Việt Nam đang đánh mất thị trường bán lẻ

Ngày 01/05/2014 22:47 PM (GMT+7)

Thứ tài sản mà Việt Nam trước đây rất tự hào là “thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất”, “dân số vàng có khả năng tiêu thụ hàng hoá mạnh mẽ nhất” đã lặng lẽ bị chiếm trọn trong tay người ngoài…

“Mấy anh ép cỡ này làm sao doanh nghiệp sống nổi?!” - câu cảm thán này vang lên tại phòng thương thảo hợp đồng của một siêu thị nước ngoài tại TP.HCM. Những lần doanh nghiệp đập bàn, ức quá phải bật khóc, la lối… đã diễn ra nhiều hơn, thường xuyên hơn. Gọng kềm “phân phối ngoại” đang siết chặt…

Chiều chủ nhật, một nhóm phụ trách bán hàng của các công ty đa quốc gia ngồi tán dóc với nhau. Hiếm hoi lắm, mới thấy họ mở miệng tiết lộ những bí mật của thị trường đang ngày càng “dã man” hơn như hiện nay.

Tiềm năng bị đánh cắp

Đưa ra bản hợp đồng ký với hệ thống Big C, trong đó là dài dằng dặc mấy chục công ty con khác nhau, một anh bảo: “Đó, WTO quy định gì đó là siêu thị nước ngoài không được mở rộng rãi, nhưng người ta cứ muốn mở siêu thị thì lập một công ty mới rồi tha hồ mà mở. Lách ngon ơ…”.

Rồi họ bắt đầu đưa ra những ghi nhận, phân tích và phản ánh về một “trái bom” đã được hẹn giờ phát nổ: thị trường bán lẻ - tức là mạch máu của nền kinh tế, đã gần như nằm trọn trong tay các doanh nghiệp phân phối nước ngoài, và cái ruột bên trong của bán lẻ cũng bị các doanh nghiệp ngoại đưa sản phẩm lấp đầy.

Thứ tài sản mà Việt Nam trước đây rất tự hào là “thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất”, “dân số vàng có khả năng tiêu thụ hàng hoá mạnh mẽ nhất” đã lặng lẽ bị chiếm trọn trong tay người ngoài…

Nhà bán lẻ ngoại ùa vào

Trong danh sách những siêu thị lớn nhất hiện nay, thì Co.opmart vẫn đang dẫn đầu danh sách, tiếp theo là Big C, đến Metro, sau rồi mới là LotteMart, Maximark, Citimart hay Vinatex mart. Vị trí trên bảng tổng sắp này chưa thay đổi, nhưng các chỉ số thị trường bên trong đã có phần khác biệt so với thời gian trước, đặc biệt là sự xuất hiện mang tính bủa vây của các công ty chuyên doanh loại hình cửa hàng tiện ích như FamilyMart, Circle K hay B’smart… Cùng với sự rộng lớn của Giant, Aeon, những cửa hàng be bé ngay khu dân cư đã dần biến bức tranh bán lẻ thành một diện mạo khác.

Một thống kê không chính thức nhưng lại hiệu quả bởi nó dựa vào doanh số sản phẩm của nhiều doanh nghiệp, khoảng năm 2005 thì thị phần của nhà bán lẻ Việt Nam so với nước ngoài là 70 – 30, nay tỷ lệ này đã đảo ngược. “Nhưng mà tương lai sắp tới của ngành bán lẻ sẽ là của cửa hàng tiện lợi, mà Việt Nam thì chưa có hệ thống nào đủ mạnh…”, một anh làm giám đốc bán hàng của một công ty đa quốc gia, cho hay.Bị đạp rớt khỏi kệ hàng.

Việt Nam đang đánh mất thị trường bán lẻ - 1

Co.opmart vẫn dẫn đầu thị phần bán lẻ nhưng đang đứng trước áp lực cạnh tranh gay gắt. Ảnh: Lê Quang Nhật

Có một cách nói hình tượng như sau: hãy vào bất kỳ siêu thị nào, đến khu vực hàng hoá mỹ phẩm, là thứ hàng hoá mà mọi người đều phải dùng thường xuyên, từ dầu gội, sữa tắm, sữa rửa mặt… sẽ thấy được sự chênh nhau giữa doanh nghiệp nội và ngoại. Chẳng hạn, kệ hàng dài 8m của siêu thị Big C hoặc Co.opmart chen chúc nhau các sản phẩm của P&G, Unilever, còn nhãn hàng của doanh nghiệp Việt Nam nằm nép mình một bên như người ăn nhờ ở đậu. “Chắc được chừng 30cm trên kệ”, anh chuyên gia cười chua xót.

Có phần chán nản với chuyện siêu thị, mọi người chuyển qua đề tài chợ truyền thống. Tính độ bao phủ hàng Việt Nam trên cả nước với 500.000 điểm bán thì chỉ những công ty đa quốc gia mới có độ bao phủ trên 50 – 70%.

Đây là con số rất lớn và doanh nghiệp Việt Nam chỉ có Vinamilk có thể đạt được. Lý giải là Vinamilk đã bắt đầu có chiến lược này khi thị trường còn rộng lớn, do vậy hiệu quả đạt được họ đem đầu tư tiếp tục nên giờ vị trí của Vinamilk khá vững vàng, trong khi hầu hết các doanh nghiệp khác bắt đầu muộn hơn, không ý thức được vai trò của phân phối và cũng không có nền tảng tốt để phát triển. Doanh nghiệp nước ngoài khi vào Việt Nam lại được rót tiền từ công ty mẹ, chấp nhận lỗ ít nhất trong năm năm, họ không bị áp lực về doanh thu, chỉ tập trung cho xây dựng hệ thống, marketing...

Và cảnh tượng tương tự cũng diễn ra ở chợ: hàng nội bị “đạp” xuống khỏi kệ hàng. Khảo sát của chương trình hàng Việt vào chợ của trung tâm BSA cho thấy, tiểu thương sống nhờ tiền trưng bày của các công ty đa quốc gia. Đồng thời, hàng hoá này cũng đem lại doanh số cho tiểu thương khoảng 80%. Chợ cũng gần như phụ thuộc vào các nhãn hàng nước ngoài.

Doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài được… ưu tiên?

Ngày 29.3.2014, cổng thông tin Chính phủ đưa tin: Cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được miễn kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) khi mở thêm cửa hàng bán lẻ với diện tích bé hơn 500m2 là một bước tiến mới mà Việt Nam dành cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đại diện EuroCham Việt Nam, phòng Thương mại Hàn Quốc và các doanh nghiệp tham dự toạ đàm cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp đang mong muốn mở rộng đầu tư hệ thống phân phối bán lẻ tại Việt Nam.

Trên thực tế, Việt Nam đã mở cửa thị trường sớm hơn cam kết WTO. Ngay khi Việt Nam gia nhập WTO, quy định, tỷ lệ sở hữu vốn góp của phía nước ngoài trong các doanh nghiệp phân phối bán lẻ không vượt quá 49%, đến năm 2008 tỷ lệ này là dưới 100% và đến năm 2009 trở đi, doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực phân phối bán lẻ có thể thành lập với 100% vốn nước ngoài.

Vì sao có tình trạng này?

1/ Nhà bán lẻ Việt Nam không có “công nghệ bán lẻ”.

2/ Ngành bán lẻ không có các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước như các nước khác, dẫn đến doanh nghiệp Việt Nam đang phải chơi trên một sân chơi thiếu công bằng:

– Ví dụ với quy định không được chi cho quảng cáo quá 10% chi phí thì không có cơ quan nào theo đuổi, kiểm soát, vì vậy doanh nghiệp nước ngoài chi quảng cáo chiếm 40%.

– Chống độc quyền bán lẻ: ở nước ngoài khi một doanh nghiệp bán lẻ nào chiếm thị phần (ví dụ trên 50%) thì phải bị chi phối bởi luật chống độc quyền, họ có thể bị hạn chế diện tích trưng bày, hạn chế các quyền phát triển các điểm kinh doanh mới. Khi mở điểm kinh doanh mới thì phải căn cứ vào nhu cầu kinh tế của vùng đó (bao nhiêu dân thì cần một điểm bán). Trường hợp Big C Hoàng Văn Thụ mở sau đã làm ảnh hưởng rất lớn đến Maximark Cộng Hoà.

3/ Ngành bán lẻ không có cơ quan nào nghiên cứu chính sách và thật sự hỗ trợ hiệu quả cho nhà bán lẻ lẫn doanh nghiệp sản xuất Việt Nam.

Theo Kiên Chinh (Dân Việt/Thế giới Tiếp Thị)

Tin liên quan