Ngày Thần Tài (10/1 Âm lịch) đang đến gần, được các nhà đầu tư vàng chờ đợi sẽ là cú hích kích cầu thị trường vàng trong bối cảnh khai Xuân năm mới đìu hiu chợ chiều.
Khó “nổi sóng”
Thông thường sau Tết, lượng kiều hối về nhiều, người dân có tiền đi mua vàng tích trữ; Ngoài ra tục lệ mua vàng đầu năm lấy may, nhất là trong ngày Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng Âm lịch) cũng khiến giá vàng tăng. Thế nhưng trong ngày 5/2 - ngày đầu tiên mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ Tết kéo dài, giá vàng vẫn giữ ở mức 35,29 - 35,36 triệu đồng/lượng, bằng mức giá chốt phiên cuối cùng của năm Quý Tỵ 2013. Tới ngày 6/2, giá vàng giảm nhẹ so với ngày hôm trước. 10h ngày 6/2, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 35,26 triệu đồng/lượng (mua vào) và 35,31 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm khoảng 20.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 50.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chiều hôm qua.
Giao dịch vàng miếng tại Bảo Tín Minh Châu
Tại thị trường TP HCM cùng thời điểm trên, Công ty SJC báo giá vàng SJC ở mức 35,27 triệu đồng/lượng và 35,34 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và giá bán. 15h ngày 6/2, Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng SJC ở mức 35,28 - 35,32 triệu đồng/lượng, vàng Rồng Thăng Long miếng, nhẫn tròn trơn ở mức 32,72 - 33,27 triệu đồng/lượng.
"Sau nhiều năm đứng đầu về thanh khoản và lợi nhuận, vàng đang trở nên kém hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư và người dân. Trong trung và dài hạn, giá vàng trong nước sẽ tiếp tục giảm theo giá vàng thế giới. Tuy nhiên, ở góc độ ngắn hạn, vàng có thể tăng giảm trong biên độ thấp bởi các nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn còn khá nhiều đám mây u ám lẩn khuất, vẫn còn những yếu tố bất ngờ...”. TS. Kinh tế Nguyễn Trí Hiếu |
Chênh lệch giữa vàng nội và ngoại là 3,2 - 3,4 triệu đồng/lượng, đây là mức chênh lệch được duy trì suốt 1 tháng qua. Sau hai ngày mở cửa đầu năm, thị trường vàng vẫn thưa thớt khách, ít giao dịch.
Giới kinh doanh vàng đang hy vọng, nhu cầu mua vàng cầu may sẽ tăng mạnh trong ngày 9/2 (tức mùng 10/1 Âm lịch) tới. Những năm trước, trong ngày này các cửa hàng thường thu hút đông đảo người dân đến mua, có lúc khách phải chen chúc, xếp hàng chờ lâu mới đến lượt. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, khó có khả năng giá vàng tăng vọt trong thời điểm này, bởi giá vàng có xu hướng giảm nên người dân sợ không dám mua vào, hơn nữa kinh tế khó khăn khiến người dân cũng không có nhiều tiền để mua vàng tích cóp hay trưng diện.
Ẩn số thị trường vàng
Năm 2013, vàng mất giá tới 25%, giá vàng trong nước giảm tới hơn 10 triệu đồng/lượng. Vàng không còn là kênh đầu tư, tích trữ hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư cũng như người dân. Bước sang năm 2014, theo đánh giá của các nhà kinh tế trong và ngoài nước, triển vọng của vàng vẫn khá u ám.
Theo đánh giá của Ngân hàng UBS (Thụy Sỹ), giá vàng năm 2014 sẽ giảm về mức 1.050 USD/ounce, thấp hơn 13% so với mức hiện tại. Tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s cũng dự báo giá vàng trung bình năm nay còn 1.100 USD/ounce, Ngân hàng HSBC thì dự báo biên độ dao động của giá vàng trong năm nay sẽ từ 1.105-1.390 USD/ounce. Nếu dự báo giá vàng thế giới giảm về ngưỡng 1.050 trở thành sự thật, giá vàng trong nước có thể giảm với tỷ lệ tương ứng về ngưỡng 30 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, theo TS. kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, giá vàng ở Việt Nam không chỉ phụ thuộc vào giá vàng thế giới mà còn chịu sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Việc “neo” mức giá vàng ở ngưỡng chênh lệch nào so với giá vàng thế giới và việc điều tiết nguồn cung vàng như thế nào ra thị trường là “quyền” của Ngân hàng Nhà nước. “Hiện vàng trong nước còn chênh với vàng thế giới hơn 3 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước không khuyến khích dân tích trữ vàng và Chính phủ cũng đã “bật đèn xanh” yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải tìm cách huy động vàng trong dân, do đó Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành thị trường vàng như thế nào và giá vàng sẽ biến động ra sao vẫn còn là ẩn số”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận.