Nhiều vụ ấu dâm thời gian gần đây khiến các bậc cha mẹ hoang mang, nâng cao cảnh giác, đặc biệt là với những gia đình sống ở chung cư.
Cảnh giác, “nhốt” con cẩn thận
Anh Việt Đức (34 tuổi) sống tại khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Về mặt an ninh tôi khá tin tưởng và chọn mua chung cư, vì có sự kiểm soát người lạ ra vào. Tuy nhiên, cũng rất khó phòng ngừa những kẻ ấu dâm, bởi chúng có thể lên kế hoạch hoặc bột phát khi thấy trẻ em. Đấy có thể là người trong tòa nhà, nên khó kiểm soát. Kẻ xâm hại trẻ em có thể ẩn nấp ở chỗ nào đó rồi lôi bé gái vào thang bộ, phòng kỹ thuật… để thực hiện hành vi đồi bại”.
Còn chị Thùy Linh có con gái 8 tuổi hiện đang sinh sống tại Khu đô thị Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng tỏ ra lo sợ: “Bình thường tôi vẫn cho con tự do thoải mái chơi ở sảnh tầng, hay xuống sân tòa nhà chơi. Nhưng từ khi đọc báo thấy liên tiếp các vụ ấu dâm bị phơi bày tôi đã tăng cường quan sát, bảo vệ con. Dù tầng có lắp camera ở hành lang, nhưng cũng hết sức hạn chế cho con ra ngoài. Không được tự ý ra ngoài, nói chuyện, tiếp xúc với người lạ”.
Nhiều phụ huynh ở khu chung cư không dám để con tự do chơi ở sân, sảnh chung cư. Ảnh: Q.A
Trang bị kỹ năng thoát hiểm cho con
Dù lo lắng, song nhiều phụ huynh sống tại các căn hộ chung cư ở Hà Nội cũng đã phải tự “cập nhật” kiến thức, kỹ năng thoát hiểm khi bị xâm hại tình dục để truyền đạt, dạy dỗ cho con. Chị Thu Hằng sống tại Khu đô thị Xa La (Hà Đông, Hà Nội) tâm sự: “Lo lắng cũng chả giải quyết được gì, tốt nhất là tự bảo vệ con cái mình. Buộc phải kèm cặp con, không thể để con tự mình đi thang máy, chơi đùa ở sân hay trên sảnh tầng. Tôi cũng dạy con không nói chuyện, làm theo lời người lạ mặt khi bố mẹ chưa cho phép. Nếu ai đó cầm tay, lôi kéo phải hét to, kêu cứu và vùng chạy về nhà”.
Theo các chuyên gia, để chủ động phòng ngừa, các bậc cha mẹ cần biết, việc giúp trẻ nhận biết những hành vi xâm hại tình dục để đề phòng. Nếu ngay từ nhỏ trẻ đã được dạy các kĩ năng, cũng như có nhận thức về xâm hại thì chúng sẽ không chủ quan cũng như có những kỹ năng để thoát hiểm ngay từ đầu. Cần chỉ rõ cho con thấy chỗ “nhạy cảm” là chỗ nào, cho con biết những bộ phận nhạy cảm không để người khác chạm vào.
Dạy trẻ không nên nghe hoặc tiếp xúc với người lạ ở những nơi vắng vẻ. Không được đi theo những người đàn ông lạ khi họ yêu cầu hay nhờ vả một việc gì đó. Dạy trẻ cách nhận dạng những hành vi xấu, phải kiên quyết phản đối, thậm chí có thể la hét, kêu khóc, cắn và kêu cứu hoặc tìm cách để chạy tới nơi đông người.
Phụ huynh hãy luôn theo kèm trẻ khi ra đường, nơi công cộng. Không cho trẻ mang trang sức quý và ăn mặc hở hang. Thường xuyên trao đổi, trò chuyện với con để phát hiện kịp thời các biểu hiện thay đổi cơ thể và tâm lý của con mình.
Theo số liệu công bố của Bộ LĐ-TB&XH trong 5 năm (2011 - 2015), cả nước phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em với gần 10.000 nạn nhân. Trong đó, số vụ xâm hại tình dục chiếm tới 65% (5.300 vụ).