Thai ngoài tử cung là tình trạng hết sức nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai. Vì thế, mẹ bầu phải nắm được những dấu hiệu của bệnh này để kịp thời chữa trị, tránh gây những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe sinh sản.
Các triệu chứng của mang thai ngoài tử cung thường có thể xuất hiện từ tuần 4 đến tuần 12 của thai kỳ. Để phát hiện được những dấu hiệu này, mẹ bầu phải được bác sĩ thăm khám kỹ lưỡng.
1. Thai ngoài tử cung là gì?
Thai ngoài tử cung là hiện tượng thai không làm tổ trong buồng tử cung mà lại nằm ở một số vị trí khác như:
- Thai nằm ở vòi tử cung: trường hợp này hay gặp nhất và chiếm đến 95%.
- Thai nằm ở buồng trứng, cổ tử cung, ổ bụng, vòi tử cung…
Hiện tượng thai không làm tổ ở tử cung mà lại nằm ở một số vị trí khác gọi là mang thai ngoài tử cung. (Ảnh minh họa)
1.1 Nguyên nhân thai ngoài tử cung
- Thai phụ bị viêm dính vòi tử cung (đa phần là do nhiễm Chlamydia).
- Vòi tử cung có những bất thường bẩm sinh.
- Vòi tử cung bị xoắn
- Vòi tử cung co bóp và nhu động bất thường
- Mẹ bầu có khối u ở phần phụ, ví dụ như u buồng trứng
- Lạc nội mạc tử cung
- Đã từng can thiệp vào buồng tử cung, ví dụ như nạo thai
- Sử dụng các kĩ thuật hỗ trợ sinh sản.
1.2 Dấu hiệu mang thai ngoài tử cung tháng đầu
Các mẹ bầu có thể dựa vào những dấu hiệu bất thường sau đây để phát hiện việc mang thai ngoài tử cung:
Chậm kinh
Đây là dấu hiệu của đa phần những trường hợp có thai ngoài tử cung. Tuy nhiên, đối với những người phụ nữ có kinh nguyệt không đều thì sẽ rất khó dự đoán ngày hành kinh để theo dõi dấu hiệu này.
Đau bụng
Nếu mang thai ngoài tử cung, mẹ bầu thường sẽ đau ở vị trí chỗ thai làm tổ ngoài tử cung. Thường sẽ xảy ra hiện tượng đau vùng bụng dưới. Tình trạng đau bụng sẽ kéo dài, âm ỉ khó chịu. Đôi lúc sẽ đau dữ dội kèm chảy máu âm đạo. Thai càng phát triển thì mức độ đau bụng sẽ càng tăng.
Ra máu âm đạo bất thường
Một số hiện tượng ra máu âm đạo bất thường có thể xảy ra như sau:
- Ra máu trước hoặc sau ngày dự kiến hành kinh.
- Ra máu âm đạo kéo dài.
- Máu đỏ sáng hoặc sẫm hơn, loãng hơn bình thường.
Một vài dấu hiệu khác
Nếu khối thai ngoài tử cung bị vỡ, mẹ bầu còn có dấu hiệu toát mồ hôi, choáng váng, chóng mặt và có thể ngất đi.
2. Thai ngoài tử cung mấy tuần thì vỡ và mức độ nguy hiểm
2.1 Thời điểm vỡ của thai ngoài tử cung
Để xác định được thời điểm vỡ của thai ngoài tử cung là tương đối khó khăn. Thời gian vỡ ảnh hưởng bởi những yếu tố sau đây:
Vị trí thai làm tổ
Khi thai ngoài tử cung, thai có thể nằm ở vòi trứng, buồng trứng, ổ bụng….Vị trí thai làm tổ cũng ảnh hưởng tới thời gian vỡ. Ví dụ như không gian vòi trứng hẹp hơn buồng trứng và ổ bụng nên thời gian vỡ sẽ sớm hơn.
Kích thước nơi thai làm tổ
Do cơ địa không giống nhau nên kích thước của một số bộ phận như buồng trứng, vòi trứng cũng khác nhau. Đây cũng là yếu tố ảnh hưởng tới thời gian vỡ của thai ngoài tử cung.
Sự phát triển của thai nhi
Mỗi thai nhi đều có sự phát triển không giống nhau. Vì thế, thời gian thai ngoài tử cung bị vỡ cũng sẽ khác nhau.
Thai ngoài tử cung có thể vỡ vào bất kỳ lúc nào nên mẹ bầu nên đến khám bác sĩ để được theo dõi chặt chẽ và sát sao hơn, tránh những hậu quả đáng tiếc.
2.2 Thai ngoài tử cung bao lâu thì chảy máu
Thai ngoài tử cung khi bị vỡ sẽ hết sức nguy hiểm, thậm chí là ảnh hưởng tới tính mạng của mẹ bầu. Một số hậu quả có thể xảy ra là:
Mẹ mất nhiều máu
Nếu thai ngoài tử cung bị vỡ, các mạch máu ở nơi thai làm tổ cũng sẽ bị vỡ theo. Từ đó sẽ dẫn đến hiện tượng chảy máu ồ ạt, tràn vào ổ bụng. Lúc này, mẹ sẽ bị mất rất nhiều máu, có thể bị tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Nơi thai làm tổ bị tổn thương nghiêm trọng
Hậu quả của việc thai bị vỡ là dẫn đến tổn thương nghiêm trọng ở nơi thai làm tổ. Đặc biệt, nếu thai làm tổ ở vòi tử cung, bác sĩ sẽ phải cắt bỏ hoặc khâu bảo tồn vòi tử cung để không làm ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ. Khả năng thụ thai của mẹ bầu sẽ bị giảm đi. Ngoài ra, ở lần mang thai sau, mẹ cũng có tỷ lệ mang thai ngoài tử cung cao hơn.
3. Thai ngoài tử cung có giữ được không?
Khi đã xác định thai phụ mang thai ngoài tử cung thì không thể giữ được mà bắt buộc phải điều trị. Tùy thuộc vào tình trạng của người bệnh và một số yếu tố khác mà bác sĩ sẽ đưa ra những cách điều trị cho phù hợp. Các phương pháp cơ bản để điều trị thai ngoài tử cung như sau:
Theo dõi sự thoái triển tự nhiên
Trong trường hợp thai ngoài tử cung chỉ xuất hiện triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng thì cần theo dõi chặt chẽ vì có thể thai sẽ tự tan. Bác sĩ sẽ phải theo dõi thường xuyên về việc chảy máu âm đạo và triệu chứng đau bụng của thai phụ. Nếu phương pháp này không thuận lợi thì cần thiết phải lựa chọn cách điều trị khác.
Sử dụng thuốc
Nếu được phát hiện sớm, kích thước khối thai nhỏ và chưa bị vỡ, bác sĩ có thể chỉ định tiêm thuốc để giúp khối thai tự tiêu. Thuốc sẽ có cơ chế như sau: ngăn chặn các tế bào phân chia. Sau đó, khối thai sẽ được cơ thể hấp thu sau 4-6 tuần. Ưu điểm của phương pháp này là ống dẫn trứng vẫn được bảo tồn.
Phẫu thuật
Không phải bất cứ trường hợp mang thai ngoài tử cung nào cũng đều phải phẫu thuật. Khi kích thước của khối thai đã lớn (trên 3cm) thì phải được phẫu thuật nội soi hoặc phẫu thuật mở. Nếu không được phát hiện kịp thời, thai phát triển đến khi bị vỡ, người mẹ ở trong tình trạng mất móc, mệt mỏi, choáng váng, khó thở thì cần nhanh chóng nhập viện để tiến hành mổ cấp cứu.
4. Bị thai ngoài tử cung khi nào thì mang thai lại?
Sau khi tiến hành phẫu thuật thai ngoài tử cung, thời gian phục hồi của mỗi người sẽ khác nhau. Điều này còn phụ thuộc vào mức độ bệnh, sự thành công của ca phẫu thuật và sức khỏe người bệnh. Vì thế, theo như khuyến cáo của các bác sĩ thì sau phẫu thuật từ 6 tháng đến 1 năm thì bệnh nhân mới nên mang thai trở lại. Khi đó, vết mổ cùng chức năng của cơ quan sinh dục đã được hồi phục.
5. Phòng ngừa thai ngoài tử cung
Thường xuyên vệ sinh vùng kín
Để phòng ngừa thai ngoài tử cung, chị em cần phải vệ sinh vùng kín cẩn thận. Đặc biệt là trong kỳ kinh nguyệt, sau khi quan hệ tình dục và thời gian sau sinh và cho con bú.
Khám phụ khoa định kỳ
- Phụ nữ nên khám phụ khoa định kỳ để kịp thời phát hiện những vấn đề bất thường như viên nhiễm để được kịp thời điều trị, tránh bị những biến chứng gây ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản.
- Vào giai đoạn sớm của thai kỳ, nếu mẹ bầu bị đau bụng hay có hiện tượng ra máu bất thường thì cũng cần phải đi khám phụ khoa ngay. Có thai ngoài tử cung nếu được phát hiện sớm sẽ giúp giảm các nguy cơ mất máu, choáng, tử vong và có thể giữ lại được vòi trứng.