Xung quanh thử nghiệm “Chọn hoa hay ngọc” gây xôn xao dư luận những ngày qua, nhà thơ Phong Việt cho rằng nhiều nhà buôn hoa đang đánh vào “bệnh hình thức” của khách hàng để “vặt lông cho kỳ hết”.
Vừa qua, clip thực nghiệm xã hội “chọn hoa hay ngọc” với nội dung các cô gái sẵn sàng giẫm nát hoa để nhận ngọc trai từ người xa lạ đã gây nên những tranh cãi không hồi kết từ phía cư dân mạng. Bên cạnh những ý kiến bên phản đối lối sống thực dụng, phản văn hoá của các cô gái thì một vấn đề cũng được đưa ra tranh cãi, đó là nên tặng hoa hay một món quà nào đó thiết thực?
Những dịp lễ lớn, như 8/3, là dịp để kích cầu kinh tế, thúc đẩy giao thương. Ở các nước phát triển, ngày lễ là lúc các nhãn hàng giảm giá rất nhiều để kích thích mua bán, giúp người ta chọn được những món quà ý nghĩa.
Tuy nhiên ở Việt Nam, bệnh hình thức dường như vẫn còn nặng nề nên rất nhiều người chấp nhận lãng phí, mua những bó hoa ở giá trên trời.
Nhà thơ Nguyễn Phong Việt
Lý giải thực trạng này, nhà thơ Nguyễn Phong Việt cho rằng vì tư duy của hầu hết những người bán hàng hiện nay là tư duy “con buôn”.
Ông Việt dẫn chứng: "Dịp nào mà bán được càng nhiều hàng hóa thì càng phải tranh thủ “vặt lông cho kỳ hết” đối với khách hàng. Được một ngày thì phải cố gắng khai thác tối đa lợi nhuận một ngày".
Thạc sĩ Phan Thế Anh, người đã từng sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc và Thái Lan
Từ trường đại học Quốc gia Chiao Tung (Đài Loan), ông Phan Thế Anh cho rằng “tình trạng tặng hoa với số lượng quá lớn, vượt khỏi ý nghĩa tinh thần tượng trưng là lãng phí”.
Vị nghiên cứu sinh tiến sĩ quản trị kinh doanh phân tích dưới khía cạnh kinh tế nhìn nhận “thói quen tặng hoa một cách bất chấp trong các dịp lễ tết của người mua, vô hình chung tiếp tay cho người bán đẩy giá lên quá cao so với giá trị thật.
Ở nhiều nước trên thế giới, họ giảm giá các mặt hàng vào dịp lễ Tết để kích cầu kinh tế, còn chúng ta thì ngược lại chỉ giảm giá vào mùa thấp điểm còn mùa cao điểm thì cố gắng bán giá càng cao càng tốt. Như vậy, thiệt thòi nhất vẫn là người tiêu dùng”.
Đồng quan điểm, nhà văn Hoà Bình cho rằng căn bệnh hình thức, thói phù phiếm và tư duy lãng phí quá phổ biến và đã ăn sâu bén rễ vào người Việt.
“Là phụ nữ, nếu nhận được những bó hoa kiểu đó tôi kêu gọi các bạn nữ hãy phản ứng trực diện. Hãy góp ý chân thành và thẳng thắn với người tặng rằng các anh đừng góp phần kéo lùi sự phát triển của kinh tế. Góp ý thẳng thắn chứ không dẫm đạp lên tình cảm của người khác”, nữ tác giả của “Về đâu những vết thương” chia sẻ.
Còn dưới góc độ chuyên môn, bà Nguyễn Thị Mai Vân - Giám đốc công ty Eropi, đơn vị nhượng quyền trang sức ngọc trai lớn nhất Việt Nam cho rằng sở dĩ nhiều người phải đau đầu với bài toán "chọn hoa hay ngọc" vì đang có sự hiểu nhầm về giá ngọc trai.
Bà Nguyễn Thị Mai Vân - Giám đốc công ty Eropi, đơn vị nhượng quyền trang sức ngọc trai lớn nhất Việt Nam
Theo bà Vân, các sản phẩm ngọc trai thực sự có giá không quá cao như nhiều người quan niệm. Chỉ cần từ hai đến ba trăm nghìn đã có một sản phẩm ngọc trai thông dụng như nhẫn hoặc hoa tai. Nhỉnh hơn chút xíu, một bộ trang sức ngọc trai cũng chỉ ở mức giá khoảng năm trăm nghìn. Với lý giải như vậy, bà Vân cho rằng đáp án cho bài toán chọn hoa hay ngọc hoàn toàn có thể là "chọn cả hai" một cách vẹn toàn./