Sẽ áp mức thuế lũy tiến để “trị” những chủ đầu tư găm đất, chây ì không triển khai dự án đã được phê duyệt theo tiến độ thay vì dùng biện pháp hành chính thu hồi dự án bất động sản.
Đó là kiến nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Nguyễn Minh Quang trong phiên trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây.
Theo kiến nghị, mức thuế sẽ lũy tiến hàng năm, năm sau cao hơn năm trước. Nghĩa là dự án để càng lâu thì mức thuế bị đánh sẽ càng cao, khiến nhà đầu tư không dám găm giữ đất. Nếu thực hiện tốt thì cơ quan quản lý Nhà nước sẽ không phải ra quyết định hành chính để thu hồi dự án, mà tự nhà đầu tư sẽ cân nhắc có nên giữ đất hay không.
Trao đổi với PV Infonet, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng: Việc áp thuế lũy tiến có thể coi là hình thức phạt đối với những chủ dự án không triển khai dự án đã được phê duyệt. Hình thức phạt này là cần thiết.
“Việc áp thuế lũy tiến sẽ là biện pháp thúc đẩy các chủ đầu tư thực hiện dự án đúng cam kết tiến độ”, TS Lê Đăng Doanh nói.
Dự án bỏ hoang nhiều năm đang gây lãng phí.
Song, theo ông Doanh, quan trọng nhất vẫn là vai trò quản lý, giám sát thực thi pháp luật của Nhà nước, cụ thể các Sở Tài nguyên Môi trường và Bộ Tài nguyên Môi trường cũng phải có trách nhiệm trong việc dự án để hoang hóa, ô nhiễm môi trường…
Song, vị TS. này lại băn khoăn: cùng với áp thuế lũy tiến thì vẫn phải áp dụng cùng các biện pháp hành chính khác nữa mới đủ mạnh. Biện pháp có rồi liệu Bộ ban ngành liên quan có thực hiện hay không cũng là vấn đề.
Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Huynh, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam: việc đánh thuế lũy tiến đối với các dự án mà chủ đầu tư không triển khai sẽ không ăn thua, chỉ là cách để bảo vệ những chủ đầu tư đó thôi, bởi lẽ mức thuế lũy tiến ấy có bù lại được giá trị đất dự án đó? Đất dự án không triển khai để hoang hóa là qúa lãng phí.
“Nhà nước nên thu hồi lại những dự án đã được phê duyệt theo tiến độ mà không triển khai để giao cho đơn vị khác sử dụng hoặc để cho người dân canh tác. Biện pháp thu hồi vẫn là hữu hiệu nhất không chỉ để “trị” những chủ đầu tư cố tình “găm” đất, chây ì không làm dự án mà còn mang lại nhiều lợi ích hơn”, ông Huynh nhấn mạnh.
Trao đổi với giám đốc một đơn vị trong ngành bất động sản thì vị này gạt phăng, không đồng tình với kiến nghị, bởi lẽ theo ông việc chậm triển khai dự án không chỉ là lỗi của mình doanh nghiệp đó. Vị này đưa ra một dẫn chứng, “ách” nhất là ở khâu thủ tục, một dự án xong khâu này cũng phải mất rất nhiều thời gian.“Nếu cứ cố “giết” doanh nghiệp thì lấy ai ra mà làm dự án nữa”, vị giám đốc này nói.
Vào thời điểm năm 2011- 2012, việc đánh thuế cao ở mức 5 – 10% để “xử” những biệt thự để “hoang”, cỏ mọc um tùm, là điểm đỗ của các tệ nạn xã hội…. cũng đã được đề xuất nhằm hạn chế việc đầu cơ bất động sản cũng đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình nhưng không mấy khả thi khi hiện nay, tại nhiều khu đô thị vẫn tồn tại rất nhiều biệt thự để hoang, không người ở.
Kiến nghị áp thuế lũy tiến để “trị” những chủ dự án “chây ì” không triển khai dự án lại được đưa ra trong bối cảnh các dự án chậm triển khai khá phổ biến hiện nay, một phần do thị trường BĐS không thuận lợi, nhà đầu tư găm đất chờ thời, một phần là do nhà đầu tư không đủ năng lực để giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án. Liệu rằng, kiến nghị này có được quyết khi vẫn còn những ý kiến băn khoăn nêu trên ?!