Trái cây đẹp nhờ hóa chất

Ngày 18/08/2015 09:07 AM (GMT+7)

Sau nhiều ngày tiếp cận, phóng viên Báo Người Lao Động đã được các thương lái tiết lộ và “biểu diễn” việc dùng hóa chất biến trái cây non, xanh thành trái chín đẹp mắt chỉ trong vài giờ

Chiều 15-8, chúng tôi được chị S. (một thương lái chuyên thu mua sầu riêng tại TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) dẫn xuống huyện Chư Sê để mua sầu riêng.

Ngâm ngay tại vườn

Sau khi thống nhất mức giá 20.000 đồng/kg sầu riêng chín rụng và 17.000 đồng/kg sầu riêng xanh, non với một nhà vườn, chị S. cho người vào hái toàn bộ số sầu riêng, khoảng hơn 400 quả. Những quả chín rụng được để riêng một đống.

Ngay tại sân nhà người bán, những quả sầu riêng xanh, non, kể cả những quả đui (không có hạt) được gom thành đống riêng. Sau đó, chị S. lấy chậu nước và đổ một loại hóa chất đựng trong chai nhựa không nhãn mác vào hòa tan, từng quả được đưa vào chậu ngâm khoảng 15 phút rồi vớt ra. Sau khi những quả sầu riêng được ngâm đã khô nước, hai người giúp việc của chị S. mang ra bãi đất trống ném mạnh xuống để tạo dấu vết như sầu riêng chín rụng.

Trái cây đẹp nhờ hóa chất - 1

Một chủ vựa ở huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk đang bơm hóa chất Trung Quốc vào trái mít Ảnh: Cao Nguyên

Chị S. giảng giải: “Quả non, xanh cỡ nào chỉ cần ngâm một lúc là ngày mai chín hết. Như vậy mới kịp đơn hàng để gửi đi TP HCM. Còn việc chúng nó ném xuống đất để tạo dấu vết như thể là sầu riêng chín rụng, không tinh ý thì không ai phát hiện được”.

Tại kho nhà chị S., hàng tấn sầu riêng được chất đống, phân thành nhiều loại. “Loại quả điếc, quả đui thưa múi không ai thèm mua nhưng mình vẫn mua, sau đó làm chín để bán cho mấy cơ sở làm kem vì họ chỉ cần mùi sầu riêng chứ đâu cần múi miếc gì” - chị S. nói và cho biết mỗi ngày chị thu mua, ép chín và gửi xe vào bán cho các thương lái ở TP HCM được khoảng 200 kg. Cũng theo chị S., giới mua bán sầu riêng ở TP Pleiku đều dùng hóa chất để ép chín sầu riêng vì nhu cầu tiêu thụ lớn, nếu không dùng hóa chất thì lấy quả chín đâu mà bán.

Chúng tôi về 2 huyện Krông Pắk và Ea Kar của tỉnh Đắk Lắk cũng tận mắt chứng kiến công nghệ ép chín mít siêu tốc bằng hóa chất. Cơ sở chế biến mít của ông Bốn (xã Ea Đar, huyện Ea Kar) đang chứa hàng tấn mít, nhiều quả đã bóc vỏ nằm ngổn ngang trên mặt sàn nhớp nháp. Cả khu vực bốc mùi hôi thối.

Chúng tôi đặt vấn đề cần tìm nguồn hàng với số lượng lớn để chế biến nhưng thấy mít có nhiều quả non sẽ không chín đồng loạt, ông Bốn bật cười, giải thích: “Mít mua về còn non thì cả tuần mới chín. Nếu cả tấn mít đợi mỗi ngày chín vài quả rồi đem lột thì sao bán được, phải dùng hóa chất kích thích để trái chín đồng loạt, đẹp lại không bị đắng”. Chúng tôi nói muốn quan sát cách ép mít chín thì ông Bốn cho biết toàn bộ mít đã được bơm thuốc, chỉ ngày mai là chín.

Rời cơ sở của ông Bốn, chúng tôi đến vựa của anh Minh. Theo anh Minh, cơ sở có 2 loại là mít bơm hóa chất và không bơm hóa chất nhưng loại không bơm rất ít vì chỉ dùng để ăn hoặc bán cho người quen, đem biếu; còn mít lột lấy múi làm nguyên liệu sấy đều phải dùng hóa chất. Có ba cách ép mít chín: pha hóa chất với nước tưới đều lên mít, sau đó đậy bạt ni-lông ủ; đưa hóa chất vào xi lanh, chai nhựa, dùng dùi đâm thủng một lỗ nhỏ ở cuống rồi bơm thuốc vào; dùng dao khoét một lỗ nhỏ ở bất cứ vị trí nào của trái mít rồi đổ trực tiếp hóa chất vào trái.

“Cách thứ ba được các chủ vựa áp dụng phổ biến vì khi hóa chất được bơm trực tiếp vào, mít nhanh chín, chín đều, múi đẹp không bị sượng chỉ sau 24 giờ, kể cả trái còn non” - anh Minh giải thích rồi cầm chai hóa chất, lấy con dao khoét vào thân trái một lỗ nhỏ, đổ hóa chất vào. “Nếu bơm quá nhiều, trái chín nhanh không lột kịp sẽ úng thối. Nếu bơm không đủ liều, trái chín sượng, múi có màu nhạt sẽ bị chê, mất giá” - anh Minh nói.

Hóa chất: Mua bao nhiêu cũng có

Theo chỉ dẫn của chị S., chúng tôi đến nhà của người tên K. để mua hóa chất làm sầu riêng nhanh chín. Ông K. lấy ra hai loại hóa chất, một loại đựng trong chai nhựa không nhãn mác, giá 50.000 đồng/chai và một gói thuốc đựng 20 ống nhỏ như cây bút, ghi chữ Trung Quốc, giá 30.000 đồng/gói. Ông K. cho biết thuốc này có tên là “Hoa quả thúc chín tố và chín trái”.

“Chỉ cần pha khoảng 3 nắp chai với nửa chậu nước là có thể ngâm được gần 100 quả. Sáng nay ngâm thì sáng mai chín ngay. Còn loại ống thì cứ 5-6 ống pha với 1/2 lít nước bơm vào quả là chín, thường dùng cho mít hơn sầu riêng” - ông K. hướng dẫn và cho hay những loại thuốc này ông mua từ một người ở ngoài Bắc. Khi phóng viên đề cập chuyện ảnh hưởng tới sức khỏe hay không, ông K. thẳng thừng: “Cái đó sao tôi biết được, nhưng nói thật tôi chẳng bao giờ ăn sầu riêng hay mít bày bán ngoài cửa hàng”.

Từ lời giới thiệu của anh Minh, chúng tôi đến một số cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật ở thị trấn Ea Kar hỏi mua thuốc. Các cửa hàng này đều nói hết hàng đối với người lạ, còn với các chủ vựa mít thì mua bao nhiêu có bấy nhiêu.

Xử lý rất khó

Theo các chủ vựa, có ba loại hóa chất để ép trái cây chín nhưng loại có nguồn gốc từ Trung Quốc được nhiều người sử dụng, mỗi trái chỉ cần nhỏ 2 đến 3 giọt là chín.

Ông Nguyễn Huy Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Gia Lai, cho biết đã nghe thông tin về những loại hóa chất ép sầu riêng chín nhưng bắt quả tang rất khó. Những loại thuốc kích thích trái cây chín nhanh nếu có nguồn gốc rõ ràng thì không có hại lắm. Tuy nhiên, do các sản phẩm thương lái sử dụng không có nhãn mác nên không biết được chất gì, có độc hại hay không.

Còn theo bà Nguyễn Thị Phương Lan, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Đắk Lắk, việc thúc mít chín bằng các loại hóa chất bơm, chích trực tiếp vào trái sẽ đe dọa đến sức khỏe người dùng. Hóa chất Trung Quốc không có địa chỉ, ngày tháng sản xuất, trên bao bì ghi chữ “ít độc” nghĩa là vẫn có độc. Người tiêu dùng ăn phải sản phẩm có loại thuốc này rất dễ bị kích ứng da gây mẩn ngứa, khi ngấm vào cơ thể với lượng lớn sẽ nguy hại đến sức khỏe.

Theo cao Nguyên - Hoàng Thanh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan