Dứa là loại trái cây thơm ngon và chứa nhiều chất bổ dưỡng đối với sức khỏe con người. Tuy nhiên có nhiều thông tin lo ngại về ảnh hưởng của loại quả này đối với bà bầu, khiến gia tăng nguy cơ sảy thai.
Dứa là một loại trái cây cực kỳ thơm ngon và bổ dưỡng phổ biến ở khắp nơi trên thế giới. Loại trái cây này có tên khoa học là "Ananas comosus", thuộc họ Bromeliaceae. Quả dứa vốn có nguồn gốc từ các quốc gia trong khu vực nhiệt đới và là loại quả chủ lực được trồng rộng rãi ở các nước như Costa Rica, Philippines, Indonesia, Thái Lan, và Hawaii. Việt Nam cũng là quốc gia trồng khá phổ biến loại quả này.
Thành phần dinh dưỡng trong quả dứa
Các nhà khoa học đã nghiên cứu về những chất có chứa trong 100g quả dứa như sau:
- Năng lượng: 50kcal
- Protein: 0.54g
- Carbohydrate: 13.52g
- Chất xơ: 1.40g
- Vitamin A: 58 IU
- Vitamin B1: 0.079mg
- Vitamin B2: 0.018mg
- Vitamin B3: 0.500mg
- Vitamin B9 (Folate): 18μg
- Vitamin C: 47.8mg
- Vitamin E: 0.02mg
- Vitamin K: 0.07μg
- Canxi: 13mg
- Sắt: 0.29mg
- Magie: 12mg
- Phốt pho: 8mg
- Kali: 109mg
Có thể thấy rằng dứa là loại trái cây mang đến vô vàn lợi ích về dinh dưỡng đối với sức khỏe con người khi cung cấp một lượng lớn các khoáng chất thiết yếu và vitamin quan trọng.
Dứa có tốt cho bà bầu không?
Đây là điều rất quan trọng mà nhiều chị em đang mang thai vẫn thắc mắc. Trên thực tế, quả dứa chứa khá nhiều chất bromelain, đây là một chất có khả năng phân giải protein rất hiệu quả, giúp tiêu hóa thực phẩm dễ dàng hơn và ngăn không cho bà bầu gặp phải tình trạng chướng bụng, đầy hơi trong giai đoạn thai kỳ.
Tuy nhiên nếu bà bầu mà ăn quá nhiều dứa (từ 7 đến 10 quả mỗi ngày) sẽ khiến cơ thể tích tụ nhiều bromelain có thể khiến co thắt tử cung, gây chảy máu trong nhiều và làm gia tăng nguy cơ sinh non lẫn sảy thai. Tất nhiên việc chị em ăn đến trên 7 quả dứa mỗi ngày là khá hiếm xảy ra, và khi ăn dứa chúng ta thường loại bỏ phần lõi (bộ phận chứa nhiều bromelain nhất). Do đó nguy cơ cơ thể bà bầu bị ảnh hưởng bởi chất này gần như rất hiếm xảy ra.
Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai rất dễ gặp phải tình trạng tiểu đường thai kỳ. Tình trạng này làm gia tăng nguy cơ tiền sản giật và băng huyết sau sinh cho bà bầu. Trong khi đó quả dứa chứa hàm lượng đường rất cao, cho nên các chị em cần cân nhắc khi lựa chọn loại quả này để bổ sung dinh dưỡng, nhất là vào những tháng cuối cùng của thai kỳ.
Thực ra bà bầu hoàn toàn có thể ăn được quả dứa trong giai đoạn thai kỳ, tuy nhiên cần ăn với lượng hạn chế khoảng 1 quả mỗi ngày mà thôi. Như vậy vẫn đảm bảo tiếp nhận các dưỡng chất có lợi trong quả dứa vào cơ thể mà không lo gặp phải các tác hại không đáng có.
Công dụng của quả dứa đối với sức khỏe bà bầu
Không thể phủ nhận những lợi ích mà quả dứa mang đến cho sức khỏe của phụ nữ mang thai nếu như được sử dụng đúng cách và hợp lý liều lượng. Một số tác dụng quan trọng mà loại quả này mang lại có thể kể đến như sau:
1. Tăng cường sức đề kháng
Quả dứa chứa khá nhiều vitamin C cùng nhiều loại vitamin quan trọng khác, nhờ đó giúp nâng cao sức đề kháng, cải thiện hệ miễn dịch của cơ thể các chị em phụ nữ trong giai đoạn thai kỳ. Ngoài ra các vitamin này còn nâng cao khả năng chống oxy hóa, kháng viêm hiệu quả.
2. Làm dễ chịu cơ thể khi mang thai
Quả dứa chứa rất nhiều vitamin nhóm B như B1, B2, B3, B6,... Đây là những vitamin có nhiệm vụ cung cấp và tạo ra năng lượng giúp cơ thể hoạt động tốt hơn và cảm thấy thoải mái hơn, nhất là đối với bà bầu đang bị ốm nghén. Ngoài ra vitamin B6 đóng vai trò lớn trong việc sản xuất hồng cầu của cơ thể.
3. Ngăn ngừa táo bón
Hàm lượng chất xơ dồi dào trong quả dứa sẽ giúp hệ tiêu hóa của bà bầu ổn định và hoạt động tốt hơn, hỗ trợ ngăn ngừa táo bón, nhuận tràng và hấp thụ dinh dưỡng một cách tốt nhất.
4. Giải tỏa căng thẳng, thư giãn tốt hơn
Quả dứa có mùi thơm ngào ngạt rất đặc trưng, mùi thơm này góp phần cải thiện tâm trạng, giải tỏa căng thẳng và thư giãn hiệu quả. Nhờ đó các bà bầu sẽ thoát khỏi cảm giác tiêu cực, bức bối khó chịu hiện đang gặp phải.
5. Ổn định huyết áp
Lượng kali cao trong quả dứa sẽ hỗ trợ ổn định huyết áp cho chị em phụ nữ trong giai đoạn thai kỳ. Ngoài ra nếu ăn dứa một cách điều độ, hoạt chất bromelain có thể kích thích lưu thông máu dễ dàng, nhờ đó ngăn ngừa nguy cơ xuất hiện các cục máu đông gây tăng huyết áp đột ngột.
6. Tốt cho xương khớp
Hàm lượng canxi và mangan cao trong quả dứa sẽ giúp ích rất nhiều trong việc tái tạo sụn khớp, ngăn ngừa loãng xương, sản xuất collagen, hỗ trợ quá trình phát triển của thai nhi.
Một số lưu ý khác khi bà bầu sử dụng quả dứa
- Phụ nữ đang mang thai chỉ nên ăn lượng dứa vừa phải, tránh ăn quá nhiều dứa kẻo dễ gây hại đến sức khỏe. Tình trạng dị ứng, nóng trong, nổi mẩn ngứa hoàn toàn có thể xảy ra khi ăn quá nhiều dứa, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, đe dọa đến khả năng sinh non và sảy thai.
- Tránh ăn dứa khi đang đói, vì loại quả này rất nhiều đường, có thể khiến lượng đường huyết tăng vọt. Ngoài ra ăn dứa khi đói dễ gặp tình trạng đầy hơi, chướng bụng, khó chịu, nhất là với những chị em hiện đang gặp phải một số vấn đề về tiêu hóa.
- Trong vòng 3 tháng đầu, bà bầu tốt nhất không nên ăn quả dứa để tránh nguy cơ sảy thai, nhờ đó đảm bảo an toàn cho sức khỏe của cả mẹ và bé.
- Khi ăn dứa, các chị em cần loại bỏ phần lõi, không ăn dứa khi còn xanh và chưa chín hoàn toàn, không nên ăn những quả bị dập, có dấu hiệu hư hỏng.