Thăm nhà hoạ sư Lê Bá Đảng ở Paris

Ngày 08/02/2014 06:24 AM (GMT+7)

Trọn tầng 7, số 16 trên đường Bossingault thuộc quận 13, Paris, là ngôi nhà của hoạ sư Lê Bá Đảng, hơn nửa diện tích ngôi nhà được ông dùng làm sân vườn và cũng là không gian trưng bày các tác phẩm nghệ thuật.

Ở nơi ấy, từng tác phẩm, cây cỏ chậu hoa, đến không gian sống được hoà quyện và đồng điệu, đẹp như một thuật ngữ nghệ thuật mà người Pháp trịnh trọng dùng miêu tả về ông, đó là Lebadanggraphic – “đồ hoạ Lê Bá Đảng”.

Thế giới nghệ thuật hiện đại ngưỡng mộ và tôn vinh ông là hoạ sư của hai thế giới Đông – Tây, người Anh phong ông là danh hiệu người nổi tiếng thế giới, người Mỹ tặng giải thưởng nghệ sĩ có tài năng lớn và tư tưởng nhân đạo, người Pháp tặng thưởng huân chương nghệ thuật văn học… Có quá nhiều danh xưng, mỹ từ, kể cả lòng ngưỡng mộ để miêu tả về Lê Bá Đảng như thế. Trở về với đời thường, vị hoạ sư sống bình dị cùng người vợ trong ngôi nhà với phần ngoại thất được chăm chút với cỏ hoa khắp bốn mùa, được bạn bè ông ví von rằng nơi ấy là một “vườn thượng uyển” giữa Paris hoa lệ. Còn ở phần nội thất lại là một không gian đa chiều khác, nơi ngồn ngộn các tác phẩm đang thể hiện một ngôn ngữ nghệ thuật đầy tiêu biểu, đa dạng và biến ảo như trong cõi nhân sinh.

Thăm nhà hoạ sư Lê Bá Đảng ở Paris - 1

Mạng nhện giăng ở lối vào chính của phòng khách.

Không gian nghệ thuật

Bước ra khỏi thang máy, vị hoạ sư đưa tôi ra thẳng ngoài sân vườn để tận hưởng một buổi nắng sớm hiếm hoi trong tiết chớm đông Paris, ông vui vẻ giới thiệu về không gian thú vị này: “Toàn bộ cây cối hoa lá trong khu vườn này do bà nhà tôi chăm sóc đấy, còn các tác phẩm nghệ thuật trưng bày là phần của tôi”. Những mảng xanh trải khắp khu vườn thực là sắc màu hiếm có ở tiết trời mùa đông, để có được khu vườn quanh năm xanh tươi ấy, gia chủ cho biết dưới phần sàn của sân vườn được thiết kế một hệ thống sưởi để làm ấm thế nên cỏ cây mới giữ được sắc xanh kể cả trong tiết mùa đông.

Không gian ngoại thất ấy thường được chủ nhân dành tiếp những người bạn thân tình, là nơi tổ chức các bữa tiệc gia đình thân mật, được chuẩn bị chu đáo bởi bàn tay chăm sóc của bà Myshu, người vợ hiền đã gắn bó với cuộc đời Lê Bá Đảng từ hơn 60 năm qua. Ở góc cao nơi khu vườn ấy, những vị khách mời thật dễ dàng có được góc nhìn đẹp về một Paris hoa lệ với xa xa là toà nhà Montparnasse, tháp Eiffel… Nhưng những góc đẹp viễn cảnh ấy nhanh chóng bị lãng quên ngay khi cận cảnh vào từng góc nhỏ trong khu vườn.

Chủ nhân gọi đó là vườn, nhưng khách đến khu vườn ấy thường gọi đó là không gian của nghệ thuật. Thoạt nhìn không gian ấy rất phóng khoáng, tự do, không khuôn thước, mẫu mực, không một quy tắc nào ràng buộc, gò ép như kiểu thiết kế bố cục một sân vườn thông thường. Ở đó cây cỏ tự do đua chen, khoe sắc. Nhưng ở một góc độ khác, sự tung tẩy ấy dường như rất có chủ ý, mảng xanh của cỏ hoa lại kết hợp rất hài hoà với các tác phẩm nghệ thuật từ các chất liệu phù hợp với không gian ngoại thất như kim loại, đá, gỗ, gốm… được sắp đặt khi ngổn ngang dưới đất, khi yên vị trên bàn ăn, lúc lại hững hờ dựa vào bức vách phủ kín dây leo.

Những bố cục, sắp đặt trong khu vườn khiến bước chân cứ lần tìm, đi mãi từ đầu này đến đầu kia, chậm rãi, trầm ngâm, nhìn ngắm, chiêm nghiệm các tác phẩm nghệ thuật mà chủ nhân bài trí trong không gian thú vị ấy đến quên cả thời gian, thậm chí đến quên cả vị chủ nhà đang đứng ở một góc xa, bình thản tay trong túi quần, nhẫn nại mỉm cười đợi chờ khách tham quan khu vườn xinh ấy.

Hoạ sư Lê Bá Đảng phân định rất rạch ròi vai trò của ông trong khu vườn rằng: “Tất cả là do vợ tôi làm hết”. Nhưng những tác phẩm của ông đem lại cho tổng thể khu vườn một sự hoà quyện, đồng điệu, hợp nhất và tròn vẹn như tình yêu của hai người nghệ sĩ với cuộc đời bình dị, nhưng không kém phần phong lưu giữa Paris hoa lệ.

Thăm nhà hoạ sư Lê Bá Đảng ở Paris - 2

Các tác phẩm nghệ thuật hiện diện khắp nơi trong không gian phòng khách.

Cõi nhân sinh

Bước vào nội thất của ngôi nhà hoạ sư Lê Bá Đảng, lại là một “cõi” khác đối lập với những tổng hoà nghệ thuật ở khu vườn xinh. Trong các chi tiết trang trí kiến trúc của ngôi nhà, mỗi hiện vật tồn tại ở đó như một thực thể sống động, không cử chỉ, lời nói, nhưng sự sống động được bao hàm trong ý nghĩa toát lên từ mỗi tác phẩm nghệ thuật mang tính lập thể mà ông thể hiện. Tất cả như chuyển động đa chiều xoay quanh ngôn ngữ tạo hình khi là điêu khắc, khi là hội hoạ, khi là sắp đặt, thoạt nghe tưởng chừng rất rối mắt, nhưng tất cả lại được sắp xếp, bài trí một cách hài hoà, gọn chặt suốt từ phòng khách, hành lang, đến không gian riêng tư nhất là phòng ngủ.

Với muôn vàn các tác phẩm nghệ thuật được Lê Bá Đảng sáng tác ở đủ mọi thể loại chất liệu, từ giấy, gỗ, gốm, đá, kim loại, đến ngay cả cọng dây đồng buộc chổi khi qua bàn tay ông cũng trở thành tác phẩm nghệ thuật, khi là chú ngựa kiêu hãnh, khi là lớp mạng nhện giăng giăng đầy tinh tế và ý nhị bên ô cửa. Lê Bá Đảng chậm rãi lý giải: “Dùng bất kỳ chất liệu nào, với tôi mục đích trên hết vẫn phải đi vào cái đẹp, chỉ cần vậy là đủ, còn kỹ thuật chỉ là chuyện lao động chân tay, ý tưởng là chuyện của trí não, chất liệu thì vẫn thế, đâu cũng giống nhau”.

Nghe ông lý giải thì đơn giản, nhưng mỹ thuật thế giới đã phải ngả mũ kính chào ông bởi cái lẽ đơn giản ấy. Không gian nội thất được ông sắp xếp không theo chủ ý, nội dung, mục đích, bởi lẽ ở mỗi tác phẩm, nó đã có ngôn ngữ riêng của nó rồi. Và khi chúng phối lại với nhau trong ngôi nhà, tất cả được phơi bày, phô diễn, không hề bị gượng ép bởi bố cục sắp đặt. Điều đó cũng thể hiện đúng với tính cách chủ nhân, người sống cả đời vì nghệ thuật, làm nghệ thuật. Với ông, cái thú được vẽ là vì đam mê chứ không phải để chứng tỏ, để thể hiện, khoe khoang mà như ông từng nói: “Tôi không vẽ để nịnh hót con mắt người du lịch, cho mấy thằng viết lách lăng nhăng thấy hươu nói vượn…”

Có một số ít trong các chi tiết trang trí nội thất là những hiện vật được ông sưu tầm, những bức tượng gỗ đã bị thời gian bào mòn, không ra rõ hình tượng, đến tấm gỗ lớn có cẩn các viên đá dăm ốp trên vách tường mà chẳng ai biết công năng nó là gì, chủ nhân lý giải: “Đấy là dụng cụ cày ruộng của người Pháp xưa từ thời chưa có cơ giới hoá, tôi sưu tầm và giữ lại vì ngày nay dụng cụ này không còn”. Chiếc bàn tiếp khách làm từ các khung sắt của ô cửa bỏ đi… cảm giác như những cái gì bình dị, tầm thường, khi qua bàn tay của Lê Bá Đảng, đều được tôn lên thêm vẻ đẹp và giá trị thẩm mỹ vốn đã sẵn có của nó.

Không gian nội thất được ông hào hứng giới thiệu nhất đấy chính là phòng ngủ, vừa là không gian để ông ngồi thư giãn, nhìn ra khoảng sân vườn và cũng là nơi sắp đặt những bức tranh trong loạt tranh Cõi người ta được thể hiện bằng chất liệu giấy, dùng kỹ thuật cắt lủng, phối với màu sắc tạo thành một góc nhìn đa chiều giữa hội hoạ và điêu khắc. Loạt tranh ấy kết hợp cùng các tác phẩm nghệ thuật ở các chất liệu khác được bài trí khắp nội ngoại thất, tạo cho không gian sống của hoạ sư Lê Bá Đảng vừa có gì đó đậm nét phóng khoáng, hiện đại kiểu Tây phương, nhưng cũng phảng phất chút thâm trầm vẻ Á Đông huyền bí.

Thăm nhà hoạ sư Lê Bá Đảng ở Paris - 3

Mỗi chi tiết trang trí trong ngôi nhà mang một ngôn ngữ rất riêng thông qua các tác phẩm nghệ thuật của Lê Bá Đảng.

Thăm nhà hoạ sư Lê Bá Đảng ở Paris - 4

Thăm nhà hoạ sư Lê Bá Đảng ở Paris - 5

Từng góc nhỏ dù ở sân vườn hay trong nhà đều là những góc đẹp nhờ bố cục các tác phẩm nghệ thuật ở đủ mọi thể loại và chất liệu.

Thăm nhà hoạ sư Lê Bá Đảng ở Paris - 6

Góc đọc sách trong thư phòng của Lê Bá Đảng.

Thăm nhà hoạ sư Lê Bá Đảng ở Paris - 7

Các tác phẩm Cõi người ta nơi phòng nghỉ của Lê Bá Đảng.

Thăm nhà hoạ sư Lê Bá Đảng ở Paris - 8

Cảm tưởng như mọi chất liệu khi qua bàn tay của Lê Bá Đảng đều trở thành các tác phẩm nghệ thuật.

Mời các bạn xem thêm Nhà đẹp của Sao:

Nhà vườn Huế thuần khiết của họa sĩ Hoài Hương

Nhà "khủng" triệu đô của họa sĩ Lê Thiết Cương

Ngắm nhà "chuẩn" của họa sĩ Thành Chương

Nhà 2 tỷ của ca sĩ mang biệt danh "thảm họa"

Căn nhà đầy hoa của diễn viên '5s online'

Tổ ấm 500m2 xa hoa của Trương Ngọc Ánh

Nhà ca sĩ Tấn Minh không xa hoa, lộng lẫy

Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Nhà đẹp của Sao