuất hiện vết rạn li ti. Lúc bụng to thì vị trí đó lại khó quan sát nữa, may mà phát hiện kịp để cứu vớt, thoa bù lại”, chị Trân kể.
Theo mẹ bầu cho biết, phần bụng trên không cần thoa nhiều, mùa nóng dễ gây hăm. Thoa từ rốn trở xuống tới lưng quần lót, trải dài ra hai bên hông luôn. Nhớ là xoa dầu vô da chứ không phải massage bụng, nên dùng lực nhẹ nhàng thôi. Xoa bụng mạnh quá cũng rủi ro kích thích tử cung.
7. Uống trà đậm, cà phê mạnh
Có bầu thì không cần kiêng trà, cà phê - miễn đừng uống quá nhiều là được. Nhưng có lần mẹ bầu uống ly trà đậm quá xong tim đập nhanh thở không nổi (có bầu đã thở nhanh hơn bình thường rồi).
Lần khác thì 3 ngày liên tục chị uống cà phê sữa, lúc uống tỉnh táo, năng lượng quá nên làm việc điên cuồng, ngồi tư vấn cho khách liên tục 2 tiếng đồng hồ. Nhưng đến chiều kiểu như năng lượng bị vắt kiệt, chị muốn sập nguồn luôn. Tối đó chị cũng lăn lộn cả đêm mệt mỏi không ngủ được. Vì thế có thể nói, uống trà, cà phê đậm gây năng lượng giả cho người uống thôi, mẹ bầu nên cẩn thận.
8. Nhiệt độ phòng ngủ quá nóng
Giai đoạn đầu mang thai mẹ bầu cho biết rất khó ngủ, cứ lăn qua lộn lại mãi. Sau này chị Trân mới phát hiện là do nóng quá nên bị ngộp, ngủ không ngon giấc.
Từ khi giảm nhiệt độ thấp hơn 1-2 độ so với bình thường thì mẹ bầu ngủ ngon hơn rất nhiều. Vì thế có thể giảm nhiệt độ phòng ngủ chút cho dễ chịu. Mẹ bầu nào dễ sổ mũi thì trang bị thêm 1 đôi tất ngủ là bao êm. Chỉ cần nhớ lựa loại size to một chút để dễ lưu thông máu.
9. Ngoáy mũi
Không bao giờ chịu nổi khi mũi có một chút gì đó vướng víu nên mỗi ngày mẹ bầu này đều canh lúc không có ai là ngoáy mũi cho bằng sạch. Bình thường thì không sao, nhưng khi mang thai thì niêm mạc mũi nhạy cảm kinh khủng, mạch máu căng lên rất nhiều nên rất dễ vỡ mạch máu li ti và chảy máu. Những lần sau vô tình quẹt mũi mạnh chút cũng có thể chảy máu lại chỗ cũ.
Khi bầu bí nên dùng nước muối sinh lý nhỏ làm mềm dịch mũi rồi lấy tăm bông ngoáy mẹ bầu nhé.
10. Đi nhiều cho dễ đẻ
Đây là truyền thuyết mà tới giờ vẫn còn nhiều người tin sái cổ vì thực tế, làm gì quá sức cũng không tốt. Bình thường đi bao nhiêu thì có bầu chỉ nên đi bấy nhiêu đó, không cần tăng cường thêm. Nhất là những mẹ trước khi bầu không có thói quen đi bộ.
Hậu quả của việc đứng quá nhiều. Phù chân có thể do vị trí thai, cơ địa hoặc là do ăn mặn nữa. (Ảnh: NVCC)
Nhất là giai đoạn sau 30 tuần, các mẹ bầu nên hạn chế đi bộ nhiều vì bụng to, đi nhiều sẽ làm trọng lực kéo em bé tụt xuống, chèn ép phần thân dưới nhiều hoặc giãn nở tử cung. Nhiều chị em than thở họ bị sinh sớm trước 40 tuần do cố gắng luyện tập đi bộ nhiều giai đoạn này chứ không dễ sinh, sinh nhanh như lời đồn.
“Hồi 30 tuần, mình cũng không cố tình tập đi bộ nhưng do có việc, mình đi nhiều hơn bình thường một chút và bắt đầu bị phù chân lúc nào không hay. Sau khi phát hiện, mình hạn chế đi lại, ngâm chân, massage chân,… thì tình trạng cải thiện”, mẹ bầu chia sẻ.
11. Đi nhanh - bất cẩn
Khi mang bầu dù luôn được nhắc nhở đi đứng cẩn thận nhìn dưới chân, quan sát và chú ý nhưng vào tuần thứ 30, mẹ bầu này vẫn bị té một vố sấp mặt ở văn phòng. Nguyên nhân là do chị Trân cứ nhìn về phía trước và bước nhanh nên bị vấp sợi dây diện dưới chân. May mà chị kịp chống 2 tay 2 đầu gối nên không đập bụng xuống sàn chứ nếu không không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Kết quả, đầu gối mẹ bầu sưng nhô cao lên một cục, bầm đen mấy tuần mới hết.
Bởi thế, chị Trân lưu ý khi mang thai, cơ thể mẹ bầu sẽ không còn linh hoạt như trước nên phải đặc biệt cẩn thận. Không chỉ ở ngoài mà ngay cả những nơi quen thuộc như ở nhà thì vẫn phải tập trung đi đứng chậm rãi an toàn.
Đây là một bên đầu gối sưng to sau khi mẹ bầu té sấp mặt trong văn phòng. (Ảnh: NVCC)
12. Xem phim, hình ảnh bạo lực, kích động
Vào thời điểm chị Trân có bầu, các rạp đang chiếu phim bạo lực rất hot. Vì thế 2 vợ chồng chị cũng cày một mạch hết phim và còn cày thêm mấy bộ phim lẻ khác cũng thuộc dạng hành động, đánh đấm do 2 vợ chồng bình thường cũng hay xem mấy thể loại phim này.
Nhưng có một đêm chị Trân nằm mơ thấy bị truy sát, máu me rất đáng sợ khiến chị hoảng loạn bật dậy giữa đêm. Và cảm giác bất an còn kéo dài thêm mấy đêm sau.
Vì thế khi mang thai tốt nhất không nên xem những bộ phim bạo lực, kích động vì ảnh hưởng không tốt đến tâm lý và em bé cũng có thể bị ảnh hưởng. Chỉ nên xem phim nhẹ nhàng tình cảm, có trai xinh gái đẹp, giải trí nhẹ nhàng, nghe nhạc hoà tấu, sóng âm thư giãn…để giữ được tinh thần lạc quan trong thai kỳ, hai mẹ con hoàn toàn khoẻ mạnh.
13. Đọc quá nhiều thông tin hướng dẫn nuôi con
Vì là người thích lên kế hoạch nên những gì chưa rõ chị Trân thường luôn tìm đọc tài liệu, nghe ngóng đầu này đầu kia, tàu ngầm trong các group để học hỏi kinh nghiệm nuôi con (thậm chí nhiều Group còn phải trả phí).
Nhưng đến một ngày mẹ bầu quyết định dừng lại vì càng đọc càng thấy con đường phía trước cứ như cầu vượt mê cung khiến chị sợ, sợ làm sai, sợ làm không tốt, sợ con không hợp tác, sợ gia đình không ủng hộ,…
Thay vì tiếp tục đọc những sách thấy căng thẳng hơn, chị Trân đọc truyện cổ Grimm. (Ảnh: NVCC)
Đọc sách thật sự rất tốt, nhưng chỉ nên đọc với tâm thái cởi mở tham khảo chứ đừng quá áp lực và rập khuôn. Đọc quá nhiều sách, xem video hướng dẫn chi tiết về lịch sinh hoạt, số mil sữa, tuần khủng hoảng,… làm chị Trân thấy căng thẳng hơn là háo hức mong chờ thiên chức làm mẹ.
Bản thân mẹ bầu đã thay nó bằng những câu chuyện cổ tích Grimm, những hành trình nuôi con tươi đẹp nên thấy hạnh phúc hơn biết bao lần.
14. Lướt các kênh bán hàng online quá nhiều
Theo chị Trân cho biết, lướt các kênh bán hàng online đồng nghĩa với việc mẹ bầu sẽ phải tiêu tốn tiền, có hại cho ví. Thực tế, mẹ bầu không cần mua sắm quá nhiều. Bạn có thể tận dụng những trang phục cũ rộng rãi, thoải mái để sử dụng. Ngoài ra bạn có thể sắm thêm đầm bầu mặc khi đi chơi, khi làm,...
Tuy nhiên hãy hạn chế số lượng ở mức thấp nhất, vì đồ bầu chỉ mặc trong thai kỳ 9 tháng 10 ngày và thời gian đầu sau sinh. Vì thế, không cần thiết phải chạy theo xu hướng thời trang.
* Bài viết thể thiện quan điểm cá nhân và trải nghiệm của nhân vật, mẹ bầu trước khi áp dụng nên tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ.