Trầm cảm là một rối loạn tình trạng ảnh hưởng đến trạng thái cảm xúc. Với phụ nữ mang thai, trầm cảm có thể ảnh hưởng đến cả người mẹ và em bé đang phát triển.
Trầm cảm trong thai kỳ là một rối loạn tâm thần phổ biến ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi. Cơ thể phụ nữ trải qua rất nhiều thay đổi và những căng thẳng khi mang thai. Những căng thẳng và thay đổi này khiến thai phụ dễ bị trầm cảm, thậm chí cả chứng trầm cảm sau sinh ở một số phụ nữ.
Tuy không phải phụ nữ nào có thai cũng sẽ bị trầm cảm nhưng thai phụ và gia đình cần nhận biết sớm các triệu chứng của bệnh để có biện pháp hỗ trợ, khắc phục trầm cảm khi mang thai hiệu quả.
1. Triệu chứng trầm cảm khi mang thai
Trầm cảm trong thời kỳ mang thai, thường được gọi là trầm cảm quanh sinh, bao gồm cả trầm cảm trước sinh và sau sinh. Nó phổ biến hơn nhiều người nghĩ, ảnh hưởng đến khoảng 10-20% phụ nữ mang thai. Những thay đổi về cảm xúc do sự dao động nội tiết tố, khó chịu về thể chất và căng thẳng khi sắp làm mẹ đều có thể góp phần gây ra tình trạng này.
Để có biện pháp khắc phục trầm cảm khi mang thai hiệu quả, thai phụ và gia đình cần nhận biết sớm các triệu chứng của bệnh.
Có nhiều yếu tố khác nhau làm tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm khi mang thai. Nhận biết các dấu hiệu trầm cảm trong thai kỳ là rất quan trọng để tìm kiếm sự giúp đỡ. Các triệu chứng phổ biến thường bao gồm:
- Buồn bã dai dẳng hoặc tâm trạng chán nản kéo dài;
- Mất hứng thú với các hoạt động từng yêu thích;
- Thay đổi về cảm giác thèm ăn hoặc cân nặng;
- Mệt mỏi hoặc năng lượng thấp;
- Gặp khó khăn trong việc suy nghĩ, khó tập trung hoặc đưa ra quyết định;Cảm giác vô giá trị hoặc tội lỗi, tuyệt vọng;
- Rối loạn giấc ngủ;
- Thường xuyên có ý nghĩ về cái chết hoặc tự tử...
Nếu thai phụ đã từng bị trầm cảm trong quá khứ, các triệu chứng có thể quay trở lại hoặc nếu những triệu chứng này kéo dài hơn hai tuần và/hoặc trở nên tồi tệ hơn khi mang thai. Khi đó, cần tới gặp bác sĩ ngay vì nó có nguy cơ kéo dài sau khi sinh.
2. Trầm cảm khi mang thai ảnh hưởng tới mẹ và bé thế nào?
Đối với người mẹ, chứng trầm cảm có thể dẫn đến nhiều thách thức, bao gồm:
- Rủi ro về sức khỏe thể chất: Trầm cảm có liên quan đến các biến chứng như đái tháo đường thai kỳ, tiền sản giật và sinh non.
- Căng thẳng gia tăng: Phụ nữ mang thai bị trầm cảm có thể gặp khó khăn hơn trong việc chăm sóc bản thân. Nếu bị trầm cảm khi mang thai, bà mẹ khó tuân theo các khuyến nghị y tế cũng như ngủ và ăn uống hợp lý, gây ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của cả mẹ và em bé.
- Suy giảm khả năng gắn kết: Trầm cảm có thể cản trở khả năng kết nối của người mẹ và em bé. Thai phụ dễ cảm thấy bị cô lập về mặt cảm xúc, có khả năng ảnh hưởng đến sự gắn bó. Rối loạn tâm lý cũng ảnh hưởng đến suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của thai phụ nên có thể gây ra nhiều vấn đề trong gia đình. Từ đó gây ảnh hưởng đến sự gắn kết giữa vợ chồng, con cái và cha mẹ.
Không những ảnh hưởng tới sức khỏe và sự an toàn của bà mẹ, chứng trầm cảm khi mang thai còn ảnh hưởng nhiều tới sự phát triển của thai nhi và trẻ sơ sinh. Một số nghiên cứu đã chứng minh có sự liên quan giữa tâm lý hay cảm xúc của người phụ nữ trong giai đoạn mang thai với trẻ sơ sinh.
Theo ThS.BS. Lê Võ Minh Hương - Bệnh viện Từ Dũ, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những căng thẳng, trầm cảm và lo âu trong lúc mang thai sẽ khiến thai nhi rơi vào nguy cơ gặp phải các kết cục xấu. Những thay đổi tiêu cực trong tâm lý thai phụ sẽ đưa đến sự gia tăng các stress hormone. Thông qua bánh nhau, các hormone này cũng tăng lên trong máu thai nhi khiến chúng gặp phải những căng thẳng tương tự. Các nghiên cứu còn cho thấy những cảm xúc tiêu cực gây ra tăng trở kháng động mạch tử cung, khiến dòng máu đến nuôi bào thai bị giảm. Hậu quả là thai nhi có thể bị chậm tăng trưởng trong tử cung và nguy cơ mẹ bị tiền sản giật.3. Hỗ trợ cho phụ nữ mang thai bị trầm cảm
Trầm cảm trong thời kỳ mang thai là một vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến nhiều phụ nữ. Nhận biết các triệu chứng và hiểu được những tác động tiềm ẩn đối với cả mẹ và bé là điều rất quan trọng để tìm kiếm sự giúp đỡ kịp thời. Phụ nữ mang thai có triệu chứng trầm cảm cần sự giúp đỡ của người thân, gia đình và bác sĩ.
Mẹ bầu nên tham gia các lớp học tiền sản và câu lạc bộ để chuẩn bị kiến thức thật tốt cho thai kỳ, hậu sản và nuôi con.
Không nên coi thường chứng trầm cảm khi mang thai vì không chỉ gây ra những tổn thương tâm lý thai phụ mà còn gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho thai nhi và trẻ sơ sinh. Hãy liên hệ với các chuyên gia chăm sóc sức khỏe, kết nối với các nhóm hỗ trợ và chia sẻ cùng người thân. Thai phụ nên tìm người thân hay bạn bè đồng cảm, giúp mình thoát ra khỏi những suy nghĩ không vui.
ThS.BS. Lê Võ Minh Hương cho biết, gia đình cần hỗ trợ về mặt tâm lý cho phụ nữ mang thai. Đây là giai đoạn cơ thể người phụ nữ có nhiều xáo trộn, do đó họ khó tự mình kiểm soát cảm xúc. Sự quan tâm của gia đình sẽ giúp ích rất nhiều.
Hãy có một tinh thần tích cực cho một thai kỳ khỏe mạnh. Bản thân các thai phụ nên có một lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống, rèn luyện và giải trí thích hợp. Nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc cũng giúp tâm trạng tốt lên, tươi mới hơn. Thiết lập thói quen ăn uống lành mạnh, duy trì lối sống khoa học, thường xuyên vận động, tập luyện thể dục đều đặn vừa giúp giữ dáng vừa giúp tinh thần của thai phụ phát triển theo hướng tích cực.
Để có một thai kỳ khỏe mạnh, bà mẹ cần tuân thủ việc khám thai thường xuyên để có thể phát hiện những rủi ro sớm nếu có. Hãy nói với bác sĩ các vấn đề bản thân đang gặp phải. Ngoài ra, mẹ bầu cũng nên tham gia các lớp học tiền sản và câu lạc bộ để chuẩn bị kiến thức thật tốt cho thai kỳ, hậu sản và nuôi con.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Trầm cảm sau sinh, phòng bệnh hơn chữa bệnh.