Với nhiều người, thật không dễ dàng để phân biệt đâu là trái cây Việt Nam, đâu là trái cây Trung Quốc. Dưới đây là một số đặc điểm nhận dạng trái cây Trung Quốc, là kinh nghiệm tham khảo cho các bà nội trợ.
Dâu tây
Dâu tây Đà Lạt: Trái lớn nhỏ không đều nhau (hình thức xấu xí hơn dâu Trung Quốc nhiều). Dùng ngón tay bóp nhẹ thấy mềm, bề mặt trái sần sùi, lồi lõm. Màu sắc trái dâu không đồng đều, trái màu đỏ, trái màu hồng đậm, hồng nhạt, trái dài, trái tròn, trái méo… nhưng phía sát cuống bao giờ cũng là màu trắng. Lá phủ trên cuống trái dâu mỏng, ngắn, màu xanh nhạt.
Về mùi vị, dâu tây Đà Lạt bao giờ cũng có mùi thơm, vị chua ngọt. Thời gian bảo quản chỉ kéo dài 2-3 ngày nếu được bảo quản tốt trong mát.
Dâu Đà Lạt trái không đều, phần sát cuống bao giờ cũng màu trắng, lá phủ trên cuống xanh nhạt và ngắn. Hình minh họa.
Dâu Trung Quốc: Kích cỡ trái dâu đều nhau, màu sắc đỏ tươi bắt mắt cho đến tận cuống trái dâu. Lá phủ phía cuống trái dâu dài, xanh đậm. Bề mặt trái dâu bao giờ cũng rất mịn màng, nhẵn nhụi, bóp thấy cứng chứ không mềm như dâu Đà Lạt.
Đặc biệt, khi ăn dâu Trung Quốc có cảm giác giòn tan (có loại bở), không mềm dai như dâu Đà Lạt, vị ngọt, thường là không thấy vị chua, mùi thơm cũng không đặc trưng. Điểm nữa là ruột dâu Trung Quốc đỏ sẫm rất ngon mắt, bảo quản ở nhiệt độ phòng có thể tới 10 ngày vẫn còn tươi như dâu mới hái.
Táo
Táo đỏ (táo Fuji) được nhập từ Trung Quốc, vì lý do thổ nhưỡng cũng như giống cây nên bao giờ cũng màu hồng phấn. Cũng là giống táo Fuji nhưng được nhập từ Mỹ, luôn có màu đỏ điểm các chấm đỏ hồng tới đỏ đậm trên bề mặt vỏ. Khi ăn, táo Trung Quốc thường xốp, bở, có chút ít vị ngọt. Còn táo Mỹ khi bổ ra là có mùi thơm đặc trưng của táo, vị ngọt chua ấn tượng và đặc biệt rất giòn, nhiều nước.
Táo Fiji Trung Quốc (bìa phải) màu hồng nhạt, ruột xốp, bở. Hình minh họa.
Với loại táo xanh được nhập từ Mỹ luôn có vỏ màu xanh đậm, giòn, ngọt, thơm. Táo xanh Trung Quốc vỏ xanh nhạt, tuy có mùi thơm nhưng khi ăn dù đã gọt vỏ nhưng vẫn lưu lại vị chát ở lưỡi.
Với táo Gala, nếu là được nhập từ Trung Quốc thì có hình thức gần giống với táo Gala Mỹ là có sọc hồng, cam trên nền vàng. Loại này chỉ khi ăn mới nhận ra, táo Gala Trung Quốc xốp và nhạt, còn táo Gala Mỹ thì giòn, ngọt, nhiều nước.
Nho
Đây là loại trái khá khó phân biệt đâu là nho được trồng từ Ninh Thuận, đâu là nho Mỹ, đâu là nho Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu chịu khó quan sát kỹ thì vẫn có những đặc điểm để phân biệt.
Nho Trung Quốc trái to, tím sẫm. Nho Phan Rang (Ninh Thuận) không đều màu, trái nhiều kích cỡ. Hình minh họa.
Nho xanh: Nho xanh trồng ở Ninh Thuận có vị hơi chua, có hạt, vỏ dày. Nho xanh Trung Quốc điểm nhận dạng đầu tiên là vị ngọt như đường, trái căng bóng, không hạt, vỏ rất mỏng.
Nho đỏ: Nhìn bề ngoài khó phân biệt với nho Mỹ vì hai loại nho đều có màu sắc và kích thước gần như tương đồng. Nhưng nho Trung Quốc khi ăn thường không có độ giòn, ruột trái nho thường xốp, nhão, khi cắn trái nho thấy dai. Còn nho Mỹ, khi ăn thấy giòn, đặc ruột hơn chứ không xốp và rỗng như nho Trung Quốc.
Cam
Cùng được ghi là cam sành Việt Nam, nhưng có nơi giá chỉ 15 ngàn đồng/ ký, có chỗ bán tới 45 ngàn đồng/ký. Riêng sự khác biệt về giá cả đã là một dấu hiệu để người tiêu dùng nhận ra đâu là cam Trung Quốc.
Cam sành Việt Nam nhiều hạt, vỏ sần sùi, xấu mã. Hình minh họa.
Cam Trung Quốc khi cầm thường rất nặng tay (nhiều người bán nước cam thường sử dụng loại này vì lợi nước), vỏ bóng bẩy, bắt mắt, để được lâu, vị rất chua, ít hạt. Trong khi đó cam trồng trong nước có vỏ ngoài xấu xí, xù xì, kích thước không lớn, hương thơm đặc trưng, nước có vị chua ngọt thanh mát, hạt nhiều. Nhược điểm là không lợi nước như cam Trung Quốc.
Lựu
Lựu Việt Nam và lựu Trung Quốc đặt cạnh nhau quả là khác một trời một vực. Hình minh họa.
Về mặt cảm quan, lựu Trung Quốc trái to, vỏ mỏng, màu trắng hồng mịn màng ngon mắt. Khi bổ ra, hạt lựu đỏ rực, đều chằn chặn mười hạt như mười. Trong khi đó, lựu Việt Nam trái nhỏ, da hoặc bị nám hoặc sần sùi, màu xanh và khi chín thì có màu đỏ. Lựu trong nước hạt nhỏ, nhiều, dày, nhiều hình dạng tròn, méo hoặc vuông, dài khác nhau.