Mẹ bầu siêu âm nhiều có ảnh hưởng tới thai nhi không?

Ngày 06/05/2020 14:34 PM (GMT+7)

Vì lo lắng hoặc mong ngóng được nhìn thấy con mà nhiều bà mẹ thường xuyên đi siêu âm, tuy nhiên siêu âm nhiều có ảnh hưởng tới thai nhi không?

Siêu âm trong thai kỳ giúp bác sĩ nắm bắt được nhiều thông tin, chẳng hạn như sự phát triển của thai nhi, phát hiện những bất thường và dự đoán ngày sinh, xác vị trí của nhau thai cũng như giới tính của bé,... Tuy nhiên, trong thai kỳ có những mốc siêu âm quan trọng nào và siêu âm nhiều có ảnh hưởng tới thai nhi không?

Siêu âm là gì?

Siêu âm là một dạng kiểm tra chẩn đoán y khoa không xâm lấn. Khi siêu âm, bác sĩ sẽ sử dụng đầu dò, truyền sóng âm có tần số cao qua tử cung của thai phụ. Những âm thanh này sẽ gửi tín hiệu trở lại và chuyển đổi thành dạng hình ảnh hiện thị trên màn hình.

Siêu âm không hề gây đau đớn, nhưng lớp gel bôi bụng có thể khiến bạn cảm thấy lạnh. Lưu ý, sẽ rất khó nhìn thấy nhiều chi tiết trong những tuần đầu của thai kỳ, bức ảnh siêu âm sẽ rõ ràng hơn khi ở tuần thứ 13.

Mẹ bầu siêu âm nhiều có ảnh hưởng tới thai nhi không? - 1

Siêu âm nhiều có ảnh hưởng tới thai nhi không là nỗi trăn trở của không ít bà mẹ đang mang thai. Ảnh minh họa

Siêu âm nhiều có ảnh hưởng tới thai nhi không?

Một đánh giá của hơn 50 nghiên cứu y khoa cho thấy, siêu âm không gây nguy hiểm cho mẹ và thai nhi, việc này không gây dị tật bẩm sinh, các vấn đề về phát triển thể chất và trí tuệ của thai nhi. Tuy nhiên, siêu âm có thể làm nóng các mô hoặc tạo ra bong bóng (bọt khí) trong quá trình thực hiện.

Các chuyên gia không chắc chắn về sự ảnh hưởng của các mô bị nóng và các bọt khí xâm thực trong thời gian dài. Vì vậy, các mẹ chỉ cần đi siêu âm đúng với các cột thai kỳ hoặc thêm dưới sự chỉ định của bác sĩ, tuyên bố của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) vào tháng 12/2014 viết.

Việc siêu âm quá nhiều là không cần thiết, không chỉ gây tốn kém về tiền bạc mà còn mất nhiều thời gian khi chờ đợi. Không chỉ vậy, siêu âm nhiều còn khiến nhiều người mẹ lo lắng hơn về thai kỳ của mình, vì họ có thể thấy con quá lớn hoặc quá nhỏ, em bé có dây quấn cổ. Thực ra, những điều này đều hoàn toàn bình thường, nhưng các bà mẹ lại nghĩ rằng là “có vấn đề”.

Theo các chuyên gia, siêu âm nhiều hơn chỉ nên áp dụng trong một số trường hợp mang thai có nguy cơ cao. Điều này có nghĩa là các mẹ mắc bệnh mãn tính như tiểu đường tuýp 2, huyết áp cao, lupus hoặc sự phát triển của thai nhi bị hạn chế có thể được yêu cầu siêu âm kiểm tra thường xuyên hơn.

Mẹ bầu siêu âm nhiều có ảnh hưởng tới thai nhi không? - 1

Các chuyên gia khuyên rằng phụ nữ mang thai không nên siêu âm quá nhiều. Ảnh minh họa

Cột mốc thai kỳ mẹ bầu nên đi siêu âm

Bên cạnh câu hỏi siêu âm thai nhiều có tốt không thì việc nắm bắt các cột mốc thai kỳ cũng rất cần thiết. Vậy có những cột mốc thai kỳ nào mẹ bầu nên đi siêu âm?

Thông thường, trong một thai kỳ sẽ có tối thiểu 3 lần siêu âm là:

- 10 - 12 tuần: Siêu âm đo độ mờ da gáy của thai nhi để kiểm tra hội chứng Down và các nhiễm sắc thể bất thường khác.  

- 20 - 24 tuần:  Siêu âm giai đoạn này chủ yếu để phát hiện những bất thường của thai nhi. Bác sĩ sẽ kiểm tra nhịp tim của thai nhi và tìm kiếm sự bất thường ở não, tim, gan, thận, kiểm tra dị tật bẩm sinh, nhau thai và đo lượng nước ối. Trong cột mốc này, giới tính của thai nhi được xác định khá chính xác.

- 30 - 32 tuần: Siêu âm nhằm kiểm tra vị trí bánh nhau và đánh giá sự phát triển thai, đa số các trường hợp thai bị suy dinh dưỡng được phát hiện vào lúc này.

Ngoài ra, khi gần tới ngày dự sinh, các mẹ có thể siêu âm thêm một lần nữa để xác định kích thước thai, mức độ trưởng thành của bánh nhau và lượng nước ối.

Hy vọng những thông tin trên đây sẽ giúp các mẹ hiểu rõ việc siêu âm nhiều có ảnh hưởng tới thai nhi hay không và các cột mốc quan trọng nên đi siêu âm.

NGUỒN THAM KHẢO: 

- How Many Ultrasounds Do You Need During Pregnancy?. Parents, 06/05/2020.

- Pregnancy Ultrasound. Healthline, 06/04/2020.

Bác sĩ sản khoa tiết lộ: Sợ nhất khám thai cho 4 kiểu mẹ bầu này!
Nếu nằm trong số những kiểu mẹ bầu này, bạn nên thay đổi để tốt nhất cho việc trao đổi giữa bác sĩ và sản phụ.

Hà Phương (Dịch từ Parents)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Siêu Âm Thai