Khi lực lượng chức năng lập biên bản thì chủ bò bỏ chạy khỏi lò mổ. Tại hiện trường có 7 con bò được bơm nước no căng.
Như NTNN đã thông tin, đoàn kiểm tra liên ngành Chi cục Thú y TP.Đà Nẵng đã kiểm tra và bắt quả tang 3 cơ sở bơm nước vào bò nhằm thu lợi từ trọng lượng tăng lên. “Công nghệ” bơm nước này được rất nhiều lò mổ trên địa bàn Đà Nẵng “áp dụng”...
Bơm no nước cho đến chết
3 cơ sở bị đoàn kiểm tra bắt quả tang là lò giết mổ gia súc do bà Hoàng Thị Minh Huy (60 tuổi, đường Lê Trọng Tấn, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ) làm chủ và 2 cơ sở giết mổ thuộc hợp tác xã (HTX) Hòa Thọ Tây và Trung tâm Chế biến gia súc, gia cầm Đà Nẵng (ở Đà Sơn, Hòa Sơn, huyện Hòa Vang). Theo đoàn kiểm tra, tất cả các cơ sở trên đều có hành vi bơm nước vào bò để gia tăng trọng lượng.
Con bò được bơm nước no căng trước khi mổ
Cơ sở giết mổ bò thuộc HTX Hòa Thọ Tây nằm trong một con hẻm nhỏ, rộng chừng 1.000m2. Khi cơ quan chức năng đến, nơi đây có 14 con bò được đưa từ Bình Định ra, chuẩn bị mổ. Trước khi giết mổ, các con bò được người làm công của các chủ bò đưa một ống nước dài 1,5m vào dạ dày bò rồi bơm nước vào.
Khi phát hiện cơ quan chức năng đến, họ lập tức rút ống nước ra khỏi miệng bò và làm như đang tắm cho bò. Tại hiện trường, có 7 con bò được bơm nước no căng. Khi lực lượng chức năng lập biên bản thì chủ bò bỏ chạy khỏi lò mổ.
Tại lò mổ bà Hoàng Thị Minh Huy, cơ quan chức năng ghi nhận có 30 con bò được đưa từ các nơi về chuẩn bị mổ. Tất cả những con bò này cũng đang trong tình trạng bị bơm nước vào no căng. Thậm chí, khi cơ quan chức năng còn phát hiện bò được bơm căng nước chưa kịp mổ đã lăn đùng ra chết.
Lý giải cho việc làm này, bà Huy thú nhận, các lò mổ trên địa bàn Đà Nẵng đều bơm căng nước vào bò trước khi mổ, mình không làm sẽ thiệt.
Khi lực lượng chức năng kiểm tra, người làm công của chủ bò rút ống ngay lập tức, giống như đang tắm cho bò (trên tay vẫn còn cầm đoạn ống- Ảnh do chi cục cung cấp)
Ông Trần Tới - Chi cục phó Chi cục Thú y Đà Nẵng cho biết, cơ quan chức năng phải kiểm tra đột xuất mới phát hiện sai phạm của các chủ lò mổ bò. “10 đêm lực lượng chức năng đi kiểm tra thì các chủ lò mổ tắt điện, đóng cửa, nói là không giết mổ. Chỉ kiểm tra đột xuất mới phát hiện được” - ông Tới nói.
Mất 35 lít nước thu thêm 4 triệu đồng
Theo ước tính, hiện trung bình mỗi ngày các cơ sở giết mổ bò tại Đà Nẵng giết mổ hàng trăm con, với khoảng hàng chục tấn thịt bò được xuất bán ra ngoài thị trường. Bà H (nhân vật yêu cầu giấu tên), một đầu nậu buôn thịt bò ở TP.Đà Nẵng, tiết lộ: “Ở tất cả các cơ sở giết mổ, hành vi bơm nước vào bò, nơi nào cũng có.
Kỹ thuật của họ rất tinh vi, ít ai có thể phát hiện”. Theo những người làm việc ở các lò mổ, hành vi bơm nước vào bò này xuất hiện gần đây. Hàng ngày, những người làm công đặt ống vào miệng bò, sau đó bơm nước máy vào dạ dày bò. Quy trình bơm nước vào bò bắt đầu từ 2 giờ chiều đến 10 đêm, để cho nước thẩm thấu vào trong thịt nhằm tăng trọng lượng. Sau đó đến 12 giờ đêm, bò được đưa đi mổ.
Lực lượng chức năng phát hiện những đoạn ống nước dài đưa vào con bò để đưa nước vào
Một chủ đầu nậu cho biết, các chủ lò mổ vừa đặt ống nước vào miệng bò, vừa tiêm cho bò vài xi lanh nước muối để giữ nước trong bò không ra ngoài qua đường tiểu. “Dù biết, chúng tôi cũng không dám nói vì sợ các chủ lò mổ cắt nguồn hàng” – một đầu nậu nói. Theo tìm hiểu của phóng viên NTNN, mỗi một con bò trước khi mổ, ít nhất bị chủ lò mổ bơm vào khoảng 35-40 lít nước, làm tăng lợi nhuận cho chủ lò 3-4 triệu đồng/con.
Theo ông Trần Tới, việc ngăn cấm hành vi này đối với các chủ lò mổ là khó khăn, vì rất khó phát hiện và xử lý dứt điểm. Hành vi bơm nước vào bò, chỉ bị xử phạt 3-4 triệu đồng, không thấm vào đâu so với số tiền lời tăng thêm thu được.
Ông Lê Văn Chánh - Phó phòng Thanh tra pháp chế Chi cục Thú y Đà Nẵng cho biết, đây là một hành vi gian lận thương mại, liên quan đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và tính nhân đạo. Thường nguồn nước bơm vào bò được đóng ngay tại lò mổ. Trong khi nơi này nguồn nước rất ô nhiễm vì nơi giết mổ rất mất vệ sinh. Khi nguồn nước thẩm thấu qua vi mạch nhiễm vào thịt, thịt bò sẽ nhiễm vi sinh, mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông Chánh cũng cho biết, hiện chi cục đã tăng cường kiểm tra các lò mổ trên địa bàn. Khi phát hiện hiện tượng bơm nước vào bò, cơ quan chức năng đã bố trí lực lượng trực tại các lò mổ 24/24 giờ nhằm giám sát. Thế nhưng, các thương lái bò đưa bò bơm nước vào các lò mổ ở Quảng Nam và các tỉnh lân cận để mổ, sau đó đem thịt ra ngoài thị trường Đà Nẵng. “Chúng tôi đề nghị các tỉnh lân cận vào cuộc, kiểm tra, kiểm soát, kiên quyết chấm dứt tình trạng “cưỡng bức” nước vào bò nhằm thu lợi bất chính”- ông Chánh nói.
Sẽ xử lý nghiêm các đối tượng bơm nước vào bò, lợn Hôm qua (29.8), trao đổi với phóng viên NTNN, ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản (Bộ NNPTNT) cho biết, việc bơm nước vào lợn, bò trước khi giết mổ khó có thể đảm bảo được tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, bởi khi bơm nước vào nước sẽ phá vỡ cơ cấu của thớ thịt, tạo điều kiện cho các vi sinh vật phát triển. Ngoài ra, chưa kể tới nguồn nước sử dụng bơm vào lợn, bò có đảm bảo vệ sinh hay không. Ông Tiệp cũng cho biết, trước đó, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã chỉ đạo Cục Thú y xác minh, làm rõ sự việc bơm nước vào lợn, bò và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo này cũng được Bộ trưởng Cao Đức Phát nhắc lại tại cuộc họp về chất lượng vật tư nông nghiệp, ATVSTP tháng 7 vừa qua: “Lưu ý, bơm nước vào lợn, bò và gia cầm để thu lợi bất chính là hành vi gian lận thương mại, vi phạm pháp luật và gây mất ATVSTP. Chúng tôi đã chỉ đạo và bây giờ sẽ tiếp tục yêu cầu hệ thống thú y và các đơn vị có trách nhiệm của Bộ và các địa phương, tăng cường kiểm soát, ngăn ngừa, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm theo đúng quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi và sức khoẻ người tiêu dùng”- ông Cao Đức Phát nói. Trước đó, ông Đàm Xuân Thành – Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cũng cho biết, ngành thú y đã phát hiện và xử lý nhiều trường hợp bơm nước vào bò, lợn. Hiện Cục Thú y đã yêu cầu các địa phương kiểm soát vận chuyển gia súc và kiểm tra, buôn bán, tiêu thụ thịt gia súc tại các chợ, nếu phát hiện dấu hiệu nghi ngờ đối với gia súc sống và thịt gia súc có màu sắc bất thường sẽ tiến hành truy xuất nguồn gốc. |