Cò vây tứ phía: Bất lực với “cò” đất

Ngày 28/10/2013 00:02 AM (GMT+7)

Ngay từ khi sinh ra cho đến lúc mất đi, mỗi người luôn phải khổ sở với đủ loại “cò”, từ đi khám bệnh, lấy biển số xe, mua nhà, xin việc làm cho đến... tìm đất cho người cõi âm. Dù không được thừa nhận là một nghề nhưng “cò“hoạt động ngày càng rầm rộ và đông đảo, gây nhiều hệ lụy cho người dân.

Ngày 26-10, ông Ngô Bá Lánh, Giám đốc Sở Tài chính Phú Yên, thống kê sơ bộ trên địa bàn TP Tuy Hòa cho thấy hiện có trên 10 “cò” (những người môi giới để hưởng tiền chênh lệch) đất. Nhiều thời điểm, lực lượng “cò” rộ lên, gây khó khăn cho việc bán đấu giá các khu đất do nhà nước quản lý.

Chịu thua “cò” đất

Để xoay xở tiền đóng học phí cho 2 con đang học ĐH, ông Nguyễn Văn Thành rao bán lô đất diện tích 100 m2 nằm ở đường Tân Trào, xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa. Ông cắm bảng rao bán đất buổi sáng, đến trưa đã có người gọi điện thoại tự xưng tên Hùng hỏi mua với giá 570 triệu đồng.

Chưa đồng ý vì giá thấp nhưng đến chiều cùng ngày, ra thăm lô đất, ông Thành bất ngờ thấy bảng rao bán đất của mình “không cánh mà bay”. Thay vào đó là một bảng rao bán đất khác với dòng chữ “Bán đất, liên hệ Hùng, ĐT: 0983575xxx”!

Cò vây tứ phía: Bất lực với “cò” đất - 1

Nhiều gia đình ở tỉnh Phú Yên bị “cò” đất rao bán nhà của mình ngay trên tường nhà

Không thể cắm bảng, ông Thành hỏi nhờ nhà bên cạnh viết bằng sơn lên tường ngoài nhà để rao bán đất. Chỉ qua một đêm, bức tường đã bị phun sơn lem luốc rồi ghi chồng tên và số điện thoại của tay Hùng nào đó. Biết không thể “đấu” được với “cò”, ông Thành phải gọi điện thoại đến Hùng để thương lượng lại giá bán đất. Cuối cùng, ông ngậm đắng nuốt cay chấp nhận bán lô đất với giá 575 triệu đồng. Trong khi đó, “cò” Hùng sang tay, lấy ngay 65 triệu đồng trên chính mảnh đất của ông Thành.

Theo giới đầu cơ nhà đất, trong các “cò” đất có máu mặt ở TP Tuy Hòa, nổi tiếng hơn cả vẫn là Sáu T. Những vụ khó khăn như đất không giấy tờ, cần quan hệ với chính quyền địa phương, nhờ Sáu T. ra tay là xong.

Đường Trần Suyền được mở ở khu phố Liên Trì, phường 9, TP Tuy Hòa. Theo quy hoạch, con đường này sẽ chạy kế bên Chi cục Thi hành án dân sự TP Tuy Hòa. Dù ranh giới đường đã được cắm mốc nhưng lại có ngôi nhà đang được xây dựng ngay giữa con đường. Hỏi ra, người dân ở đây cho biết đều phải qua Sáu T.

Chúng tôi tìm gặp Sáu T. để hỏi mua đất ở khu vực này. Người được mệnh danh là “cò có quan hệ rộng” thẳng thắn: “Đất đây đụng quy hoạch nên giá rẻ, 270 triệu đồng/lô. Tôi bảo đảm là xây được nhà. Cứ chuẩn bị tiền phạt 500.000 đồng và tiền nhậu, còn lại tôi lo” - Sáu T. quả quyết.

Sống chung với “cò”

Không chỉ sang tay để kiếm lời, “cò” còn lấn vào tận sân bán đấu giá đất của các cơ quan nhà nước. Trước đây, khi bán đấu giá đất trên đại lộ Hùng Vương, TP Tuy Hòa, hàng loạt “cò” nhảy vào tham gia làm giá lúc ấy “nhảy” loạn xạ, gây thiệt hại không nhỏ cho chính người mua lẫn chính quyền.

Biết lô đất ấy có đại gia muốn mua, thế là “cò” đất tập trung hồ sơ vào đấu giá. Những người không biết cứ vô tư đấu thì bị “cò” đẩy giá lên cao ngất ngưởng. Còn người biết trước thì nói nhỏ với “cò”, chỉ cần “boa” vài triệu đồng thì bỏ giá nhỉnh hơn giá sàn một chút vẫn mua được đất...

“Biết từng hồ sơ “cò” đất nhưng chúng tôi đành chịu vì về thủ tục, họ không làm gì sai” - một cán bộ Sở Tài chính Phú Yên từng tham gia tổ chức đấu giá đất cho biết.

Bất bình trước các “cò” đất, bà Bùi Thị Vân Anh - Phó Chủ tịch UBND phường 9, TP Tuy Hòa - nói: “Dân mình bị thiệt nhiều lắm từ chuyện “cò” đất. Cả bên bán lẫn bên mua đất đều phải mất một khoản tiền phần trăm cho “cò”. Phường nào cũng có “cò” đất. Họ tồn tại lâu rồi và giờ thành như một cái nghề nhưng địa phương chưa cách nào dẹp được”.

Về khu đất xây nhà trái phép trên đường Trần Suyền, bà Vân Anh cho rằng đây có thể là một chiêu lừa của “cò”. Người mua đất cất nhà sẽ phải mất cả chì lẫn chài bởi khi mở đường, họ chỉ được đền bù với giá đất nông nghiệp, không được đền bù nhà.

Ông Hồ Đức Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa, cho biết hiện ở thành phố này có 2 dạng “cò” đất. Một loại chuyên tham gia đấu giá khi nhà nước phân lô đất bán cho dân, loại còn lại mua bán sang tay trong dân. “Cả 2 dạng “cò” đất này tồn tại đã lâu. Chúng tôi biết đấy nhưng chưa có biện pháp nào ngăn chặn được vì về mặt giấy tờ, họ cũng làm đúng. Phải đành sống chung với “cò” đất thôi, chỉ thiệt cho dân mình vì nghe theo họ” - ông Hùng băn khoăn. 

Muốn nhanh, phải qua “cò”

Theo báo cáo của đoàn kiểm tra thủ tục hành chính tỉnh Ninh Thuận, khi chọn ngẫu nhiên 160 hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại văn phòng đăng ký, đoàn phát hiện có đến 64 hồ sơ trễ hẹn so với thời gian quy định từ 30 ngày đến 2 tháng, thậm chí có hồ sơ bị “ngâm” 4-5 tháng. Một thành viên của đoàn kiểm tra cho biết trong quá trình làm việc với Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP Phan Rang -Tháp Chàm, ông đã phát hiện ít nhất 4 “cò” thường xuyên nhận “chạy” sổ đỏ cho người có nhu cầu xin cấp quyền sử dụng nhà ở, đất ở.

“Thái độ làm việc tắc trách của một số cán bộ Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP Phan Rang-Tháp Chàm đã tạo điều kiện cho “cò” thao túng. Dân không mất lòng tin mới là chuyện lạ” - ông Kiều Văn Bê, Giám đốc Sở Nội vụ Ninh Thuận, bức xúc.

 L.Trường  

Theo Hồng Ánh (Người lao động)
Nguồn:

Tin liên quan