Cách nấu cháo sườn thơm ngon dù là áp dụng công thức nào thì cháo cũng sánh mịn và bổ dưỡng. Tham khảo bí kíp nấu cháo với sườn heo siêu ngon của Bếp Eva ngay sau đây.
Cách chọn nguyên liệu nấu cháo sườn
Dù nằm lòng cách nấu cháo sườn ngon nhưng nếu bạn không chọn được nguyên liệu ngon sẽ ảnh hưởng tới chất lượng của món ăn.
1. Hướng dẫn chọn sườn ngon
Khác với sườn để hầm hay làm sườn xào chua ngọt, nấu cháo sườn sẽ sử dụng sườn non có phần thịt dày. Theo kinh nghiệm của các bà nội trợ, sườn non không chỉ mềm, thơm mà có đủ cả nạc cùng mỡ nên rất béo ngậy.
Để chọn sườn non ngon nấu cháo, bạn nên:
- Màu sắc: Nên chọn phần sườn có màu sắc tươi, hồng. Quan sát chỗ cắt lát của xương có màu đỏ, còn dính máu. Lớp mỡ trong sườn hơi trắng ngả sang màu ngà. Những dấu hiệu này cho thấy phần sườn bạn chọn tươi ngon.
- Độ đàn hồi: Tương tự như cách chọn thịt, bạn dùng tay ấn nhẹ vào phần thịt sườn. Trường hợp thấy thịt giữ được độ đàn hồi tốt thì đó là thịt lợn mới mổ còn tươi ngon.
- Kích thước của xương: Khi lựa chọn sườn, bạn nên ưu tiên những miếng sườn có xương vừa phải không quá to hoặc không quá nhỏ. Phần xương dẹt như thế thịt mới nhiều. Nếu phần xương sườn quá nhỏ thì tỉ lệ cao là được mổ từ lợn nhỏ, ăn không ngon, thịt bị quá mềm không đủ chất lượng. Thậm chí có thể là do lợn bệnh.
2. Loại gạo nào nấu cháo ngon nhất?
Trong cách nấu cháo sườn ngon chị em nhất định phải nằm lòng mẹo chọn gạo. Không phải loại gạo nào đem nấu cháo cũng ngon. Kinh nghiệm cho thấy, những loại gạo nấu cháo yếu tố đầu tiên phải là gạo sạch.
Ngoài ra, bạn cũng cần ưu tiên loại gạo mới, có độ dẻo và thơm nhất định. Một số loại gạo mà bạn có thể tham khảo như: Gạo Nhật, gạo tám Điện Biên, gạo bắc hương,...
Một số chị em còn dùng gạo nếp để nấu cháo. Tuy gạo nếp thơm và dẻo nhưng không nên nấu 100% loại gạo này. Thay vào đó, bạn nên pha thêm gạo tẻ với tỉ lệ hợp lý.
Mẹo khử mùi tanh, hôi của sườn non
Để bát cháo ngon, thơm, ngọt từ xương bạn cần sơ chế thịt sườn trước. Phần sườn heo khi chưa qua chế biến luôn có mùi hơi tanh, hôi đặc trưng. Mẹo làm sạch sườn non rất đơn giản.
- Chần sườn: Bạn nên đem sườn đi chần sơ qua nước sôi sau đó đem rửa lại cùng nước sạch. Thao tác này sẽ giúp loại bỏ phần máu thừa cùng tạp chất có trên xương.
- Ngâm trong nước gạo: Một bí kíp được rất nhiều chị em nội trợ sử dụng là đem ngâm xương trong nước vo gạo. Thời gian ngâm khoảng 1 tiếng đồng hồ. Xương sườn sơ chế kiểu này sẽ hết sạch mùi hôi, tanh. Tuy nhiên lại tiêu tốn khá nhiều thời gian.
- Dùng giấm ăn: Nếu bạn ngại chờ đợi thì có thể dùng giấm ăn để rửa sườn. Trước tiên bạn pha giấm cùng nước sạch sau đó cho thịt sườn vào ngâm. Để khoảng 10 - 15 phút thì vớt ra rửa sạch. Ngoài bỏ hết được phần máu thừa, cặn bẩn, giấm còn có tác dụng làm cho thịt mềm và ngon hơn.
- Dùng nước muối: Tương tự như với giấm ăn, bạn lấy muối pha cùng nước ấm rồi cho sườn vào ngâm khoảng 20 phút. Cách này sẽ giúp cho sườn được khử trùng sạch và không còn mùi hôi, tanh nữa.
1. Cách nấu cháo sườn Hà Nội
Cách nấu cháo sườn chuẩn vị miền Bắc của người Hà Nội nóng hổi, thơm ngon, sánh mịn. Đặc biệt phù hợp với những ngày mùa đông thời tiết lạnh. Vị ngọt đậm đà truyền thống với nước hầm xương sườn lợn (heo) và các loại gia vị làm cho món cháo nổi tiếng trứ danh đất Hà Thành.
Nguyên liệu nấu cháo sườn
- Gạo tẻ: 350g
- Sườn non: 500g
- Hành tím: 2 củ
- Hành lá, ngò gai: 1 mớ
- Gia vị: Muối, bột nêm, hạt tiêu xay, bột ngọt
Chọn sườn non nhiều thịt để nấu cháo
Hướng dẫn cách nấu cháo sườn ngon
Bước 1: Ngâm và xay gạo
- Trước tiên, để cháo nhanh nhừ, nhuyễn thì cần cho gạo vào ngâm nước lạnh trong ít nhất 3 tiếng để gạo “no” nước. Không nên ngâm quá lâu gạo dễ bị chua, cháo không ngon.
- Gạo ngâm xong đổ ra rá cho ráo nước sau đó cho vào máy xay, xay nhỏ nhuyễn rồi đổ ra tô.
Gạo ngâm rồi xay nhuyễn
Bước 2: Sơ chế sườn và hầm lấy nước nấu cháo
- Sườn non chặt miếng dài, rửa sạch với nước.
- Đặt nồi lên bếp, đổ 600ml nước vào đun sôi sau đó cho sườn vào chần qua trong 2 phút thì vớt ra rửa lại với nước sạch.
- Rửa sạch nồi đặt lên bếp, cho sườn vào nồi rồi đổ 1,5 lít nước vào, cho thêm 1 thìa cà phê muối, đậy vung rồi bật bếp đun sôi thì vặn nhỏ lửa hầm trong 1 giờ. Dùng thìa hớt váng bọt để nước hầm xương được trong.
Cho xương vào hầm lấy nước nấu cháo
- Hầm xương sườn xong, vớt xương ra lọc lấy thịt để riêng ra bát, bỏ phần xương.
- Chuẩn bị một chiếc thau sạch, đổ nước hầm xương lọc qua rây lọc vào thau để loại bỏ xương vụn.
Bước 3: Nấu cháo sườn
- Đổ nước hầm xương vào nồi, đổ gạo vào rồi đậy vung lại, bật bếp đun lửa vừa, vừa đun vừa dùng đũa khuấy, 5 phút lại khuấy một lần để cháo không bị khê đáy xoong, đến khi sôi thì vặn nhỏ lửa hết cỡ, ninh cháo trong vòng 1 tiếng.
Lưu ý: Nếu khi khuấy cháo mà thấy cháo đặc thì tiếp thêm nước xương hoặc nước sôi rồi khuấy đều lên.
Cháo nấu 5 phút khuấy 1 lần để không bị khê
Bước 4: Xào thịt
- Hành tím bóc vỏ, đập dập băm nhỏ. Bắc chảo lên bếp, cho chút dầu ăn vào đun nóng rồi cho hành tím băm vào phi thơm sau đó cho thịt xương sườn vào đảo đều, nêm thêm chút nước mắm và bột ngọt vào xào trong 3 phút thì tắt bếp.
- Cháo đã nấu chín, đổ thịt đã xào vào nồi rồi khuấy đều lên. Nêm nếm gia vị cho vừa miệng rồi đậy vung đun nhỏ liu diu trong 5 phút thì tắt bếp.
Bước 5: Hoàn thành nấu cháo sườn
- Cháo nấu xong múc ra bát tô, rắc lên trên hành và ngò thái nhỏ, hạt tiêu xay rồi trộn đều thưởng thức. Bạn có thể ăn kèm với quẩy giòn hoặc dăm bông rất ngon.
Cháo thịt sườn nóng hổi ăn cùng quẩy cực ngon
2. Cách nấu cháo sườn nguyên hạt
Nếu như cách nấu cháo sườn của người Hà Nội là dùng gạo giã dối thì cũng có nơi để nguyên hạt. So với công thức truyền thống thì nấu cháo nguyên hạt có phần đơn giản hơn.
Nguyên liệu cần có:
- Sườn heo: 500g
- Gạo tẻ thơm: 300g
- Rau mùi, hành lá, hành tím
- Đường, mắm, muối, mì chính…
Chi tiết cách nấu cháo sườn
Bước 1: Tiến hành sơ chế các nguyên liệu
- Sườn non mua về rửa sạch rồi chặt miếng vừa ăn.
- Gạo tẻ vo sạch rồi ngâm khoảng 2 - 3 tiếng. Thao tác này sẽ giúp cháo nhanh nhừ hơn. Nếu bạn quá vội thì có thể bỏ qua bước này.
- Hành mùi nhặt rồi rửa sạch. Hành tím bóc vỏ, thái lát mỏng để phi thơm.
Bước 2: Nấu cháo
- Cho phần sườn non đã sơ chế sạch vào nồi. Thêm nước rồi đun lên. Khi nồi sườn sôi thì bạn trút sườn ra rổ, rửa lại 1 lần nữa với nước sạch.
- Trút phần sườn đã luộc sơ vào nồi, thêm 1 lít nước rồi hầm cho chín. Nhớ vớt bọt ở bên trên bề mặt để cháo ngon hơn nhé.
- Thịt sườn chín mềm, bạn cho gạo tẻ đã ngâm vào.
- Nồi cháo sôi, dùng muôi vớt thịt sườn ra bát khác. Nếu nhà có trẻ nhỏ thì có thể xé nhỏ phần thịt ra. Nồi cháo trên bếp tiếp tục đun để hạt gạo nở bung ra nhé.
- Khi cháo chín nhừ, bạn cho phần thịt sườn đã vớt ra lúc đầu vào đun tiếp, nêm nếm khẩu vị cho vừa miệng.
Bước 3: Phi hành
Cháo sườn sẽ ngon thơm hơn nhờ phần hành tím phi. Bạn bắc 1 chảo sạch lên bếp rồi cho dầu ăn vào. Dầu nóng, thả hành tím thái mỏng vào sau đó phi cho vàng thơm.
Bước 4: Hoàn thành
- Múc cháo sườn ra bát rồi rắc lên trên bề mặt 1 ít hành lá, rau mùi thái nhỏ, hành tím phi vàng.
Cháo sườn ngon phải nhuyễn nhừ, thịt sườn chín mềm, cháo ngọt thơm, đậm đà. Rắc thêm 1 chút hạt tiêu và ăn kèm 1 vài thanh quẩy thì ngon hết ý.
3. Cách nấu cháo sườn bằng bột
Nhiều người nghĩ rằng chỉ có cháo chai mới nấu bằng bột nhưng cháo sườn cũng có thể sử dụng loại nguyên liệu này.
Nguyên liệu
- Bột gạo xay mịn: 300g
- Sườn heo: 500g
- Xương ống: 300g
- Thịt xay: 100g (không có cũng được)
- Hành tím, mộc nhĩ
- Hành lá, rau mùi
- Dầu ăn, mắm, muối, mì chính, hạt tiêu
Các bước nấu cháo sườn bằng bột
Cách nấu cháo sườn bằng bột cực kỳ đơn giản, chỉ vài bước cơ bản là bạn đã có bát cháo thơm ngon, bổ dưỡng.
Bước 1: Làm sạch nguyên liệu
- Sườn heo mua về rửa sạch, chặt miếng rồi đem ngâm trong nước vo gạo trong khoảng 2 tiếng để loại bỏ hết cặn bẩn, máu thừa.
- Hành tím bóc vỏ, băm nhỏ. Rau mùi, hành lá rửa sạch thái nhỏ.
- Mộc nhĩ ngâm trong nước nóng cho nở rồi vớt ra để ráo và băm nhỏ.
Bước 2: Ninh sườn
Vì nấu bằng bột nên bạn không cần quá bận tâm về thời gian ninh để gạo nhừ. Chủ yếu cần ninh cho sườn mềm ngon.
- Cho xương sườn heo vào nồi rồi thêm nước, 1 thìa hạt nêm, 1 thìa muối vào và đun sôi.
- Khi nồi sườn bắt đầu sôi, bạn vặn lửa nhỏ rồi ninh trong thời gian 30 phút để sườn chín mềm thì tắt bếp.
Bước 3: Xào phần nhân thịt ăn kèm
- Thịt heo xay ướp cùng hành tím băm nhỏ, 1 chút hạt nêm, hạt tiêu và để chừng 30 phút cho ngấm gia vị.
- Bắc chảo sạch lên bếp, thêm vào đây 1 thìa dầu ăn sau đó cho thịt heo đã ướp vào xào chín. Khi thấy thịt săn lại thì thêm mộc nhĩ băm nhỏ vào xào chung.
Bước 4: Nấu cháo sườn
- Cho bột gạo vào nồi xương sườn hầm và đảo cho bột hòa tan. Bật bếp đun cho nồi cháo sôi, sánh mịn. Chú ý điều chỉnh ngọn lửa nhỏ như thế mới không bị bén đáy nồi.
- Nêm nếm gia vị cho vừa miệng sau đó tắt bếp và múc ra thưởng thức.
Chú ý, phần nước xương sườn hầm cần phải để nguội hẳn thì mới cho bột gạo vào như thế mới không bị vón cục.
Bước 5: Thành phẩm
Múc cháo ra bát rồi thêm phần thịt heo xay xào mộc nhĩ, hành lá, rau mùi thái nhỏ lên bên trên. Rắc thêm 1 chút hạt tiêu và thưởng thức.
Món cháo sườn nấu bằng bột này có độ sánh mịn và thơm ngon, đậm đà hương vị. Sườn chín mềm dễ ăn, thịt xay đậm đà, mộc nhĩ giòn giòn rất lạ miệng. Cháo sườn ăn nóng sẽ rất ngon.
4. Cách nấu cháo sườn bằng nồi cơm điện
Với các chị em văn phòng không có nhiều thời gian nhưng vẫn muốn chuẩn bị cháo sườn chiêu đãi cả nhà thì hoàn toàn có thể áp dụng cách nấu cháo sườn bằng nồi cơm điện.
Nguyên liệu cần có
- Sườn heo: 500g
- Gạo tẻ: 1 bát con
- Dầu ăn, muối, hạt tiêu, bột nêm…
Hướng dẫn nấu cháo sườn bằng nồi cơm điện
Bước 1: Sơ chế
- Sườn heo non rửa sạch, chặt khúc vừa ăn. Chần sườn qua nước sôi cho hết mùi tanh cùng phần máu thừa rồi rửa lại với nước lạnh, để cho ráo.
- Gạo vo sạch.
Bước 2: Nấu cháo
- Lần lượt cho sườn heo, gạo tẻ vào nồi cơm điện rồi đổ nước ngập bề mặt gạo khoảng 2 đốt ngón tay. Nêm vào đây 2 thìa dầu ăn, đóng vung lại rồi chọn chế độ “Cook” để bắt đầu nấu cháo.
- Khi nồi cháo sôi, bạn mở nồi cơm điện ra để kiểm tra nhé. Dù nấu bằng nồi cơm điện nhưng bạn đừng quên dùng thìa hớt hết lớp bọt trắng ở bên trên đi nhé.
- Thời gian ninh cháo khoảng 2 tiếng là cả gạo và thịt đều chín mềm. Bạn có thể hầm cháo qua đêm nếu quá bận rộn.
Bước 3: Hoàn thành
Múc cháo sườn ra bát rồi thêm hành lá, rau mùi cùng 1 chút hạt tiêu vào và thưởng thức khi còn nóng.
Cách nấu cháo sườn bằng nồi cơm điện này vừa nhanh, tiện lại thơm ngon. Hạt gạo chín nhừ mềm, thịt sườn mềm thơm, thanh ngọt quyện cùng nhau ăn rất ngon và bổ dưỡng.
Một số mẹo nấu cháo sườn ngon, nhanh nhừ
Cách nấu cháo sườn ngon, nhanh nhừ rất đơn giản, bạn cần lưu ý một số điểm sau:
- Nên trộn 1 phần gạo nếp vào trong gạo tẻ nấu cháo.
- Ngâm gạo trước tối thiểu 30 phút để cháo nhanh nhừ hơn.
- Nếu có thể, bạn hãy rang gạo trước khi đem đi nấu. Mẹo nhỏ này vừa giúp cháo nhanh nhừ, lại thơm ngon khó cưỡng.
- Không cho quá nhiều hoặc quá ít nước.
- Nêm dầu ăn hoặc mỡ heo sẽ giúp cháo thơm, béo ngậy hơn.
- Không dùng đũa đảo quá nhiều trong khi nấu vì như thế cháo sẽ dễ bị cháy vì bén đáy nồi. Nếu không cẩn thận dễ làm cho cháo có mùi khét.
Cháo sườn bao nhiêu calo?
Cháo sườn heo tuy ngon nhưng nhiều người cũng lo ngại món ăn này có lượng calo quá cao, ăn nhiều sẽ bị tăng cân.
Thực tế, dù chọn cách nấu cháo sườn nào thì phần nguyên liệu cũng có đủ sườn, bột gạo. Đây là 2 thứ cung cấp lượng calo không hề nhỏ cho cơ thể. Theo ước tính của các chuyên gia dinh dưỡng, 1 bát cháo sườn cỡ vừa có thể cung cấp 155 calo.
Bên cạnh đó, trong cháo sườn còn chứa rất nhiều chất tốt cho cơ thể như: Vitamin B, kẽm, sắt, chất béo, protein…
Lưu ý khi ăn cháo sườn để không hại sức khỏe
- Không ăn cháo quá nóng bởi dễ gây bỏng niêm mạc thực quản, nếu kéo dài dễ gây ung thư.
- Ăn kèm với các món muối chua như dưa chua… Vì trong dưa chua có lượng muối cao.
- Tránh ăn cháo sườn liên tục trong một thời gian dài sẽ khiến cho hệ tiêu hóa hoạt động kém hiệu quả.
- Cháo sườn chưa được ninh nhừ.
- Người bị các bệnh như viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày ăn cháo sẽ làm cho tình trạng bệnh trở nên nặng hơn.
- Bệnh nhân bị tiểu đường.
Trên đây là 4 cách nấu cháo sườn ngon dành cho các chị em. Hãy lưu lại ngay những công thức cháo sườn dễ nấu này và tham khảo thêm nhiều món ăn ngon khác để chiêu đãi cả nhà nhé.