Chủ quan với những dấu hiệu bất thường trong thai kỳ là điều vô cùng nguy hiểm, có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho cả mẹ và bé.
Mỗi dấu hiệu bất thường có thể là biểu hiện của nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau, từ những vấn đề nhẹ như nhiễm trùng đường tiểu đến những vấn đề nghiêm trọng hơn như sảy thai, thai ngoài tử cung, tiền sản giật... Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, những vấn đề này có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi và sức khỏe của mẹ. Quan trọng hơn, đừng chủ quan bỏ qua những dấu hiệu bất thường của cơ thể trong thai kỳ.
Dưới đây là câu chuyện được nhà báo Zara Hanawalt chia sẻ trên Babycenter. Các mẹ bầu nên tham khảo để biết rằng, một chút hiểu biết cộng với quyết đoán có thể cứu sống bản thân và các con mình.
Khi biết mang song thai, bên cạnh niềm vui vô bờ bến, tôi cũng ý thức được rằng thai kỳ của mình có nguy cơ cao hơn những người mang đơn thai. Mang đa thai vốn có rủi ro cao hơn và mặc dù tôi còn trẻ, khỏe mạnh nhưng cũng không thể nói trước được điều gì.
Tôi vượt qua tam cá nguyệt thứ nhất và thứ hai trải qua một cách trơn tru. Mỗi lần siêu âm, bác sĩ nói "mọi thứ ổn", tôi đều thở phào nhưng bản thân cũng tự hỏi "liệu có thể vượt qua thai kỳ song sinh mà không gặp trở ngại lớn nào không?".
Bước vào tam cá nguyệt thứ ba, dấu hiệu không ổn bắt đầu xuất hiện. Bụng tôi bắt đầu ngứa, sau đó là xuất hiện phát ban. Ban đầu tôi chỉ nghĩa đó là do da bị khô - độ ẩm trên da giảm dần khi giao mùa và da bụng tôi căng ra. Nhưng tình trạng phát ban trở nên đỏ hơn, tôi cũng ngứa hơn theo ngày và vô cùng khó chịu. Cuối cùng, nó tồi tệ đến nỗi tôi phải đi tắm vào lần trong đêm để dễ chịu hơn.
Sự ngứa ngáy rồi cũng lan ra khắp cơ thể, ở tay và chân, trên ngực, trên cổ... Ngay lập tức tôi đã đi khám.
Sau khi siêu âm, đo vòng bụng, bác sĩ nói với tôi rằng mọi thứ đều ổn. Ngay cả khi tôi kể về tình trạng phát ban của mình, bác sĩ vẫn nói rằng đó chỉ là những vết rạn da, không có gì đáng ngại. Thậm chí, bác sĩ còn không đưa ra cho tôi một cách thức nào để giảm triệu chứng.
Sau lần tái khám, tình trạng phát ban trở nên tồi tệ hơn nữa. Tôi ngứa từ ngực đến chân, cả 2 cánh tay. Vốn là người làm việc liên quan đến lĩnh vực sức khỏe, tôi đã nghe nói về tình trạng gọi là ứ mật trong gan hay ứ mật thai kỳ có thể gây ngứa. Tình trạng này hiếm gặp, chỉ khoảng 2/1.000 trường hợp mang thai, nhưng cũng rất nghiêm trọng. Nó có thể gây sinh non và các vấn đề về hô hấp cho em bé - hoặc thậm chí thai chết lưu. Và giống như hầu hết các biến chứng thai kỳ, nó phổ biến hơn ở phụ nữ mang đa thai.
Tôi tự hỏi liệu ứ mật có thể là nguyên nhân khiến tôi ngứa dữ dội như thế này hay không? Để giải tỏa lo lắng, tôi đã gọi lại cho bác sĩ của mình để sắp xếp một cuộc hẹn khác.
Ở cuộc hẹn tái khám, trợ lý bác sĩ đã kiểm tra tình trạng phát ban của tôi và nói rằng có thể tôi đang bị PUPPP thai kỳ. PUPPP - viết tắt của sẩn ngứa và mảng bám mày đay khi mang thai - là phát ban phổ biến nhất khi mang thai, ảnh hưởng đến khoảng 1 trong 200 người mang thai. Tôi cũng đã nghĩ đến khả năng này trong khi tìm hiểu về tình trạng của mình.
Mặc dù chẩn đoán như vậy nhưng tôi vẫn được tiến hành kiểm tra nguy cơ ứ mật. Kết quả là tôi được chẩn đoán mắc PUPPP và ứ mật. Ngay lập tức, tôi được kê thuốc uống và đẩy ngày dự sinh lên sớm hơn. Tôi được khuyến cáo nên sinh ở khoảng tuần thứ 37 thai kỳ. Tôi được theo dõi nhịp tim và chuyển động của thai 2 lần/tuần. Thời gian đó, tôi cảm thấy bầu bí đúng là công việc toàn thời gian của mình, thật bận rộn và quá sức. Nhưng tôi biết ơn vì điều đó giúp tôi an tâm là các con được an toàn.
Ở tuần thứ 36, huyết áp của tôi tăng cao. Các y bác sĩ hội chẩn để tìm cách xử lý trường hợp của tôi tốt nhất. Tôi được chẩn đoán bị tiền sản giật vào ngày hôm đó, trước lịch sinh mổ vài ngày. Tiền sản giật có thể gây tử vong cho cả tôi và em bé, vì vậy, các bác sĩ quyết định mổ đẻ ngay cho tôi.
Các con tôi sinh non, một trong hai đứa phải nằm ở phòng chăm sóc đặc biệt. Nhưng cuối cùng chúng cũng an toàn bước vào thế giới này. Dù sinh mổ sớm hơn dự định nhưng may mắn và mọi thứ diễn ra suôn sẻ.
Nghĩ lại những gì đã trải qua, tôi tự hỏi "nếu thời điểm đó tôi không yêu cầu một cuộc tái khám hoặc tin vào kết quả khám trước đó thì điều gì sẽ xảy ra. Điều gì sẽ xảy ra nếu không có những lần khám bổ sung phát hiện tôi bị tiền sản giật?". Tôi không dám nghĩ đến những gì sẽ xảy ra với mình và các con. Có thể bác sĩ sẽ phát hiện ra tình trạng của tôi ở những lần khám sau đó nhưng rất khó để đảm bảo mẹ con tôi không gặp rủi ro gì cho đến lúc đó. Vậy nên, hy vọng chia sẻ này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc theo dõi sức khỏe trong thai kỳ.
Chúc bạn có một thai kỳ khỏe mạnh và sinh nở thuận lợi!