Một nàng dâu “bêu” cơm cữ mẹ chồng lên MXH vì quá đạm bạc cùng lời tủi hờn oán trách. Nhiều mẹ bỉm đồng cảm, còn vợ Xuân Bắc thì lại có ý kiến ngược lại.
Vợ Xuân Bắc không đồng tình tư tưởng “tôi đẻ cho họ nhà bà thì bà phải phục vụ tôi”
Mâm cơm cữ được đăng tải với 2 quả trứng luộc, một bát mắm và chút cơm trắng, hôm nào may mắn thì mới có chút thịt và canh rau và nàng dâu nọ than phiền rằng “không nuốt nổi”. Cùng với hình ảnh mâm cơm là lời trách ngầm “dù gia đình chồng khá giả” nhưng cơm cữ lại đạm bạc đến như vậy… Bài viết của nàng dâu này nhận được rất nhiều lời cảm thông từ chị em.
Mâm cơm cữ mẹ chồng chuẩn bị và bài viết chê trách mẹ chồng của nàng dâu.
Tuy nhiên, chị Hồng Nhung (vợ nghệ sĩ Xuân Bắc) lại bày tỏ quan điểm không đồng tình. Chị viết: “Tôi rất ghét mấy đứa nói xấu, trách cứ mẹ chồng, rồi ra vẻ là tôi đẻ cho họ nhà bà thì bà phải phục vụ tôi…” và bày tỏ thái độ rằng nàng dâu này có thái độ “cứ như nữ hoàng mới biết đẻ ý”.
Quan điểm này của chị Hồng Nhung gây ra những phản ứng trái chiều còn hơn cả “bản gốc” ý kiến của nàng dâu kia, người ta “ném đá” chị vì không thấu hiểu thân phận đàn bà. Nhưng cũng không ít ý kiến đồng tình vì cho rằng mẹ chồng thực ra không có trách nhiệm phải chăm nàng dâu khi ở cữ bởi việc sinh con là do vợ do chồng quyết định, không can dự đến ông bà nội ngoại.
Quan điểm của vợ Xuân Bắc gây tranh cãi.
Thực tế, không ít phụ nữ Việt có xu hướng cho rằng “cháu ông bà, ông bà phải có trách nhiệm”. Chính vì vậy chuyện “bêu” những mâm cơm cữ của mẹ chồng vẫn diễn ra như cơm bữa.
Không ít nàng dâu còn “oán trách” mẹ chồng: “Chịu khó đi nhảy đầm không chịu trông cháu”. Điều này có phần dễ hiểu vì mẹ chồng ở ta thực tế cũng can dự vào cuộc sống của không ít nàng dâu như việc về nhà mẹ đẻ cũng phải xin phép, như việc đòi con trai đưa lương mẹ chồng giữ dù con trai đã lập gia đình riêng… và hệ lụy kéo theo là các nàng dâu cũng cho rằng trách nhiệm trông cháu cũng là của bà. Quan niệm này gắn với các nước Á Đông, chứ không chỉ riêng Việt Nam.
Tuy nhiên, ở phương Tây, 18 tuổi đã được coi là trưởng thành và nam giới hay nữ giới đều phải tự lập lo cuộc sống của mình. Cha mẹ hay ông bà phương Tây luôn quan tâm đến con cháu và rất tình cảm, nhưng họ luôn xác định mình là phần thêm vào, hỗ trợ, chứ không còn có quyền can dự vào cuộc sống riêng con, cháu mình hay gia đình của chúng nữa.
Chính vì vậy, người phương Tây không bị (để) bố mẹ đẻ hay bố mẹ chồng can dự vào cuộc sống, họ tự quyết định cuộc đời mình và đồng nghĩa với điều đó họ cũng phải tự chịu trách nhiệm chứ không trông chờ hay ỷ lại vào sự giúp đỡ của bố mẹ chồng hay bố mẹ đẻ.
Mẹ chồng không phải là ôsin, hãy nhớ “đẻ được phải tự nuôi được”
Suy cho cùng, ông bà nội hay ngoại của con mình đã có 1 đời lo lắng cho con cái và đến lúc họ cũng cần được nghỉ ngơi. Đến khi nào chúng ta tự xác định được rằng “con mình đẻ mình nuôi”, đó mới là quan niệm đúng. Ông bà có thể thương con, thương cháu mà giúp đỡ theo cách này hay cách khác, nhưng sự thực họ không có nghĩa vụ phải bao bọc, phục vụ hay cung phụng nàng dâu hay cháu mình.
Hãy thử đặt ngược vị trí mẹ chồng vào vai mẹ đẻ mình và phải phục vụ nàng dâu (là vợ em trai mình) và cô em dâu kia cũng lên mạng than phiền rằng bà chăm sóc thiếu chu đáo bạn sẽ hiểu hơn ai là người đúng.
Ở góc độ nào đó có thể thông cảm với sự tủi thân của nàng dâu khi vừa trải qua việc mang nặng đẻ đau, đang trong thời kỳ phục hồi sức lực và chăm sóc con mọn nhiều mệt nhọc. Và cũng đúng khi phụ nữ rất cần được bồi bổ, chăm sóc và thấu hiểu trong giai đoạn khó khăn này, nhưng như thế không có nghĩa người đáng trách là bà mẹ chồng kia. Người đàn ông bạn đã lấy làm chồng, người cha của con bạn đã ở đâu trong lúc này? Đó mới là người thực sự bạn cần đòi “chịu trách nhiệm”, chứ không phải mẹ của anh ta.
Hãy nghĩ thế này cho công bằng nhé. Việc sinh ra 1 đứa trẻ là quyết định của người cha, người mẹ và chúng ta thực sự cần là người chịu trách nhiệm với việc đó, chứ không phải bất kỳ ai khác.
Vào lúc người vợ đang chăm con, lúc vừa trải qua cơn vượt cạn, thì lúc này người chồng hơn bao giờ hết cần thể hiện vai trò làm chồng, làm cha giúp vợ trải qua thời kỳ ở cữ một cách vui vẻ, thoải mái nhất.
Làm ơn đi, hãy dừng ngay việc trông chờ vào bố mẹ đẻ hay bố mẹ chồng. Họ là cha mẹ chúng ta, không phải ôsin. Chúng ta ai cũng chỉ có 1 cuộc đời để sống, khi về già cần được nghỉ ngơi là điều rất bình thường. Họ không có nghĩa vụ 1 đời chăm sóc nuôi nấng con cái, rồi giờ đến lượt chăm sóc nuôi nấng cháu, chắt.
Có phải chính bạn cũng mong ước một cuộc sống được nhàn hạ lúc về già, được làm những gì mình thích không? Nếu họ đã không ngồi đó để trông đợi con cái phụng dưỡng báo hiếu khi về già thì làm ơn đi hãy tự lo cho chính mình và con cái mình đi đã.
Trước khi làm cha mẹ hãy làm người trưởng thành. Chúng ta đến tuổi sinh đẻ là có thể có con, nhưng làm cha làm mẹ không phải ai cũng biết. Nhưng ít nhất bài học cơ bản cần phải thuộc đó là “đẻ được phải tự nuôi được”. Đừng đổ trách nhiệm lên những người già vì quyết định làm cha làm mẹ của mình.
Phụ nữ trước khi bước vào hôn nhân hãy nhớ. Làm dâu đừng coi mẹ chồng là 1 nhân vật thù địch, họ là người sinh ra chồng bạn, nếu không cảm ơn thì cũng đừng trách cứ. Bởi quyết định lấy con trai bà là của bạn, hôn nhân cũng là của bạn, con cái là do 2 vợ chồng bạn sinh ra, vì vậy hãy làm chủ cuộc đời mình.
Thậm chí, ngay cả việc dành phần tự nấu cơm cữ về cho chồng bạn hay người giúp việc mà bạn tự thuê… cũng là quyền của bạn cả đấy!