Đường tình duyên của chị lắm gian nan lận đận, đã 3 lần kết hôn nhưng giờ đây chị vẫn chưa tìm được hạnh phúc.
Là một người phụ nữ, ai cũng muốn được yêu thương, có mái ấm của riêng mình nhưng điều đó lại quá đỗi xa xỉ với chị Vy Phạm, khi kết hôn 3 lần mà vẫn không có được hạnh phúc. Đến với chương trình Mẹ bỉm Texas số 05, người phụ nữ 42 tuổi đã trải lòng về đường tình duyên lận đận của mình khiến nhiều người nghẹn ngào, xót xa.
Chị Vy Phạm cho biết, ngay từ nhỏ chị đã thiếu vắng tình yêu thương của bố mẹ, một tay bà ngoại nuôi lớn. Chị là chủ một tiệm cắt tóc gội đầu ở thành phố Houston (Texas, Mỹ), là một bà mẹ đơn thân với 2 bé trai 14 tuổi và 5 tuổi. Đó là con của người chồng thứ nhất và thứ 3 của chị.
Người chồng đầu tiên và giấc mơ Mỹ
Nói về mối nhân duyên với người chồng đầu tiên, chị Vy Phạm chia sẻ rằng anh sống ở Mỹ và hai người quen nhau qua mạng xã hội. Sau khi trò chuyện được 5-6 tháng, anh về Việt Nam du lịch, thăm gia đình nên cả hai mới có cơ hội gặp nhau lần đầu. Nhưng tìm hiểu nhau được 2 tháng, anh lại về Mỹ và cắt đứt liên lạc khiến chị không khỏi hụt hẫng.
Sau một năm trời mất tích, bỗng dưng anh lại liên lạc lại với chị, ngỏ ý muốn gặp chị lần nữa vào tháng sau, khi anh về Việt Nam. Lần này anh về được 2 tháng, trước khi đi anh đã cầu hôn chị và đám cưới cứ thế diễn ra với sự chúc phúc của hai bên gia đình.
Sau đó chồng về Mỹ, nhưng anh đi chưa bao lâu thì Vy phát hiện chị có thai. “Thực ra lúc đó tôi cố tình ‘thả’ để có thai, vì tôi nghe nói có con rồi đi Mỹ sẽ dễ hơn, bởi tôi lấy anh vì đi Mỹ là chính chứ không phải xuất phát từ tình yêu.
Nhưng khi thấy anh lo lắng cho tôi, có trách nhiệm với mẹ con tôi, tôi cũng có cảm tình và yêu anh lúc nào không hay. Tôi sinh con ở Việt Nam, trước khi ‘vượt cạn’ anh đã về đây để hỗ trợ tôi sinh nở. Mỗi lần đi khám thai anh đều tự lấy xe máy chở tôi đi”, chị Vy Phạm nói.
Chị Vy Phạm trải lòng về 3 lần kết hôn.
Sau khi con được 3 tháng, chồng chị về Mỹ để làm hồ sơ bảo lãnh mẹ con chị qua. Tới năm 2009, chị được đặt chân lên đất Mỹ như ước nguyện. Những tưởng từ đây chị sẽ có một cuộc sống hạnh phúc bên chồng con, nhưng ở đời đâu ai lường trước được chữ ngờ.
Mẹ 2 con trải lòng: “Lúc mới đầu qua Mỹ, tôi rất bơ vơ, lạc lõng vì ở đây tôi không có bất kỳ người thân nào cả. Lúc đó tôi nghĩ trong lòng rằng, tôi sẽ toàn tâm toàn ý với chồng, cả hai sẽ cùng nhau vun đắp gia đình. Chúng tôi sẽ sinh thêm 1-2 đứa con nữa, cùng nhau nắm tay đi hết quãng đường này nhưng cuộc đời đâu như mình mong muốn”.
Không ngờ chồng chị lại là một con bạc, lương của chị đều bị anh lấy hết, chỉ trừ cho chị vài đồng đổ xăng. Sau nhiều lần khuyên nhủ chồng không được, chị ly hôn, chấm dứt cuộc hôn nhân kéo dài 2 năm.
Cũng may trước đây ở Việt Nam chị từng làm nghề cắt tóc gội đầu nên qua đây chị cũng không lo bị đói. Sau khi ly hôn, chị lao vào làm việc kiếm tiền để nuôi con, không nghĩ tới chuyện đi thêm bước nữa nhưng dòng đời đưa đẩy cho chị được gặp anh tại tiệm cắt tóc gội đầu. Anh là người sau cùng, cũng là bố của đứa con thứ 2 của chị.
Cuộc sống "địa ngục" với người chồng thứ 3
Vy Phạm cho biết, người chồng sau cùng của chị sinh ra trong một gia đình nề nếp, gia giáo, mẹ anh trước đây là cô giáo bên Việt Nam. Nghĩ rằng một gia đình như vậy sẽ rất tốt để con trai của mình phát triển, con sẽ có người yêu thương chăm sóc, được tận hưởng không khí ấm cúng của gia đình nên chị mới đồng ý nhận lời yêu của anh. Nhưng không, quyết định đó sau này đã khiến chị phải hối hận, thậm chí ám ảnh tới tận bây giờ.
Lúc ở nhà, trước mặt bố mẹ anh là một đứa con ngoan và rất hiếu thảo, nhưng khi ra ngoài anh như biến thành một con người khác: nhậu nhẹt, cờ bạc, gia trưởng. Không ít lần chị muốn chia tay nhưng trước sự năn nỉ của anh, chị lại yếu lòng.
Tuy kết hôn 3 lần nhưng tới nay chị vẫn chưa tìm được hạnh phúc.
Một thời gian sau, chị có thai và đám cưới được tổ chức rất hoành tráng, nhưng mấy ai biết trước đó đám cưới đã bị hoãn lên hoãn xuống bao lần, thậm chí anh chị đã mấy lần suýt bỏ nhau. Thời gian mang thai, mỗi ngày chị đều lấy nước mắt rửa mặt.
Không ai trong gia đình đó, từ bố mẹ chồng tới em chồng đều không coi chị là con dâu, luôn coi chị và đứa con riêng của chị là người ngoài. Không chỉ vậy, mẹ chồng có thái độ rất lạnh lùng với chị, luôn cho rằng chị không xứng làm con dâu nhà này và lúc nào cũng yêu cầu chị phải chiều chuộng, hầu hạ chồng và gia đình chồng.
Hy vọng con được hưởng hơi ấm gia đình nhưng không ngờ chị và con riêng bị đối xử như người ngoài.
Từ lúc mang bầu tới lúc sinh, chị đi làm suốt, không có một ngày nghỉ. Tới lúc sinh bé thứ 2, chồng chị mất việc. Vốn là một kẻ ăn nhậu, cờ bạc nên khi không có tiền anh ta như thành một kẻ điên, tối nào cũng mua rượu về uống và vay mượn khắp nơi. 6 tuần sau sinh, một biến cố xảy ra khiến chị sợ hãi, ám ảnh đến tận bây giờ.
“Tối hôm đó, chồng tôi về nhà và muốn ôm con nhưng lúc đó con đã ngủ rồi, hơn nữa người anh còn nồng nặc mùi thuốc lá, rượu bia nên tôi không muốn để anh gần con, sợ làm con tỉnh giấc. Không ôm được con, anh quay sang đòi ‘ân ái’ với tôi, nhưng lúc đó tôi mới sinh mổ được 6 tuần nên từ chối.
Không ngờ, anh lao vào đánh tôi tơi bời. Mặt mày tôi bầm tím, sưng phù lên vì trận đòn của anh. Mãi tới khi bố mẹ tới can ngăn thì anh mới ngừng tay. Thực sự lúc đó tôi rất sợ, anh trông giống như một con quỷ vậy, dù 5-6 năm trôi qua rồi nhưng tôi vẫn còn ám ảnh, sợ hãi khi nhớ về cái đêm hôm đó”, Vy Phạm nghẹn ngào nói.
Bị chồng đánh đập, chị dẫn 2 con ra ngoài đi trốn.
Sáng hôm sau, chị ôm hai con rời khỏi nhà vì đêm hôm đó chị đã gọi cảnh sắt bắt chồng đi, chị sợ anh sau khi được bảo lãnh sẽ tìm chị trả thù. Nhưng một thời gian sau khi anh tới năn nỉ xin lỗi, chị lại mủi lòng và dọn về nhà. Lần này, mới về nhà được 3-4 ngày, anh lại chứng nào tật nấy, đi nhậu nhẹt bên ngoài rồi về nhà đập phá đồ đạc. Sau lần đó, hai người chính thức ly hôn, đường ai nấy đi.
Chị ôm 2 con nhỏ ra ngoài tự mưu sinh, cuộc sống tuy vất vả và đầy tủi khổ tại nơi đất khách quê người nhưng giờ đây mọi nỗ lực của chị cũng được đền đáp xứng đáng. Chị đã chủ động được tài chính, có thể tự chăm lo cho hai con cuộc sống đủ đầy. Về hai đứa con của chị, tuy thiếu vắng hơi ấm gia đình nhưng bù lại chúng rất ngoan và hiểu chuyện nên chị rất mừng.