Từ lâu người tiêu dùng đã truyền tai nhau chuyện “rau hai luống, lợn hai chuồng” để phản ánh chuyện rau sạch, thực phẩm sạch và rau bẩn, thực phẩm bẩn, một để nhà người nuôi trồng dùng và một đem đi bán.
Tìm hiểu thực hư việc này, PV đã có chuyến thực tế tại các vùng rau và không khỏi... giật mình.
Cần mua rau sạch thì vào xóm!
Trong vai người đi tìm mua rau sạch, chúng tôi có mặt ở vựa rau Vân Nội (Đông Anh, Hà Nội), một trong những đồng rau lớn của Thủ đô. Hỏi dò chuyện về 2 loại rau, một trồng để bán và một trồng để ăn, chúng tôi bất ngờ nhận được câu trả lời của một người dân xã Vân Nội: “Cần mua rau sạch hay rau trồng ngoài ruộng? Rau trồng ngoài ruộng thì nhiều, phải đi lên mạn trên. Còn rau sạch thì vào xóm”.
Khi chúng tôi tỏ ý thắc mắc, rau trồng ở ruộng có khác gì rau trong vườn thì được chị chỉ đường giải thích rằng, rau ngoài đồng đẹp mắt nhưng phun thuốc nhiều, rau trong vườn chỉ tưới nước, nhìn không bắt mắt nhưng an toàn. Tuy nhiên, khi chúng tôi tiếp xúc với một số nông dân ở xã Vân Nội thì tất cả đều khẳng định hai loại rau ngoài ruộng và trong vườn đều như nhau. “Sở dĩ trồng rau trong vườn là chúng tôi tranh thủ quỹ đất trống. Rau nào thì cũng phải tưới, phải phun thuốc trừ sâu (đúng tiêu chuẩn an toàn) để chống sâu bọ và thời tiết”, chị Nguyễn Thị Thanh, xã Vân Nội cho biết.
Rau sống cùng với mộ.Một người nông dân ở Vĩnh Quỳnh phun thuốc cho ruộng rau muống của mình. Ảnh: Hà Phương
Chị Thanh bật mí thêm, rau ngót thường trồng 25 ngày mới được cho cắt bán một lần, nếu trời nắng nóng thời gian được cắt bán còn lâu hơn, lá rau sẽ bị cong lại nhìn rất xấu bởi rau ngót ưa thời tiết ẩm ướt.
Khi đưa ra dẫn chứng tại các vùng trồng rau khác, rau ngót chỉ có hơn chục ngày được cắt bán, chị Thanh khẳng định: “Có thể họ sử dụng thuốc kích thích làm rau sinh trưởng nhanh, thời gian để được cắt bán sẽ rút ngắn đi, nếu để bình thường không thể cắt bán sớm hơn 20 ngày”.
Trong khi đó, tại vùng rau muống Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, nhiều người trồng rau mang bình phun thuốc ra đồng vào cuối giờ chiều nhưng khi được hỏi phun thuốc gì, một phụ nữ có ruộng rau muống ngay đường liên thôn dẫn vào xóm Quỳnh Đô, xã Vĩnh Quỳnh khẳng định ngay rằng… “không phải thuốc tăng trưởng đâu nhé”(?). Lạ! chúng tôi đã hỏi gì về thuốc tăng trưởng đâu, sao người phun nhanh nhảu vậy?
Còn nữa, ở những ruộng rau muống này khoảng cách giữa những đợt thu hoạch chỉ vài ngày. Vậy, những bình thuốc phun cho dù “không độc hại” như người phụ nữ này nói cũng không an toàn cho người ăn!.
Tiểu thương tự khai “rau ruộng”, “rau nhà”
Khi đến các vựa rau, chúng tôi được người trồng rau khẳng định không có sự phân biệt giữa rau trồng ngoài ruộng và rau trồng trong vườn. Họ khẳng định không có sự khác nhau về chất lượng rau. Tuy nhiên, tại chợ đầu mối Đền Lừ, quận Hoàng Mai… rất nhiều người bán rau trong khi chào mời khách hàng đã tự khai… “rau nhà”, “rau ruộng”.
Một tiểu thương tên Thuận giới thiệu rau nhà tự trồng, không phải rau lấy buôn từ các vùng trồng rau nên đảm bảo rau an toàn. Tương tự chị Thuận, khá nhiều tiểu thương giới thiệu một cách rất đảm bảo rằng “rau được hái từ vườn nhà nên số lượng có hạn”.
Trước tình trạng tiểu thương tại chợ này luôn nói nguồn gốc các loại rau đều là “rau trồng trong vườn nhà” làm cho khách hàng thêm hoang mang. Có hay không sự khác nhau về chất lượng giữa rau ngoài ruộng và rau trong vườn? nếu có càng không thể phân biệt được rau nào là rau an toàn và rau nào là rau không an toàn?! Thuốc kích thích và những mánh khóe làm đẹp rau khiến người tiêu dùng khó phát hiện bằng mắt thường.
Một vấn đề khác là, ai cũng biết trồng rau ở khu vực nghĩa địa có thể khiến người sử dụng mắc một số bệnh truyền nhiễm lây từ sinh phẩm tồn dư từ người đã chết thấm vào rau. Trong khi đó, bao quanh khu vực nghĩa trang Văn Điển là những cánh đồng trồng rau muống. Có những thửa ruộng chỉ cách hàng nghìn ngôi mộ một bức tường. Nhiều ngày mưa lớn, nước từ trong nghĩa trang chảy ra ngoài, khiến ruộng rau chìm ngập trong nước bẩn.
Còn ở nghĩa trang xã Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, các loại rau muống, rau cải, hành, tỏi… được trồng lên nhiều nấm mộ. Theo tìm hiểu của PV thì việc người dân trồng rau vào nghĩa trang ở đây đã diễn ra từ lâu, chủ yếu là của một số hộ dân sống xung quanh khu vực này tự ý vào khu vực nghĩa địa để đào xới đất gieo giống như nơi đây là đất thuộc quyền sở hữu của gia đình mình. Điều đáng lo hơn là khi những mớ rau được trồng trong khu vực này được bày bán ở ngoài chợ và đi vào bữa ăn của nhiều gia đình. Người mua rau không thể nào nhận biết được.
Một số chuyên gia phân tích, trong quá trình người chết chôn cất xuống đất sẽ bị phân giải các chất hữu cơ lên mặt đất khi người ta bốc mộ những vi khuẩn này có thể lây lên mặt đất, khi trồng rau xuống các vi khuẩn bám vào rau rồi người trồng đem về ăn... cũng rất dễ mắc bệnh. Chỉ điều đó thôi đã khiến người mua rau rùng mình chứ chưa nói đến việc có hay không loại rau đó có bị phun thuốc thích thích độc hại.
Thừa nhận có chuyện rau trồng 2 luống Ông Huỳnh Văn Thòn (Tổng giám đốc Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang) từng phát biểu tại hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” phía Nam đã thẳng thắn rằng: “Năm rồi Việt Nam nhập khẩu hàng trăm triệu USD thuốc bảo vệ thực vật. Nhiều nông dân không dám ăn rau họ trồng để bán mà phải trồng riêng để ăn. Bởi vì rau họ ăn thì không phun thuốc, còn rau đem bán thì có phun thuốc”. PV |