Singapore - Yi Ling, 33 tuổi, nhớ lại thời thơ ấu khi cô thường tìm cách tránh mặt mỗi khi cha đến đón cô ở trường tiểu học.
Cha mẹ cô đều 45 và 50 tuổi khi sinh ra Ling. Bạn bè cùng lớp thường lầm tưởng đó là ông, bà của Ling và chế giễu cô vì điều đó. Ling cuối cùng cũng vượt qua giai đoạn này, nhưng vẫn có trải nghiệm khác với bạn bè đồng trang lứa, những người có cha mẹ trẻ hơn.
"Cha mẹ tôi đã cố gắng hết sức để đi chơi với tôi khi tôi còn nhỏ. Nhưng đến khi tôi học cấp hai, họ không còn làm được điều này nữa", cô nói.
Cha cô bị đột quỵ khi cô khoảng 11, 12 tuổi và nghỉ hưu ngay sau đó, dù ông vẫn tiếp tục làm một số công việc tự do. Hiện tại, Yi Ling là mẹ của hai đứa con 9 và 2 tuổi. Cô cảm thấy tiếc nuối khi cha mẹ bạn bè có thể giúp đỡ chăm sóc con cái, trong khi cha mẹ cô thì không.
Các con cô thậm chí chưa từng gặp ông ngoại. Cha của Ling mất vì tuổi già trước khi chúng ra đời. Mẹ cô, hiện ở độ tuổi 70, đã giúp chăm sóc cháu ngoại khi chúng còn nhỏ. Nhưng giờ đây, do khả năng vận động hạn chế, bà không còn làm được điều này.
Trường hợp chênh lệch tuổi tác lớn như Ling và cha mẹ không hiếm ở Singapore. Đầu tháng 10, phát thanh viên CNA Glenda Chong, 51 tuổi, chia sẻ bà và chồng sẽ chào đón thành viên mới vào đầu năm tới, sau một thập kỷ nỗ lực thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Những lời chúc mừng dành cho cặp đôi nhanh chóng tràn ngập trên mạng, nhưng thông báo này cũng làm dấy lên một cuộc tranh luận xung quanh việc làm cha mẹ ở tuổi xế chiều.
Các dữ liệu hàng năm do chính phủ công bố chỉ ra thực tế, người Singapore sinh con ngày càng muộn. Điều này dần trở thành xu hướng. Báo cáo Dân số Tóm tắt từ Văn phòng Chính phủ cho thấy, năm 2013, độ tuổi trung bình có con đầu lòng của các bà mẹ Singapore là 30,2. Con số này đã tăng lên 31,4 vào năm 2023.
Số liệu từ báo cáo hàng năm của Cục Xuất nhập cảnh về Đăng ký sinh - tử cũng cho thấy số phụ nữ có con sau tuổi 45 tăng nhanh chóng. Năm 2014, 54 bà mẹ từ 45 tuổi trở lên sinh con. Con số tăng lên 84 vào năm 2019. Năm ngoái, 117 phụ nữ Singapore sinh con ở tuổi từ 45 trở lên.
Trả lời câu hỏi về những lo lắng khi sắp làm mẹ ở tuổi xế chiều, bà Chong cho biết bản thân không quá ngần ngại.
"Tôi đang nhận được những bài học quý giá từ bạn bè, những người đã có con. Tôi học hỏi từ họ, nhờ vào lời khuyên của họ và tránh được những sai sót", bà nói.
Phát thanh viên Glenda Chong, 51 tuổi, và chồng thông báo có con đầu tháng 10. Ảnh: CNA
Tuy nhiên, nhiều người thừa nhận việc nuôi dạy con cái ở tuổi cao đi kèm nhiều thách thức. Họ bày tỏ lo ngại về tình trạng sức khỏe và thể lực giảm sút khi về già. Những người khác lo lắng sẽ không sống đủ lâu để chứng kiến các cột mốc quan trọng trong cuộc đời con cái. Ngay cả khi đã nỗ lực duy trì vận động, giữ vóc dáng cân đối và khỏe mạnh, thể lực sa sút theo lẽ tất yếu ở các bậc cha mẹ lớn tuổi vẫn là trở ngại.
"Nhiều người không theo kịp khi con cái vui chơi ngoài trời, con cái chạy nhảy và la hét. Khi con tôi nói 'Mẹ ơi, đuổi theo con đi', tôi phải cố hết sức để không bị đau lưng khi chạy theo", bà Michelle Bong Lejtenyi, 50 tuổi, một chuyên gia tiếp thị và truyền thông, cho biết.
Lejtenyi là mẹ hai con, sinh con trai đầu lòng (James) khi bà 45 tuổi và con trai thứ hai, hiện 17 tháng tuổi, vào năm ngoái.
Liu Ling Ling, ca sĩ kiêm diễn viên 61 tuổi, kể lại trải nghiệm tương tự cách đây nhiều năm. Khi đang bế con trai, chân bà đột nhiên có cảm giác yếu ớt, gần như khuỵu xuống. Sau đó, bà hạn chế bế con trai quá lâu.
Tài chính cũng là một yếu tố quan trọng những người quyết định có con ở độ tuổi cao cần cân nhắc. Nhiều người gặp khó khăn khi cân đối khoản tiết kiệm đã dành dụm cả đời giữa việc đầu tư cho con cái và đáp ứng nhu cầu tuổi già của chính họ. Do ba mẹ họ cũng đã lớn tuổi, họ có rất ít nguồn lực hỗ trợ.
Mặt khác, con cái của những bậc cha mẹ lớn tuổi cũng có lo lắng riêng. Họ đắn đo về trách nhiệm chăm sóc và khả năng chu cấp tài chính cho cha mẹ già, trong khi bản thân vẫn đang đi học hoặc mới bắt đầu sự nghiệp.
Những người khác đề cập đến khoảng cách thế hệ, sự khác biệt về sở thích. Một số người, như Megan, 24 tuổi, cho biết việc có cha mẹ lớn tuổi khiến cô ngần ngại trước rủi ro hơn so với bạn bè đồng trang lứa. Megan là con một, đang học năm cuối đại học. Cha mẹ sinh cô khi họ 45 và 44 tuổi. Năm nay, cả hai gần 70.
"Tôi cảm thấy có rất nhiều điều tôi không thể làm, đặc biệt nếu nó liên quan đến việc xa gia đình trong một thời gian dài. Những người bạn đã tốt nghiệp của tôi đều nói về việc nghỉ một năm để đi du lịch, (hoặc) bắt đầu sự nghiệp ở một nước khác", Megan nói.
Cô cũng khao khát được làm tất cả những điều này, nhưng cảm thấy có nghĩa vụ phải chăm sóc cha mẹ già. Megan luôn lo lắng những việc sẽ xảy đến với hai người khi cô vắng nhà, cách xa cả nghìn kilomet. Vì điều này, Megan cho rằng mình không thể thực sự "sống cho bản thân" và tận dụng tối đa tiềm năng của độ tuổi 20 đẹp nhất, với những hoài bão, lý tưởng lớn. Cô bị áp lực chọn một nghề nghiệp được trả lương cao, để có thể chu cấp tài chính cho cha mẹ.
Dù vậy, nhiều người vẫn cho rằng sinh con khi lớn tuổi vẫn có nhiều điểm tích cực. Họ trưởng thành hơn về mặt sức khỏe tinh thần và ổn định tài chính.
"Năng lực tài chính của tôi ở hiện tại tốt hơn nhiều so với 10 hoặc 15 năm trước. Nếu sinh con vào lúc đó, tôi phải vật lộn để trang trải học phí trường mầm non, tư thục, các lớp học ngôn ngữ hoặc buổi học thể thao", bà Lejtenyi nói.
Một phụ huynh khác, Yuen Tat, 64 tuổi, có hai con sinh đôi 14 tuổi, tin rằng vì tuổi cao, ông có thêm nhiều góc nhìn và hiểu rõ bản thân hơn. Nhà tư vấn công nghệ cho biết, điều này có nghĩa ông quyết đoánm sẵn sàng làm chỗ dựa về tinh thần cho con cái.
Bên cạnh việc quản lý sức khỏe và tài chính, chuyên gia khuyên các bậc cha mẹ lớn tuổi xây dựng mạng lưới hỗ trợ xã hội đáng tin cậy. Tiến sĩ Tan Ern Ser, nhà xã hội học tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS), cho biết việc vun đắp một mạng lưới như vậy sẽ mang lại cho con họ sự đảm bảo. Khi cha mẹ không còn nữa, con cái vẫn có thể dựa vào những mối quan hệ xã hội họ xây dựng trước đây.
Tiến sĩ Cheung Hoi Shan, trợ lý giáo sư tại Viện Giáo dục Quốc gia nhận định, nếu việc chăm sóc cha mẹ già trở thành ưu tiên vào một thời điểm nào đó, các thành viên trong gia đình cần bàn bạc kỹ lưỡng, thậm chí vạch ra một kế hoạch cụ thể. Anh chị em trong gia đình nên chia sẻ trách nhiệm chăm sóc cha mẹ với nhau.
Bà Ng Siau Hwei, Trưởng khoa Tâm lý tại Viện Y tế Nhi, Đại học Quốc gia Khoo Teck Puat, cho biết trẻ em ở các độ tuổi khác nhau có quan điểm về cái chết theo cách khác nhau. Vì vậy, cha mẹ nên chú ý đến mức độ hiểu biết của con mình, trước khi giải thích cho chúng về vấn đề này.
"Nếu thực sự phải đề cập đến chủ đề đó, điều quan trọng là cả hai phụ huynh đều thống nhất về những gì cần nói và cách nói", bà Ng nói thêm.