Ngân hàng, tài chính và sản xuất: Bên trọng bên khinh

Ngày 27/10/2013 05:41 AM (GMT+7)

“Những người có trách nhiệm, thẳng thắn góp ý kiến có thực sự được trọng dụng không, hay là những người theo bè cánh, lợi ích nhóm lại được các cấp ở trên trọng dụng?

Rõ ràng xã hội đang ở trong tình trạng như thế, làm sao thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội được?”, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (tổ Hà Nội) không giấu được tâm tư khi thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội 2015 – 2015, sáng 24.10.

Cùng quan điểm với đại biểu Khánh, ông Nguyễn Đình Quyền, phó chủ nhiệm uỷ ban Tư pháp đánh giá, “báo cáo của Chính phủ hơi hồng”. Theo ông Quyền, chỉ khi nào mỗi người thấy cơ thể mình mắc bệnh đến thế nào, mới có phương cách chữa. Chúng ta cần lạc quan, nhưng phải thấy hết những khó khăn. Đặc biệt, ông Quyền băn khoăn về hai con số: “Chính phủ đánh giá GDP năm nay ở mức 5,4%, thế nhưng, thất thu ngân sách nhà nước lại lên đến hơn 63,6 ngàn tỉ đồng? Dường như hai con số có sự mâu thuẫn, theo nghị quyết của Quốc hội (GDP 5,5%), chúng ta thiếu 0,01%, mà hụt thu đến như vậy. Cần rà soát lại con số, kể cả CPI và GDP. Các con số đưa ra mà chưa rà soát hết, làm sai lệch đánh giá, sẽ đưa đến giải pháp không đúng”.

Lòng dân không yên

Đáng chú ý, nhiều đại biểu “tha thiết” đề nghị phải siết chặt kỷ cương, một nguyên nhân khiến cả tình hình kinh tế – xã hội khó khăn như hiện nay. Bà Quốc Khánh nói: Thực chất mảng ngân hàng – tài chính được coi trọng, còn sản xuất lại không. Nhiều người lợi dụng chỗ ngồi của mình để bòn rút, nhũng nhiễu. Cần phải thực thi pháp luật nghiêm minh. Nhìn vào hàng quan chức cấp cao, nắm giữ nguồn lực của nhân dân, như ở Vinalines, lại sẵn sàng dùng nguồn lực đó mua các thiết bị gây thiệt hại cho Nhà nước, nhằm có tiền mua nhà cho “bồ nhí”. Chúng ta cứ lấy tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ra, nhưng thực chất lại không thực hiện. Chống tham nhũng toàn là “đầu voi đuôi chuột”, chưa bao giờ người dân hoang mang thế. Qua tiếp xúc cử tri, bà Khánh cho hay, người dân nhiều nơi quan tâm đến việc lãnh đạo siết chặt kỷ cương, nghiêm minh từ trên xuống. “Tiền như thế, đạo đức như thế, làm sao yên tâm được. Làm sao gương mẫu từ trên xuống dưới, nếu cứ nể nang rồi thì tình hình đi về đâu?”

Ngân hàng, tài chính và sản xuất: Bên trọng bên khinh - 1

Ngân hàng – tài chính được coi trọng, còn sản xuất lại không

Đại biểu Hoàng Việt Phương (Tuyên Quang) cho rằng, cần tăng cường thanh tra, giám sát với khối doanh nghiệp nhà nước, như Vinalines, Vinashin, một thời gian sử dụng vốn nhà nước lớn, vi phạm trầm trọng mà không có sự phát hiện. Bà Trương Thị Ánh (tổ TP.HCM) nêu, có những vụ án tham nhũng lớn người dân quan tâm theo dõi, nhưng xử lý vẫn còn chậm, đó là một trong những vấn đề cần phải có giải pháp quyết liệt hơn. Minh hoạ rõ hơn về tính nghiêm minh của pháp luật, ông Quyền cho biết trong khi Chính phủ chỉ đạo tuyệt đối không khởi công công trình mới khi chưa có nguồn cân đối ngân sách, nhưng vừa qua, nhiều địa phương, nhiều ngành vẫn cứ làm mà… không làm sao cả. Vậy “Kỷ cương không nghiêm, làm lòng dân bứt rứt”.

Nói đến thực trạng tái cơ cấu, ông Quyền cho biết: “Nói ra rả là không dàn trải, tập trung có hiệu quả, nhưng ở các địa phương, có công trình dàn trải đến mức “cười ra nước mắt”. Một trong những giải pháp quan trọng là thắt chặt hành chính và đầu tư, thì Chính phủ vẫn trình Quốc hội phương án tăng dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 2,9% so với 2013. Chúng ta đã đến mức vay để đảo nợ, dư nợ quốc gia đang ở mức báo động”.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (tổ TP.HCM) đề xuất, cần phải có một uỷ ban quốc gia về tái cơ cấu, có sự tham gia của Quốc hội, chứ không phải uỷ ban của Chính phủ. “Nếu chúng ta không làm như vậy thì đến nhiệm kỳ Quốc hội sau vẫn lại bàn những chuyện này, và Việt Nam mười mấy năm sau vẫn là Việt Nam”, ông Nghĩa nói.

Cần làm rõ kinh tế nhà nước chủ đạo có bao gồm DNNN không

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (tổ Hà Nội) đề xuất Chính phủ cần có chương trình phát triển doanh nghiệp trong giai đoạn năm 2013 – 2015, trong đó tập trung vào công nghiệp phụ trợ, đồng thời nói rõ tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), kinh tế nhà nước chủ đạo bao gồm gì, có bao gồm DNNN không? Việc tiếp cận và phân bổ nguồn lực có bị hạn chế không, khi doanh nghiệp tư nhân bị hạn chế khả năng tiếp cận nguồn lực.

Theo bà Hường, số liệu mới đây của phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, trong số 600.000 doanh nghiệp, thì nay còn 300.000 doanh nghiệp còn hoạt động. Bộ Tài chính công bố 69% doanh nghiệp báo không có lãi, 21% có lãi mỏng. Điều đó chứng tỏ năng lực sản xuất và khả năng tạo lợi nhuận bị giảm sút.

Theo Việt Anh – Chí Hiếu (Sài Gòn tiếp thị)
Nguồn:

Tin liên quan