Rau sạch khi đưa ra thị trường phải có chứng nhận, bao bì.
“Hiện nay TP.HCM chỉ mới công nhận những điểm bán rau sạch trong một số hệ thống siêu thị và doanh nghiệp. TP.HCM chưa công nhận bất kỳ điểm bán rau sạch dạo hoặc ven đường nào” - ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, khẳng định.
Thế nhưng khảo sát của chúng tôi trên địa bàn TP.HCM cho thấy có rất nhiều điểm bán rau ven đường, trên xe đẩy gắn bảng “rau sạch”.
Rau trồng trong vườn nên… sạch
Chúng tôi tấp vào một điểm bán rau ven đường Phan Văn Trị thuộc quận Gò Vấp có treo tấm bảng “rau sạch” với nhiều loại rau, củ được bày bán chẳng có bao bì, thương hiệu hay cơ sở sản xuất. Chị T., người bán ra giá rau muống 5.000 đồng/ba bó (hơn 1 kg), cải ngọt 20.000 đồng/kg, bắp cải trắng 8.000 đồng/kg.
Khi chúng tôi hỏi sao gọi là rau sạch, có giấy tờ gì để chứng minh đây là rau sạch thì chị T. trả lời gọn lỏn: “Rau người quen trồng trong vườn rồi bỏ mối lại nên chắc chắn sạch. Với lại rau sạch mới có giá đó, còn rau không rạch giá rẻ rề”.
Trước chợ Tân Chánh Hiệp thuộc quận 12 cũng có nhiều xe đẩy bán đủ loại rau, củ. Người bán luôn rao to “rau sạch, rau sạch” nên thu hút khá đông người mua. Nhiều xe đẩy còn gắn tấm bảng “rau vườn” để chứng minh rau được trồng tại vườn nhà (có người còn gọi là rau “sinh thái”, tức không sử dụng thuốc trừ sâu, phân hóa học, chất kích thích tăng trưởng…).
Nhiều người bán rau trên xe đẩy gắn bảng “rau vườn”, “rau sạch”. Ảnh: TRẦN NGỌC
Chỉ đống cải xanh cọng trắng nõn, lá xanh um nằm trên xe đẩy, bà Hằng (TP.HCM), một khách hàng nói nhỏ: “Tôi đã từng vô siêu thị, thấy cải xanh cọng đâu có to, lá đâu mướt như vầy. Rau này tôi nghi dùng thuốc kích thích quá”.
Người bán cho biết thêm cải xanh giá 15.000 đồng/kg, mướp hương 7.500 đồng/kg, khổ qua 8.500 đồng/kg. Nếu so với giá bán ở siêu thị thì giá bán tại xe đẩy chỉ bằng khoảng phân nửa.
Một khách hàng thắc mắc: “Giá bán rau sạch sao rẻ quá vậy?”, người bán đáp tỉnh queo: “Rau tự trồng trong vườn, tự bán nên giá rẻ. Hơn nữa, rau sau khi thu hoạch được rửa, xịt nước nên sạch”. Bị khách hàng “truy” tiếp: “Anh có sử dụng thuốc kích thích không?”, người bán bực mình: “Không mua thì thôi, sao hỏi nhiều quá”.
Tự phong rau sạch
Bà Huỳnh Thị Kim Cúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM, cho rằng nói đến rau sạch là nói đến rau được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt). Những cơ sở trồng rau theo tiêu chuẩn này được cấp giấy chứng nhận hẳn hoi. Rau trồng theo tiêu chuẩn VietGAP khi đưa ra thị trường cũng phải có chứng nhận, có bao bì.
“Do vậy, những điểm quảng cáo bán rau sạch ven đường hay xe dạo nhưng không có giấy chứng nhận đồng nghĩa với việc tự phong “rau sạch”. Người tiêu dùng cần lưu ý để tránh mua nhầm rau không an toàn”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho hay muốn được công nhận cơ sở kinh doanh rau sạch thì chủ cơ sở đăng ký với Sở Công Thương, đồng thời tự công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm của mình. Sau đó Sở tiến hành thẩm định các điều kiện, nếu đạt sẽ công bố để người tiêu dùng biết.
Ông Hòa cho biết thêm: “Sở Công Thương khuyến khích các cơ sở tiếp tục đăng ký kinh doanh rau sạch”.
Nghi bị xịt thuốc trừ sâu Chị Hằng, một khách hàng chỉ rổ mướp hương, khổ qua, dưa leo… trên xe đẩy mà trái nào trái nấy mập tròn, vỏ láng o, nói: “Má tôi trước đây làm rẫy, cũng trồng mướp hương, khổ qua, dưa leo nhưng trái đâu được to và láng o như vầy. Tôi nghi có sử dụng thuốc quá”. |