Trái với sức nóng hừng hực trước Tết, diễn biến trên thị trường tiền tệ đầu năm đã dịu đi rất nhiều. Mở hàng khai xuân năm mới, lãi suất liên ngân hàng giảm nhẹ, tỷ giá sau chuỗi ngày tăng mạnh cũng dần trượt xuống. Tất cả đều nằm trong dự đoán của nhà điều hành về tiền tệ.
Lãi suất, tỷ giá: rủ nhau giảm nhẹ
Bản tin đặc biệt của các công ty chứng khoán nhân dịp đầu năm mới đều ghi nhận: Sang năm mới Đinh Dậu, lãi suất liên ngân hàng đã giảm nhẹ trong hai phiên giao dịch đầu năm, lãi suất tất cả các kỳ hạn đều giảm về dưới 5%/năm. Tính đến hết ngày 3/2, lãi suất cho vay qua đêm và 1 tuần giảm về còn 4,45% và 4,67% so với mức 5% và 5,18% của ngày 20/1. Với các khoản vay 1 tháng và 3 tháng, lãi suất cho vay liên ngân hàng cũng giảm về còn 4,73% và 4,8%. Căng thẳng về thanh khoản dịp trước Tết dịu xuống sẽ giúp lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt và dần trở về trạng thái cân bằng.
Theo bộ phận tư vấn SSI, tỷ giá ngân hàng đã giảm nhẹ trở lại trong ngày 3/2 (ngày làm việc thứ hai sau Tết) tỷ giá dần hạ nhiệt sau áp lực tăng dịp Tết, cùng với việc đồng USD tiếp tục yếu đi trên thị trường thế giới, kỳ vọng tỷ giá sẽ ổn định trở lại và chưa tăng trong ngắn hạn. Trong dịp Tết, ngoại trừ CNY giảm nhẹ so với VND, hầu hết các đồng tiền đều tăng giá so với VND, EUR/VND tăng 0,35%, GBP/VND tăng 0,87%, JPY/VND tăng 1,29%, KRW/VND tăng 2,34%.
Thị trường tiền tệ sau Tết thanh khoản đã dịu hơn.
Về động thái của nhà điều hành, các công ty chứng khoán đều cho hay: chỉ trong 3 ngày trước tết, NHNN tiếp tục cho vay OMO mạnh mẽ ở các kỳ hạn 14 và 28 ngày, tổng khối lượng cho vay ở 3 phiên 23/1 đến 25/1 lên đến hơn 103,26 nghìn tỷ đồng trong khi lượng OMO đáo hạn chỉ khoảng 15,4 nghìn tỷ đồng, điều này khiến tổng lượng OMO lưu hành tăng mạnh lên 254 nghìn tỷ đồng. Tương tự các năm trước, NHNN thường cho vay lượng lớn OMO để hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng dịp cuối năm, nhu cầu này chỉ mang tính ngắn hạn, lượng OMO này sẽ đáo hạn dần và thanh khoản của hệ thống vẫn được đảm bảo.
“Có một lưu ý nhỏ rằng khối lượng OMO cho vay dịp Tết năm nay được ghi nhận cao nhất trong 5 năm (cao hơn mức 243 nghìn tỷ của thời điểm trước tết Bính Thân). So với năm trước, lượng OMO lưu hành sẽ giảm với tốc độ nhanh hơn khi kỳ hạn phát hành năm nay là ngắn hơn (14 và 28 ngày). Tính hết ngày 3/2, tổng khối lượng OMO lưu hành giảm về còn 238 nghìn tỷ đồng, tương đương giảm 16,1 nghìn tỷ đồng so với trước Tết”- Nhóm tư vấn SSI khẳng định.
Thị trường trái phiếu
Theo MBS, thị trường trái phiếu Chính phủ bắt đầu sôi động, tập trung chủ yếu các kỳ hạn 5 năm. Tổng giá trị trúng thầu tiếp tục tăng mạnh đạt 7,280 tỷ đồng (cao gần gấp 3 lần so với hai tuần trước), chiếm 67% tổng giá trị gọi thầu. Trong đó tập trung chủ yếu TPCP kỳ hạn 15 năm (34%), tiếp theo là kỳ hạn 5 năm (27%), trong khi các kỳ hạn như 10 năm và 20 năm chiếm tỷ trọng thấp nhất (lần lượt là 17,8% và 21%).
Ở tuần trước Tết, KBNN đã kịp huy động thêm 5.600 tỷ đồng (trên tổng số 5.950 tỷ đồng chào bán) từ ba kỳ hạn 5, 15 và 20 năm. Lãi suất trúng thầu lần lượt là 5,25%, 7,25% và 7,69%, như vậy đợt phát hành này lãi suất kỳ hạn 5 năm vẫn không đổi; lãi suất kỳ hạn 15 năm tăng 5bps so với đợt phát hành trước đó 3 tuần, trong khi lãi suất kỳ hạn 20 năm giảm 1bps so với đợt phát hành tuần trước. Với tỷ lệ trúng thầu 94%, đây là đợt phát hành thành công nhất của KBNN trong vòng 3 tháng trở lại đây. Lãi suất ổn định hơn phần nào đã khiến nhà đầu tư bớt kỳ vọng vào mức lãi suất quá cao.
KBNN vừa mới công bố kế hoạch phát hành TPCP trong Quý 1 và chưa công bố kế hoạch cho cả năm 2017. Theo đó, KBNN sẽ chào bán 65 nghìn tỷ đồng TPCP bao gồm bảy kỳ hạn từ 3 năm đến 30 năm và trong đó chủ yếu tập trung huy động từ kỳ hạn 5 năm, 7 năm và 15 năm.
Trong tuần, Ngân hàng chính sách (VBSP) cũng chào bán 800 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5, 10 và 15 năm. Tỷ lệ trúng thầu ở kỳ hạn 10 và 15 năm đạt 75% và 33%. Lãi suất trúng thầu của hai trái phiếu 10 và 15 năm lần lượt là 6,8% và 7,69%, bằng với lãi suất trái phiếu do VDB phát hành tuần trước, cao hơn một chút so với lãi suất TPCP cùng kỳ hạn là 6,1% và 7,25%. Ở kỳ hạn 5 năm, tỷ lệ trúng thầu là 0%, chủ yếu do lãi suất chào mua ở phía các NĐT khá cao; so với lãi suất trúng thầu trước đó 7 tuần là 5,5%/năm. NĐT kỳ vọng mức lãi suất cao hơn, gây khó khăn cho việc huy động vốn trái phiếu của VBSP.
“NHNN vẫn tiếp tục thực thi các chính sách ổn định tỷ giá để đảm bảo thanh khoản hệ thống. Chúng tôi cho rằng trong ngắn hạn đồng VND không bị mất giá quá nhiều so với đồng USD do NHNN vẫn còn đủ dư địa ổn định tỷ giá và những chính sách của ông Donald Trump cần thêm sự rõ ràng và thuyết phục. Cán cân thương mại của Việt Nam chính thức chuyển từ trạng thái thâm hụt trong năm 2015 sang trạng thái thặng dư trong năm 2016 với mức thặng dư 2,6 tỷ USD”, nhóm phân tích MBS lưu ý. |