Chủ tịch ngân hàng "làm thuê" ngày càng nhiều

Ngày 24/05/2014 23:46 PM (GMT+7)

Trên giấy tờ, họ không đứng tên sở hữu bất cứ cổ phiếu nào, những vị chủ tịch HĐQT độc lập trong các ngân hàng có quyền lực ra sao dưới góc nhìn của chuyên gia tư vấn luật?

“Tướng” độc lập – lựa chọn có toan tính

Ở một số ngân hàng các ông chủ thực sự đã ra mặt nắm quyền lèo lái, còn số khác lại quyết định “thuê” cựu quan chức cấp cao có tiếng tăm đứng ở vị trí “thủ lĩnh” của ngân hàng. 

Sau 2 năm gánh vác, ông Phạm Hữu Phú - Chủ tịch HĐQT Sacombank đã từ nhiệm, nhường lại vị trí “ghế nóng” cho ông Kiều Hữu Dũng – một gương mặt khá quen thuộc trong giới tài chính ngân hàng. Là tướng mới của Sacombank nhưng trước đó ông Dũng đã được biết tới với tư cách là Phó chủ tịch Sacombank 2 năm qua và trước đó là từng giữ vị trí Vụ trưởng trong Ngân hàng Nhà nước. Là Chủ tịch của Sacombank  nhưng ông Dũng nhưng không nắm cổ phiếu ngân hàng này.

Chủ tịch ngân hàng quot;làm thuêquot; ngày càng nhiều - 1

Chủ tịch HĐQT độc lập tại DongABank nguyên là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - ông Cao Sĩ Kiêm.

Vị “tân” Chủ tịch HĐQT DongABank là TS. Cao Sĩ Kiêm – nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và cũng là thành viên HĐQT độc lập tại ngân hàng từ năm 2012.

Đại hội đồng cổ đông Techcombank vừa rồi cũng mới bầu ông Nguyễn Đoan Hùng làm thành viên HĐQT độc lập sau khi ông này nghỉ hưu ở vị trí Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam. Ông Hùng cũng có kinh nghiệm nhiều năm làm việc tại Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính.

Trao đổi với Infonet, luật sư Trương Thanh Đức – Chủ tịch Công ty Luật BASICO, cho rằng, việc một nhà băng thuê cựu quan chức cấp cao đã từng kinh qua nhiều vị trí quan trọng trong hệ thống quản lý vào vị trí điều hành cao nhất trong ngân hàng lại khiến người ta băn khoăn, đặc biệt trong hoàn cảnh hệ thống ngân hàng hiện nay.

Không phải ngẫu nhiên các ông chủ ngân hàng lại “thuê” những cựu quan chức cấp cao về làm “ông chủ” cho ngân hàng của mình. Ngoài tận dụng thương hiệu, hình ảnh, uy tín của các cựu quan chức, còn có thể tận dụng luôn cả những lợi thế mà bản thân các vị này có được từ quá trình nắm giữ vị trí cấp cao trong bộ máy điều hành tiền tệ quốc gia trước đây.

“Tận dụng được những lợi thế này, các ông chủ ngân hàng sẽ thắng, nhưng cũng là điều băn khoăn nếu có những điều được coi là tối mật lại bị tiết lộ… ” – vị luật sư trầm ngâm.

Ông tiếp lời, “lý thuyết là một chuyện nhưng thực tế tại các ngân hàng hiện nay gần như không có thành viên HĐQT độc lập đúng nghĩa. Cổ đông nhỏ không quyết định lựa chọn những vị trí này, mà chính là các cổ đông lớn nắm quyền chi phối “thuê” về. Và dĩ nhiên, người mà các vị chủ tịch này phải bảo vệ đầu tiên chính là ông chủ ngân hàng, chứ không thể là các cổ đông nhỏ”.

Tướng nào mới là tướng?

Việc thuê các cựu quan chức làm “ông chủ” là quyền và nằm trong tính toán của các ông chủ ngân hàng, song bài học đau xót của ông Trần Xuân Giá – nguyên Chủ tịch HĐQT ACB vẫn còn nguyên đó. Tuy trước bàn dân thiên hạ, ông Giá là chủ tịch ACB, nhưng khi vụ bầu Kiên vỡ ra, câu chuyện điều hành của lãnh đạo thật và lãnh đạo làm thuê cũng mới được tỏ tường đôi chút. 

Vì vậy, việc thay chủ tịch trong bối cảnh các nhà băng đang phải chịu áp lực tái cơ cấu nếu muốn tồn tại là điều dễ hiểu, song ở từng trường hợp cụ thể lại rất đáng chú ý. Ở chiều ngược lại vẫn có không ít băn khoăn, liệu khi “bình mới” có giúp thay “rượu cũ”, hay những vị tướng này chỉ là bình phong, hình thức để che đậy một lớp vỏ bọc khác?.

Không thể phủ nhận hiện vẫn tồn tại những nhà băng mà ông chủ thực chất của họ là đại gia kếch xù, phần nổi của những đại gia này do chính họ nắm giữ, còn phần chìm được “bổ” đều cho những người thân cận, gia đình, bè bạn… Trong trường hợp này, sự thay đổi dù cho vị trí lãnh đạo cao nhất trong nhà băng đi chăng nữa, thì họ chỉ là những “bình hoa để trang trí, làm đẹp”, còn kỳ vọng sự thay đổi hoàn toàn của ngân hàng là rất khó khăn.

“Nếu các ông chủ ngân hàng “thuê” cựu quan chức làm Chủ tịch HĐQT thực sự vì cầu thị, muốn tận dụng năng lực kinh nghiệm khả năng của họ vào củng cố, điều hành ngân hàng là tốt. Còn nếu đưa họ về chỉ để trang trí, làm đẹp đội hình thì cũng chỉ là đánh bóng, có cũng như không. Điều này cũng giống như việc ngân hàng có thời đua nhau thuê CEO người nước ngoài điều hành, nhưng rồi hiệu quả đem lại gần như là con số 0” – ông Đức ví von.

“Khi có rủi ro, hình ảnh tạo dựng được từ mấy chục năm lao động, cống hiến của các vị cựu quan chức có thể đi tong”- luật sư Trương Thanh Đức chia sẻ.

Theo Trường Giang (Infonet.vn)
Nguồn:

Tin liên quan