Tháng 3 là thời gian đỉnh điểm của vụ thu hoạch cau ở miền núi Sơn Tây, Quảng Ngãi. Thế nhưng tại các khu vườn, vùng đồi, triền dốc, hàng trăm ngàn cây cau với quả chín đầy trên buồng, phía dưới gốc rơi vãi đầy quả chín nhưng vẫn vắng người thu hoạch.
Theo Phòng NNPTNT Sơn Tây, huyện có diện tích cau lên tới 1.426ha, được xem là “thủ phủ cau” của Quảng Ngãi. Chị Nguyễn Thị Kim Ánh ở thôn Huy Măng, xã Sơn Dung, chủ cơ sở chế biến cau lớn nhất vùng, cho biết: Giá cau ruột tươi (quả cau chín, bổ bỏ vỏ) được mua từ 5.000-5.200 đồng/kg, cao gấp đôi so với năm trước.
Thế nhưng lượng cau mà người dân đem bán giảm rất nhiều. Mấy năm trước thì sau 4 tháng thu hoạch (bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 4), lượng cau tươi mà tôi mua ước gần 200 tấn. Tuy nhiên năm nay, dù vụ cau đã đi qua nửa thời gian, nhưng mới chỉ mua được khoảng 1/4 lượng đó.
Rất ít người dân thu hoạch cau chín để bán.
Cũng theo chị Ánh, số lượng cau mà người dân đem đến bán giảm hoàn toàn không phải là vì mất mùa, mà vì người dân không mấy mặn mà thu hoạch. Lý do đầu tiên là mấy vụ trước, cau xanh nguyên quả (cau non) hút hàng nên bắt đầu từ tháng 8-9 các hộ đã thu hoạch để bán, với giá khoảng 5.000 đồng/kg.
Nhưng vừa rồi, giá cau non giảm do phía Trung Quốc - thị trường tiêu thụ chủ yếu cau ở Quảng Ngãi, không mua nữa. Vì vậy, lượng cau chín tăng lên, người dân không đủ sức để hái, bổ bỏ vỏ lấy ruột.
Và một lý do khác là trong năm 2013, người dân nơi đây nhận một lượng tiền đền bù quá lớn, với số tiền từ 100 triệu đồng-5 tỷ đồng/hộ. Vì vậy nhiều người dân không thèm thu hoạch cau bán lấy tiền tiêu, dẫn đến cau chín bị bỏ rụng đầy nương, rẫy.
Ông Đinh Văn Quân - Bí thư Đảng uỷ xã Sơn Tinh xác nhận: Tuy không trúng đất dự án nhưng nhiều hộ trồng cau ở địa phương đã bỏ cau không thu hoạch. Ngoài quả chín quá nhiều, tiền công thu hái và bổ lấy ruột để bán không bằng đi chặt, lột vỏ cây keo thuê (150.000-200.000 đồng/ngày/người).