Để kiếm lời, một số hộ kinh doanh nước giải khát vô tư sử dụng các loại hương liệu, phụ gia công nghiệp để pha chế, tạo đục nước giải khát.
Điều nguy hại ở chỗ, mặc dù những mặt hàng này không rõ nguồn gốc xuất xứ nhưng hiện vẫn được các chủ quán sử dụng và vô hình chung hàng ngày, hàng giờ sức khoẻ người tiêu dùng đang bị xâm hại.
Tràn lan hương liệu thực phẩm "chui"
Trong vai người đi tìm nguồn hàng, chúng tôi có mặt tại phố Hàng Buồm (Hà Nội), nơi được coi là một trong những đầu mối cung cấp các loại nguyên liệu, hương liệu thực phẩm cho các quán giải khát trên địa bàn thủ đô. Tại cửa hàng T-H, sau vài câu hỏi xã giao, chị chủ cửa hàng bắt đầu bật mí: "Ở đây có bán đầy đủ các loại nguyên, hương liệu chế biến các loại nước giải khát". Rồi chị này giới thiệu hàng loạt loại nguyên liệu đang được trưng bày trên kệ như hương liệu cam, hương liệu ổi, chanh leo, nho, dâu tây... "Bọn em muốn kinh doanh thì cần phải tìm hiểu kỹ các mặt hàng và đầu tư thời gian học hỏi cách pha chế để có lời nhất", chủ cửa hàng T-H nói.
Sau đó, chị hướng dẫn: Để có thể pha chế một cốc nước cam, cần phải vắt một ít nước cam nguyên chất, sau đó sử dụng một ít phụ gia tạo đục có hương liệu cam sẽ cho ra một cốc nước cam "nguyên chất" như ý muốn mà lại hiệu quả về mặt kinh tế. Tuy nhiên, việc pha chế phải được thực hiện đúng tiêu chuẩn, kỹ thuật, nếu không khách hàng tinh ý rất dễ phát hiện ra. Cũng theo chị, rất nhiều khách đến mua phụ gia tạo đục về kinh doanh mặt hàng giải khát. Bởi, nếu làm ăn đơn thuần, sử dụng các loại cây trái có sẵn mang vắt hay xay sinh tố dạng nguyên chất 100% mà giá bán rẻ như hiện tại thì chỉ đóng cửa tiệm sớm.
Tiếp tục quan sát, chúng tôi thấy, tại đây không chỉ có các loại bột pha nước cam mà các loại bột mang hương vị nhiều loại hoa quả khác cũng được chủ cửa hàng bán theo cân. Giá các loại hương liệu này dao động 40.000 - 50.000 đồng/kg nếu mua lẻ, còn mua với số lượng lớn sẽ được giảm giá. Tìm đến một cửa hàng khác cũng nằm trên phố này, chúng tôi được biết, để làm sinh tố thì dùng các loại tinh dầu với sự đa dạng về mùi vị, muốn mua bao nhiêu cũng có. Các loại hương liệu này được đựng trong can, bán với giá 110.000 - 130.000 đồng/lít.
Hương liệu, chất tạo đục dùng trong pha chế nước giải khát được bày bán tràn lan trên thị trường
Sau khi tìm hiểu thông tin về các loại hương liệu, chủ cửa hàng còn mách nước về cách chế biến các loại nước hoa quả, sinh tố. "Hiện nay, các cửa hàng giải khát hầu như đều dùng các loại nguyên hương liệu này để pha chế, chẳng qua là sử dụng ít hay nhiều mà thôi. Họ cứ bảo nước hoa quả của họ hoàn toàn là nước cốt, nguyên chất, nhưng thực tế họ chủ yếu sử dụng hương liệu tổng hợp. Thủ thuật của họ là dùng các loại hương liệu pha lẫn với các loại hoa quả nguyên chất, có như vậy mới có lãi nhiều", chủ cửa hàng T-H nhấn mạnh.
Chợ Đồng Xuân (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) là một trong những địa chỉ bày bán hương liệu cho ra lò những loại nước giải khát "nguyên chất" mà nhiều người ưa thích. Chúng tôi quyết định ghé vào một quầy hàng và hỏi mua một số hương liệu, phụ gia thực phẩm về pha chế nước giải khát. Vừa nghe xong, bà chủ cửa hàng đon đả chỉ tay lên kệ: "Cửa hàng chị loại nào cũng có, cam, ổi, dâu tây, chanh leo, nho... đủ cả. Nếu em lấy với số lượng nhiều thì sẽ được giảm giá hoặc cho chị địa chỉ, sẽ có người mang hàng đến tận nơi". Thấy vậy, chúng tôi liền hỏi về nguồn gốc sản phẩm thì nhận được câu trả lời: "Tất cả đều được nhập từ Trung Quốc, đây là những mặt hàng đang được rất nhiều người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn".
Chị này cũng bật mí: Hầu hết người bán nước giải khát đều chọn mua những hương liệu về pha chế nước cho khách uống, họ vừa tiết kiệm được chi phí và nhanh thu hồi vốn. Chính vì vậy mà hiện nay nhiều khách hàng gọi nước cam ép, chanh leo nguyên chất nhưng thấy nước cam ép có màu vàng ngà ngà, đục còn nước chanh leo thì màu vàng cam nhạt... Khi uống, thực khách sẽ có cảm giác vị đắng đọng trong cổ, đó là do nước hoa quả ép này chủ yếu sử dụng hương liệu tổng hợp đang được bày bán trên thị trường.
Không chỉ đối với các loại hương liệu tạo đục, tạo mùi đối với các loại hoa quả mà qua tìm hiểu chúng tôi được biết, ngay cả loại đường siêu ngọt với giá khoảng 40.000 đồng/gói, có xuất xứ từ Trung Quốc cũng được bày bán khá nhiều tại các quầy hàng trong chợ Đồng Xuân. Điều đáng nói là độ ngọt của loại đường này cao hơn gấp nhiều lần đường kính, lại có mùi thơm đặc biệt... Nhiều loại phẩm màu và trân châu đủ loại, không nhãn mác cũng được bày bán khá phổ biến tại khu chợ sầm uất này.
Nguy cơ gây ung thư cao
Theo tìm hiểu, tất cả hương liệu, phụ gia thực phẩm bày bán ở phố Hàng Buồm, chợ Đồng Xuân và một số khu vực khác được đóng can hoặc bịch nilon và được người bán tự giới thiệu có xuất xứ từ các nước như Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan..., nhưng trên thực tế hầu hết những mặt hàng này lại không có nhãn mác hay bất cứ thông tin gì về nguồn gốc xuất xứ, thành phần các chất có trong sản phẩm. Khi được hỏi về nguồn gốc của những loại nguyên hương liệu, hầu hết các chủ cửa hàng đều khẳng định, đây là loại hàng chất lượng, cứ yên tâm sử dụng, người ta mua dùng hàng ngày có thấy sao đâu...
Tỏ ý băn khoăn khi trên các thùng, chai đựng nguyên hương liệu toàn thấy chữ Trung Quốc, không có nhãn phụ ghi tiếng Việt, các chủ hàng nhấn mạnh, ở đây bán toàn hàng nhập, hàng xách tay có uy tín nên không có nhãn phụ đề tiếng Việt. Việc bày bán mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ là vậy, nhưng điều kì lạ ở chỗ các cửa hàng kinh doanh loại hàng này không bị kiểm tra, xử lý. Chính vì vậy, đây là cơ hội để những hương liệu, phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ tuồn ra thị trường và xâm hại trực tiếp tới sức khoẻ người tiêu dùng.
Đề cập tới vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Phong - Phó Cục trưởng cục An toàn Vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết: "Nếu quá lạm dụng phẩm màu, hoặc chạy theo lợi nhuận, sử dụng các phẩm màu ngoài danh mục cho phép để chế biến thực phẩm (đặc biệt là các phẩm màu tổng hợp) thì sẽ gây nguy hại cho sức khỏe, có thể gây ngộ độc cấp tính, về lâu dài nếu được tích lũy cao có thể gây ung thư cho con người. Bên cạnh đó, việc sử dụng đường hóa học trong chế biến chè, nước hoa quả cũng có khả năng gây hại cao, vì đường hóa học thường ngọt hơn đường kính và không có giá trị dinh dưỡng".
Nói tới lợi nhuận và tác hại từ việc lạm dụng phụ gia thực phẩm trong pha chế nước uống, anh Nguyễn Trung Kiên, một nhân viên chuyên pha chế nước giải khát quán bar T-Q (một quán có uy tín ở Hà Nội), cho biết: Việc quán sử dụng các loại nguyên liệu, phụ gia thực phẩm trong pha chế nước giải khát là bình thường vì tiết kiệm được chi phí, tăng doanh thu cho cửa hàng. Ngoài ra, tuỳ thuộc vào uy tín của từng cửa hàng và trình độ của người pha chế sẽ cho ra những cốc nước có chất lượng khác nhau. Điều cốt lõi, với cái tâm của các chủ cửa hàng, họ sẽ lựa chọn, sử dụng những loại hương liệu, phụ gia thực phẩm có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng về phục vụ khách hàng. Còn đối với những trường hợp kinh doanh nhanh, muốn ăn xổi, chắc chắn họ sẽ chọn mua những loại hương vị, phụ gia không đảm bảo".
Anh Nguyễn Trung Kiên cũng cho biết, ước tính giá bán mỗi kg cam trên thị trường hiện dao động 30.000 - 50.000 đồng. Mỗi kg được khoảng 4 quả, để pha được một cốc nước cam nguyên chất sẽ phải dùng 2 quả, tương ứng khoảng 15.000 - 25.000 đồng tiền gốc. Trong khi đó, giá một kg bột cam là 40.000 đồng (loại gói 5 kg có giá 180.000 đồng) có thể pha được 60 - 70 cốc nước cam. Nếu tính giá rẻ nhất mỗi cốc nước cam khoảng 25.000 đồng thì dùng 1kg bột cam chủ hàng đã lãi trên 800.000 đồng hoặc cao hơn với mức giá bán tương ứng, đây là khoản lợi nhuận cực kì hấp dẫn nên nhiều người kinh doanh sẵn sàng "bán rẻ lương tâm".
Các chuyên gia y tế cảnh báo, nếu quá lạm dụng hương liệu, phụ gia thực phẩm công nghiệp thì sẽ rất nguy hại. Đa phần phụ gia thực phẩm, hương liệu thực phẩm ít gây nhiễm độc ngay mà tích tụ dần trong cơ thể, đến thời điểm nào đó mới phát bệnh. Song việc nhận biết bệnh nhân ngộ độc bởi chất gì là điều không dễ dàng đối với các nhân viên y tế.